Khao khát kiểm soát thông tin
Trong hai bài diễn văn vào tháng này, cựu Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố sẽ lãnh đạo một nỗ lực cùng bắt tay hành động chống lại “thông tin sai lệch”. Hoặc theo cách nói của dân ngoại đạo, là để kiểm duyệt những ngôn luận chính trị gây tổn hại cho giai tầng thống trị của Hoa Kỳ.
Tại sao cựu TT Obama và đoàn tùy tùng của ông gồm giới tinh hoa chính trị, doanh nghiệp, và truyền thông, lại muốn chặn đứng tự do ngôn luận? Với tỷ lệ tín nhiệm tại các cuộc thăm dò của Tổng thống Joe Biden đang giảm sâu và các cuộc bầu cử giữa kỳ đang gần kề, Đảng Dân Chủ chẳng có mấy tin tức tốt đẹp để thông báo với các cử tri, do vậy họ phải chôn giấu càng nhiều tin xấu càng tốt, nếu không họ sẽ phải đối mặt với một cuộc đại thảm bại vào tháng Mười Một tới.
Và tiếp theo đó là mối đe dọa dai dẳng đối với quyền kiểm soát hệ sinh thái thông tin của giới cầm quyền: Một trong những công cụ của chính họ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Với việc tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter, phe đối lập đang ăn mừng sự xuất hiện của một nhà tài phiệt truyền thông mũ trắng, người được hy vọng sẽ giải phóng họ bằng cách thực hiện những gì ông ấy rao giảng — rằng tự do ngôn luận là điều thiết yếu cho sự thịnh vượng của một nền dân chủ.
Cựu TT Obama lại nhìn nhận sự việc này theo một cách khác. Như ông từng nói với khán thính giả tại Đại học Chicago và Đại học Stanford rằng, “thông tin sai lệch” đe dọa nền dân chủ. Tất nhiên, những người tạo dựng Hiến pháp đã không đặt ra quy định cho bất kỳ hình thức kiểm duyệt nào, nên không cần phải lo lắng về một chiến dịch kết nối các đại công ty công nghệ với các cơ quan tình báo Hoa Kỳ do liên bang hậu thuẫn, nhằm tước đoạt các quyền trong Tu chính án thứ Nhất của người dân Mỹ.
Một số cựu giám đốc tình báo của cựu TT Obama, chẳng hạn như cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper và cựu Giám đốc CIA Leon Panetta, đã thay mặt cộng đồng tình báo Hoa Kỳ viết một bức thư vào tuần trước. Bức thư kêu gọi quốc hội không nên kiểm soát các công ty công nghệ hàng đầu như Google và Apple, để không làm tổn hại đến khả năng của các nhân viên tình báo Hoa Kỳ trong việc loại bỏ “thông tin sai lệch” do các đối thủ ngoại quốc gieo rắc, chẳng hạn như Nga.
Phe bảo tồn truyền thống không quên rằng ông Clapper và ông Panetta cũng nằm trong số 50 cựu quan chức tình báo đã đưa ra bức thư tuyên bố rằng, những bức thư điện tử được tìm thấy trên máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden cho thấy chứng cứ về mối quan hệ tài chính giữa gia đình Biden, trong đó bao gồm cả tổng thống đương nhiệm và các quan chức ngoại quốc, là “thông tin sai lệch của Nga.” Ngoại trừ một việc, như tờ New York Times và Washington Post đã thừa nhận, rằng những bức thư điện tử đó là xác thực.
Và do đó, có lẽ vô tình, cựu TT Obama và các giám đốc tình báo đã đưa ra một định nghĩa tạm thời về “thông tin sai lệch” — những sự thật có thể gây tổn hại cho Đảng Dân Chủ cũng như bộ máy an ninh quốc gia mà vị tổng thống thứ 44 này điều hành từ dinh thự của ông ở Hoa Thịnh Đốn.
Tại Đại học Stanford, ông Obama đã so sánh cựu cố vấn của ông Donald Trump, ông Steve Bannon với TT Vladimir Putin. Chắc chắn rồi, việc một cựu tổng tư lệnh so sánh một đối thủ chính trị trong nước với một kẻ thù ngoại quốc là điều đáng phẫn nộ, nhưng kiểu ăn nói khoa trương này đã là một nét đặc trưng trong phong cách chính trị của ông Obama kể từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông ấy. Đối với bất kỳ chính sách hoặc dự án hay ý tưởng nào trái ngược với lời hứa hẹn của ông ấy về việc sẽ chuyển đổi nước Mỹ, cựu TT Obama thường thích nói rằng, “Đó không phải là chúng ta, những người dân Mỹ chính hiệu.” Hệ quả [của câu nói này] là nhằm chia rẽ đất nước, giữa những người trung thành với ông Obama và những người mà tư cách công dân Mỹ của họ bị đặt nghi vấn.
Bằng cách so sánh một phụ tá của cựu TT Trump với một Tổng thống chuyên quyền của nước Nga, ông Obama cũng đã nhắc lại câu chuyện thông đồng cho rằng cựu TT Trump đã thỏa hiệp với TT Putin. Hồ sơ Russiagate được tung ra cùng với chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton vào mùa hè năm 2016, nhưng sau khi cựu TT Trump giành được Tòa Bạch Ốc, ông Obama lại đào lên và mổ xẻ hồ sơ này.
Vài tuần trước khi rời nhiệm sở, ông Obama đã giao nhiệm vụ cho các giám đốc tình báo của mình, ông Clapper và cựu giám đốc CIA John Brennan, đưa ra một đánh giá chính thức bằng văn bản mà không có bằng chứng đáng tin cậy, rằng TT Putin đã tìm cách giúp cựu TT Trump thắng cử. Đó là một câu chuyện hư cấu — hoặc “thông tin sai lệch” nếu quý vị muốn nói như vậy — đã gây bất ổn cho chính phủ Hoa Kỳ dưới thời của một tổng thống mà người dân Hoa Kỳ đã lựa chọn để kế nhiệm ông Obama.
Và vấn đề này đưa các bản tin về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 vào một bối cảnh rõ ràng hơn. Ông Obama đã đổ trách nhiệm cho chính phủ TT Trump bằng một câu chuyện giả dối so với thực tế kéo dài trong bốn năm, trong khi các kênh truyền thông và nhân viên tình báo đã buộc các cử tri Hoa Kỳ phải tin vào một thuyết âm mưu. Liên minh do cựu TT Obama lãnh đạo trong đó bao gồm giới báo chí danh tiếng, truyền thông xã hội, các điệp viên và người của Đảng Dân Chủ đã lừa dối — thực chất là đã lừa gạt — toàn bộ các cử tri.
Tỷ phú Elon Musk đã đúng, rằng: Nền Dân chủ không vận hành trừ khi tồn tại các quan điểm và lời giải thích khác nhau để cung cấp thông tin cho người dân quyết định về số phận và tương lai của gia đình, cộng đồng, và quốc gia của họ. Và bởi vì ông được tin là có khả năng hành động theo niềm tin của mình, người đàn ông giàu nhất thế giới này hiện đang là tâm điểm của sự tức giận. Trừ phi tỷ phú Musk sử dụng Twitter giống như các giám đốc điều hành trước đây của nền tảng này để ngăn chặn thông tin và loại bỏ các nhân vật có hại cho giai tầng thống trị, còn không thì chính phủ TT Biden và các đồng minh của họ trong Hạ viện và Thượng viện sẽ khiến nền tảng mà ông Elon mới mua được này bốc hơi đồng thời buộc ông phải ra điều trần trước quốc hội và sử dụng các biện pháp pháp lý khả dụng khác để hãm hại chính ông ấy, kẻ tài phiệt mũ trắng.
Mong muốn kiểm soát thông tin và trừng phạt những người chống đối quan điểm của chính phủ là một dấu hiệu để lộ cho thấy giới chính trị cầm quyền đã bắt đầu có hứng thú với mùi vị của chủ nghĩa toàn trị. Chúng ta đã thấy những dấu hiệu rõ ràng về điều này, thể hiện qua việc những người biểu tình hôm 06/01 đã bị bắt giữ trái với hiến pháp, và chỉ được thả ra sau khi họ đầu hàng trước áp lực phải tố cáo cựu TT Trump và thừa nhận tính hợp pháp của TT Biden. Đây là những nguyên tắc hành xử và biện pháp trong nhà ngục của thế giới thứ ba.
Với việc cựu TT Obama thúc đẩy sự kiểm duyệt để bảo vệ phe cầm quyền mà ông ta đang lãnh đạo, ông ta cho thấy rằng bản thân không đơn giản chỉ là một nhân vật gây chia rẽ mà còn là một kẻ phá hoại. Hóa ra, tầm nhìn về sự chuyển đổi của ông ta đối với nền dân chủ đã hai lần bầu chọn ông làm tổng thống là nhằm biến nó thành một chế độ chuyên chế độc đảng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Lee Smith là một nhà báo kỳ cựu có tác phẩm được xuất bản trên Real Clear Investigations, The Federalist và Tablet. Ông là tác giả của “The Permanent Coup” (“Cuộc Đảo Chính Vĩnh Viễn”) và “The Plot Against the President” (“Âm Mưu Chống Lại Tổng Thống”).
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: