Khi chiến tranh thực sự đe dọa, Hoa Kỳ cần nhiều nhà cung cấp hỏa tiễn hơn
Hoa Kỳ đang đối mặt với những mối đe dọa thực sự về một cuộc chiến tranh trong tương lai gần mà sẽ tạo ra nhu cầu rất cao đối với tất cả các loại hỏa tiễn. Vậy tại sao Hoa Thịnh Đốn lại cho phép thắt chặt nguồn cung cấp công nghệ hỏa tiễn vào thời điểm mà lẽ ra họ phải khuyến khích gia tăng năng lực sản xuất?
Các nhà lãnh đạo quân đội của chúng ta đã cảnh báo cho chúng ta về việc củng cố quốc phòng trong nhiều năm nay. Gần đây nhất, người được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks cho biết bà “lo ngại” về việc củng cố vững chắc căn cứ công nghiệp quốc phòng. Nếu chúng ta tiếp tục trên con đường này, chúng ta sẽ vô cùng thất vọng vì không chuẩn bị những gì tương lai cần và không thể làm chậm lại các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc.
Trong lời khai hôm 09/03/2021 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc Philip S. Davidson đã đưa ra đánh giá rõ ràng về mối đe dọa từ Trung Quốc. Lần đầu tiên, một nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ đưa ra một mốc thời gian cho một cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan, nói rằng, “Tôi nghĩ mối đe dọa đã hiển lộ rõ trong thập kỷ này, trên thực tế là trong sáu năm tới.”
Thay vì một trận kiểu “Normandy,” một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ có thể phải cần đến hai hoặc ba [trận như thế], nhưng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể đã sẵn sàng. Từ lâu, Trung Cộng đã khai triển dưới danh nghĩa các công trình “Dân phòng” hàng nghìn sà lan lớn có thể vận chuyển các phương tiện tự hành (RORO) trên sông Dương Tử, và 3,000 phi cơ Boeing và Airbus của các hãng hàng không dân dụng Trung Quốc. Nếu không có sự phản kháng, chỉ cần chiếm được sáu sân bay chính của Đài Loan, PLA có thể chuyển đến một lực lượng chiếm đóng gồm 5 triệu người trong vòng một tháng.
Đối với giới lãnh đạo Trung Cộng, Đài Loan sẽ không phải là nơi kết thúc những tham vọng của họ, mà là nơi bắt đầu. Sau đó, đảng này sẽ tiến hành đụng độ giao tranh hoặc chiến tranh quy mô nhỏ để áp đặt quyền kiểm soát Biển Đông, giành quyền kiểm soát quần đảo Ryukyu ở phía Nam Nhật Bản, chiến đấu với Ấn Độ và thậm chí kích động một cuộc chiến tranh Argentina mới trên quần đảo Falkland, tất cả nhằm để cô lập Hoa Thịnh Đốn bằng cách tấn công các liên minh của họ. Những trận chiến này sẽ được sắp xếp thời gian và thiết lập theo cách cho phép Trung Cộng đạt được các mục tiêu về ưu thế quân sự, hoặc bá chủ toàn cầu năm 2050.
Đối với PLA, mũi nhọn của cuộc xâm lược Đài Loan và trong tất cả các cuộc chiến tiếp theo sẽ là lực lượng hỏa tiễn của họ. Các quan chức Hoa Kỳ ước tính PLA có hơn 2,000 hỏa tiễn đạn đạo chiến trường (TBM) và hỏa tiễn hành trình, nhưng đây có thể là một đánh giá thấp vì thông lệ của PLA là nạp lại các bệ phóng và giấu phần lớn kho dự trữ dưới lòng đất.
Để gia cường cho các cuộc chiến tranh của mình, PLA cũng có lĩnh vực sản xuất hỏa tiễn lớn nhất thế giới, với Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) và Tổng Công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) đều có khả năng sản xuất hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn (SRBM), hỏa tiễn đạn đạo tầm trung (MRBM) và hỏa tiễn đạn đạo tầm trung gian (IRBM).
Và như thể điều này còn chưa đủ, vẫn cần phải xem xét những tác động của sự hợp tác Trung-Nga trong gần một thập kỷ qua trong lĩnh vực phòng thủ hỏa tiễn chiến lược. Phải chăng cũng có thể có sự hợp tác về “tấn công” hỏa tiễn nguyên tử, ngay cả khi chỉ nhằm mục đích uy hiếp đe dọa, ngay khi một cuộc tấn công của PLA nhắm vào Đài Loan bắt đầu?
Mặc dù chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Trump đã từ chối chấp nhận mối đe dọa của sự thống trị hỏa tiễn chiến trường của PLA ở Á Châu, và rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Nguyên tử Tầm trung (INF) năm 1987 với Nga (một thỏa thuận nhằm giải giáp các hỏa tiễn tầm trung và tầm ngắn), họ hầu như mới chỉ bắt đầu phát triển và sản xuất các hỏa tiễn SRBM, MRBM và IRBM mới, một số được trang bị đầu đạn HGV và đầu đạn nguyên tử chiến thuật mới cần thiết để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc.
Nếu một cuộc tấn công hoặc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc có thể xảy ra sớm như là vào giữa thập kỷ này, thì theo đó Hoa Kỳ nên mở rộng và đẩy nhanh việc chế tạo hỏa tiễn đạn đạo chiến trường và hỏa tiễn hành trình.
Vì vậy, khi Hoa Kỳ có thể ngăn chặn một thảm kịch toàn diện đối với Đài Loan, đối với các đồng minh của họ ở Á Châu, và quan trọng nhất là đối với người dân Hoa Kỳ, tại sao họ lại xem xét việc hạn chế các nhà sản xuất động cơ hỏa tiễn khi điều cần thiết là mở rộng sản xuất và cung cấp hỏa tiễn ngay lập tức?
Đề nghị hợp nhất giữa tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ Lockheed Martin và nhà cung cấp động cơ hỏa tiễn Aerojet Rocketdyne sẽ hạn chế nguồn cung ứng hệ thống hỏa tiễn có động cơ sử dụng nhiên liệu rắn, điều dường như đã xảy ra sau thương vụ mua lại nhà sản xuất động cơ hỏa tiễn Orbital ATK vào năm 2018 của Northrop Grumman.
Công ty trên hiện đang được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại Liên bang xem xét về cách họ đã giành được hợp đồng trị giá 80 tỷ USD từ Boeing để cung cấp Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn răn đe Chiến lược trên Mặt đất. Boeing, đơn vị chủ quản chương trình này, đã không thể cạnh tranh do họ không tiếp cận được với nhà cung cấp động cơ đẩy trước đó của họ, công ty Orbital ATK. Chẳng phải bàn cãi nữa, điều đó đã khiến Northrop trở thành người chiến thắng trong thương vụ này. Do đó, điều quan trọng là phải cân bằng áp lực của thị trường với yêu cầu khẩn cấp về an ninh quốc gia.
Hoa Thịnh Đốn có khung thời gian hạn hẹp để sản xuất và khai triển hàng nghìn hỏa tiễn cần thiết để ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan, hoặc chế tạo hàng chục nghìn hỏa tiễn cần thiết để chiếm ưu thế trong nhiều thập kỷ xung đột với một Trung Quốc đang tranh giành quyền bá chủ toàn cầu. Hoa Kỳ được phụng sự tốt nhất không phải bằng việc thu hẹp khả năng tiếp cận các hệ thống động cơ hỏa tiễn, mà bằng việc mở rộng các hệ thống này.
Ông Rick Fisher là một thành viên cao cấp của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của the Epoch Times.
Do Rick Fisher thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: