Khảo sát: Mối bang giao song phương căng thẳng khiến các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc lo lắng
Theo báo cáo môi trường kinh doanh thường niên mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, quan hệ ngoại giao mong manh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn là mối lo ngại cấp bách nhất đối với các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc và Hồng Kông, nhưng nhiều công ty vẫn tiếp tục báo cáo lợi nhuận cao hơn.
Trong khi những lo lắng về mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc gia tăng kể từ năm 2021, căng thẳng gia tăng giữa hai nước nổi lên như mối lo ngại chính trong năm thứ ba liên tiếp trong cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương Mại Mỹ (AmCham). Theo đó, các doanh nghiệp đang ngày càng lo ngại hơn về luật pháp và quy định không nhất quán, chi phí lao động ngày càng tăng, lo ngại về quy định bảo mật dữ liệu và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty tư nhân Trung Quốc.
Báo cáo của AmCham lưu ý rằng ngoại trừ năm 2023, khi những hạn chế về COVID-19 nổi lên như một vấn đề quan trọng, những thách thức này thường xuyên nằm trong số hai hoặc ba mối quan tâm hàng đầu đối với các công ty thành viên.
AmCham cho biết trong báo cáo khảo sát: “Mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc căng thẳng tạo ra một số thách thức dai dẳng cho các thành viên, và vấn đề này đang được chú ý hơn bao giờ hết, theo sau là sự thiếu nhất quán về quy định và chi phí gia tăng.”
Ông Sean Stein, chủ tịch AmCham Trung Quốc, cho biết: “Mặc dù thương mại song phương đã mở rộng trong những năm gần đây, sự ngờ vực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn ở mức cao và mối bang giao vẫn còn căng thẳng.”
Các câu trả lời thăm dò từ 343 thành viên AmCham được thực hiện vào tháng 10/2023 trước cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco. Cuộc hội kiến này được xem là một bước quan trọng hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, mặc dù hai nhà lãnh đạo — gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2023 — được cho là đã tiến hành các cuộc thảo luận “lý trí” về vô số vấn đề, nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy cuộc gặp đã giúp cải thiện mối bang giao giữa hai quốc gia.
Gần như tất cả các thành viên AmCham được khảo sát đều xem sự không chắc chắn trong mối quan hệ về kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất làm suy yếu tâm lý. AmCham tuyên bố rằng họ nhận thấy mối lo ngại đặc biệt mạnh mẽ về mối quan hệ kinh tế song phương đang chững lại trong lĩnh vực công nghệ cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D).
“Những người trả lời trong lĩnh vực công nghệ và R&D lưu ý những thách thức đáng kể đối với các vấn đề luật an ninh mạng,” AmCham cho biết, đồng thời lưu ý rằng các vấn đề về quy định yêu cầu bản địa hóa dữ liệu đang đặc biệt tiếp tục gây ảnh hưởng có hại đến tất cả các ngành.
Trung Quốc đã giới thiệu luật bảo mật dữ liệu mới vào tháng Chín năm 2021, bao gồm bảo vệ “dữ liệu quan trọng” và “dữ liệu cốt lõi” liên quan đến an ninh quốc gia và kinh tế, phúc lợi của người dân, và các vấn đề lợi ích công cộng quan trọng.
Vào nửa cuối năm 2022, Trung Quốc đưa ra các hướng dẫn mới yêu cầu giải quyết theo từng trường hợp cụ thể đối với việc di chuyển và xuất dữ liệu, điều này cũng đặt ra các hạn chế bổ sung đối với việc các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu.
Tuy nhiên, những người trong ngành cho biết Trung Quốc đã chậm chạp trong việc phê chuẩn các ứng dụng xuất dữ liệu kể từ khi luật bảo mật dữ liệu mới được ban hành, điều này gây khó khăn cho các công ty đang cố gắng chuyển dữ liệu ra ngoại quốc trước những thách thức kinh tế.
AmCham nêu trong báo cáo khảo sát, “Các lĩnh vực công nghệ và R&D đang phải đối mặt với tác động tiêu cực đáng kể do các quy định liên quan đến việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và dữ liệu quan trọng. Trong khi năm ngoái chỉ có 25% báo cáo tác động tiêu cực từ những luật này, thì năm nay tỷ lệ này đã tăng lên 49% — gần như gấp đôi.”
Một cảm giác không được chào đón
Các thành viên AmCham nhấn mạnh rằng việc tiếp cận thị trường là một mối lo ngại đáng kể, với ⅓ số người được khảo sát phàn nàn rằng họ bị đối xử bất công so với các đối thủ trong nước.
AmCham cho biết trong báo cáo khảo sát: “Trong số các công ty được khảo sát, 39% cho biết họ cảm thấy ít được chào đón hơn ở Trung Quốc so với một năm trước.”
Việc thực thi quy định đã nổi lên như một thách thức đáng kể khác dẫn đến khó khăn về cấp phép trong mua sắm công và nhận được sự trợ giúp hoặc trợ cấp tài chính từ chính quyền.
Cuộc khảo sát cho thấy còn có áp lực chính trị, phù hợp với những phát hiện của năm trước, với 72% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy bị áp lực khi đưa ra nhận xét hoặc họ không muốn bình luận về các chủ đề nhạy cảm về chính trị.
“Xu hướng này cho thấy áp lực chính trị vẫn tiếp tục hiện diện trong cộng đồng doanh nghiệp ngoại quốc,” AmCham cho biết. “Phần lớn (57%) công ty thiếu niềm tin rằng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường hơn nữa cho các công ty ngoại quốc.”
Hầu hết các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc buộc phải dựa vào sự quản lý chủ yếu do người Trung Quốc đại lục địa phương thành lập, với hơn ¾ số công ty sử dụng ít hơn 25% quản lý ngoại quốc.
Các thành viên AmCham cho rằng việc không muốn chuyển đến Trung Quốc là trở ngại lớn nhất trong việc tuyển dụng và duy trì chuyên môn quốc tế.
Giống như năm năm trước, AmCham cho rằng tác động của việc tăng chi phí lao động lên tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp là một trong những mối quan tâm hàng đầu, với gần 80% thành viên tin rằng chi phí tiền lương sẽ tăng vào năm 2024.
Tâm lý đầu tư tiêu cực
Theo khảo sát, các doanh nghiệp đã bắt đầu mất niềm tin vào Trung Quốc và không sẵn sàng cam kết đầu tư nhiều hơn vì những thách thức ngày càng tăng khi kinh doanh tại đây.
Báo cáo về kết quả khảo sát cho biết: “43% thành viên được khảo sát cho biết họ không có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Trung Quốc năm 2024, trong khi 5% có kế hoạch giảm đầu tư, đánh dấu mức giảm 4% so với năm 2022.”
“Ngoài ra, 37% thành viên dự định chỉ tăng đầu tư ở mức khiêm tốn [từ 1% đến 10%], nhấn mạnh cách tiếp cận thận trọng liên tục trong môi trường đầu tư của Trung Quốc.”
Những tâm lý này phản ánh một xu hướng gần như toàn cầu.
Phòng Thương mại Đức (AHK) tại Trung Quốc cho biết vào tháng Một rằng ngày càng nhiều công ty Đức rời khỏi thị trường Trung Quốc hoặc xem xét rút lui vào năm 2024.
Cuộc khảo sát niềm tin kinh doanh năm 2023/24 cho thấy khoảng 9% trong số 566 thành viên của AHK được khảo sát không hài lòng với thị trường Trung Quốc.
Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các doanh nghiệp địa phương, khả năng tiếp cận thị trường không đồng đều, các mối đe dọa địa chính trị và những trở ngại kinh tế cũng được coi là những rào cản chính mà các công ty Đức ở Trung Quốc phải đối mặt.
Vào tháng 12/2023, Phòng Thương mại Anh (BCC) tại Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát tương tự về tâm lý, cho thấy các doanh nghiệp Anh cũng đang trì hoãn các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc.
Phòng này nhận thấy 60% doanh nghiệp Anh coi nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại là mối đe dọa đáng kể đối với hoạt động của họ, trong khi 43% cho biết họ đang gặp khó khăn với các vấn đề pháp lý như yêu cầu giấy phép.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times