Kết thúc một kỷ nguyên: Thủ tướng Merkel của Đức rời nhiệm sở sau 16 năm tại vị
BERLIN – Bà Angela Merkel đã chắc chắn sẽ được lưu danh trong sử sách ngay từ khi bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức vào ngày 22/11/2005.
Trong 16 năm tiếp theo, bà được ghi nhận là người đã nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Đức, góp phần củng cố một Liên minh Âu Châu vững chắc, quản lý một loạt các cuộc khủng hoảng, và là một hình mẫu cho nữ giới.
Giờ đây, nhiệm kỳ kéo dài gần như đạt kỷ lục [của bà] đã kết thúc khi bà rời nhiệm sở ở tuổi 67 với nhiều lời khen ngợi từ ngoại quốc và sự cảm mến lâu dài ở quê nhà. Người kế nhiệm được chỉ định của bà là ông Olaf Scholz đã nhậm chức hôm 08/12.
Bà Merkel, một cựu khoa học gia lớn lên ở Đông Đức cộng sản, đã rời nhiệm sở khoảng một tuần ít hơn kỷ lục về thời gian tại nhiệm do người thầy một thời của bà, ông Helmut Kohl, người đã thống nhất nước Đức trong nhiệm kỳ 1982-1998, nắm giữ.
Mặc dù bà Merkel có lẽ thiếu một thành tích ngoạn mục mang đậm dấu ấn cá nhân, nhưng thành viên Đảng Liên Minh Dân Chủ Cơ Đốc Giáo (CDU) trung hữu này vẫn được xem là một người quản lý khủng hoảng không thể thiếu và là người bảo vệ các giá trị phương Tây trong thời kỳ hỗn loạn.
Bà đã phục vụ cùng thời với bốn tổng thống Hoa Kỳ, bốn tổng thống Pháp, năm thủ tướng Anh, và tám thủ tướng Ý. Dấu ấn trong nhiệm kỳ thủ tướng của bà là bốn thách thức lớn: cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ Âu Châu, dòng người tị nạn đến Âu Châu năm 2015-2016, và đại dịch.
Bà Sudha David-Wilp, phó giám đốc văn phòng Berlin của Quỹ German Marshall Fund (GMF) của Hoa Kỳ, cho biết, “Không thể phủ nhận rằng bà ấy đã trao cho Đức rất nhiều quyền lực mềm. Không còn nghi ngờ gì nữa, bà đã nâng tầm hình ảnh của Đức trên thế giới.”
“Khi bà xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2005, rất nhiều người đã đánh giá thấp bà, nhưng tầm vóc của bà đã phát triển cùng với vai trò của Đức trên thế giới,” bà David-Wilp nói thêm. Những người khác ở Âu Châu và bên ngoài lục địa này “muốn có một nước Đức năng động đóng một vai trò nào đó trên thế giới — điều đó có lẽ không phải là tình huống trước khi bà ấy nhậm chức, không nhất thiết là như vậy.”
Trong một thông điệp video tại hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng của bà Merkel hồi tháng Mười, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã cảm ơn bà vì đã “đảm nhận vị trí cao trong nhiều năm như vậy.”
“Nhờ có bà mà khu vực trung tâm đã trụ vững qua bao sóng gió,” ông nói.
Bà Merkel là động lực thúc đẩy các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga vì sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, đồng thời là người dẫn đầu các nỗ lực chưa hoàn thành cho đến nay nhằm đưa ra một giải pháp ngoại giao ở đó. Bà David-Wilp nói rằng bà ấy được xem là người “có thể đối thoại với [Tổng thống Nga Vladimir] Putin thay mặt cho phương Tây.”
Bà kiên định theo đuổi các giải pháp đa phương cho các vấn đề của thế giới, một nguyên tắc mà bà đã đặt ra tại buổi lễ duyệt binh vinh danh bà vào tuần trước.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và dòng người di cư “đã cho thấy rõ rằng chúng ta phụ thuộc vào sự hợp tác vượt ra ngoài biên giới quốc gia như thế nào, và các thể chế quốc tế cũng như các công cụ đa phương không thể thiếu để có thể đối phó với những thách thức lớn của thời đại chúng ta ra sao,” bà Merkel nói, đồng thời nhận định những thách thức đó là biến đổi khí hậu, số hóa, và di cư.
Quan điểm đó tương phản mạnh mẽ với lập trường của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người mà bà có mối quan hệ khó khăn. Tại cuộc gặp đầu tiên của họ ở Tòa Bạch Ốc hồi tháng 03/2017, khi các nhiếp ảnh gia reo hò muốn họ bắt tay nhau, bà đã lặng lẽ hỏi ông Trump “ông có muốn bắt tay không?” nhưng vị tổng thống này đã không hồi đáp mà nhìn về phía trước.
Bà Merkel đã phủ định khi được mệnh danh là “nhà lãnh đạo của thế giới tự do” trong thời kỳ đó, nói rằng quyền lãnh đạo không bao giờ phụ thuộc vào một người hoặc một quốc gia.
Tuy nhiên, bà vẫn được coi là một nhà lãnh đạo quan trọng trong khối 27 quốc gia EU kềnh càng, nổi tiếng với khả năng chịu đựng để thuyết phục các thỏa thuận trong các phiên đàm phán kéo dài.
“Bà Merkel từng là một cỗ máy thỏa hiệp,” Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đã nhận định như vậy gần đây. Khi các cuộc đàm phán lâm vào bế tắc, bà ấy “hầu như luôn tìm thấy điều gì đó gắn kết chúng tôi lại và thay đổi cục diện.”
Điều đó đã được minh chứng hồi tháng 07/2020, khi các nhà lãnh đạo EU đạt được một thỏa thuận chưa từng có về ngân sách 1.8 ngàn tỷ euro (2 ngàn tỷ USD) và quỹ phục hồi đại dịch COVID-19 sau một hội nghị thượng đỉnh kéo dài bốn ngày đầy tranh cãi.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU lần thứ 107 cuối cùng của bà, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đã nói với bà Merkel: “Bà là một tượng đài.” Một hội nghị thượng đỉnh không có bà ấy sẽ giống như “Thành Rome không có Vatican hoặc Paris không có tháp Eiffel,” ông nói thêm.
Những lời đánh giá cao từ những người đồng cấp của bà là chân thành, mặc dù đã có rất nhiều xích mích trong suốt những năm qua. Bà Merkel luôn tìm cách giữ cho EU đoàn kết nhất có thể nhưng vẫn bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của Đức, bà gây xung đột với Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ và bất đồng với Hungary, Ba Lan, và những quốc gia khác về việc các nước này từ chối — không giống như Đức — tiếp nhận người di cư đến Châu Âu.
Bà Merkel cho biết bà đang rút khỏi EU “trong một tình huống chắc chắn khiến tôi cũng phải lo lắng.”
“Chúng ta đã có thể vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trên tinh thần tôn trọng, luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chung,” bà nói. “Nhưng chúng ta cũng có một loạt các vấn đề chưa được giải quyết, và có những nhiệm vụ lớn chưa hoàn thành cho người kế nhiệm của tôi.”
Nhận định đó cũng đúng ở quê nhà, nơi mà thành tựu của bà — chủ yếu là những cuộc khủng hoảng mà bà đã giải quyết, gồm cả một trận đại dịch đang tái bùng phát khi bà rời nhiệm sở — là một hỗn hợp trái ngược. Bà để lại nước Đức với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và hệ thống tài chính lành mạnh hơn, nhưng cùng với đó là những thiếu sót được ghi nhận rõ ràng trong việc số hóa — nhiều văn phòng y tế đã sử dụng máy fax để truyền dữ liệu trong đại dịch — và điều mà các nhà phê bình cho là thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Bà đã đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhưng cũng bị chỉ trích vì đã hành động quá chậm chạp trong vấn đề biến đổi khí hậu. Sau khi tuyên bố năm 2018 rằng bà sẽ không tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ năm, bà đã không bảo đảm được một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ trong đảng của chính mình, vốn gặp thất bại lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng Chín ở Đức.
Liên minh cầm quyền sắp thành lập dưới thời ông Scholz cho biết họ muốn “tạo ra nhiều tiến bộ hơn” cho nước Đức sau nhiều năm trì trệ.
Nhưng nhận xét chung của người Đức dường như vẫn tích cực. Trong chiến dịch tranh cử mà bà hầu như vắng mặt, thứ hạng về mức độ yêu mến của người dân dành cho bà Merkel đã vượt xa ba người có khả năng sẽ kế nhiệm bà. Không giống như bảy người tiền nhiệm của mình ở Đức thời hậu chiến, bà rời nhiệm sở vào thời điểm mà tự mình lựa chọn.
Ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của bà Merkel đôi khi tiết lộ những cảm xúc của bà, vượt xa lời nói. Bà từng than thở rằng mình không thể làm ra vẻ vô cảm: “Tôi đã bỏ cuộc. Tôi không thể làm được như vậy.”
Bà không bị chùn bước trước phong cách của ông Putin. Tổng thống Nga từng mang theo chú chó Labrador của mình tới cuộc gặp năm 2007 với bà Merkel, người sau đó nói rằng bà có một “mối e ngại nhất định” về những chú chó sau một lần bị cắn.
Bà chưa bao giờ là người quyến rũ nhất trong số các nhà điều hành chính trị, nhưng đó là một phần sức hấp dẫn của bà — vị thủ tướng này tiếp tục có những kỳ nghỉ đi dạo không ồn ào, thi thoảng người ta thấy bà đi mua sắm ở siêu thị và sống trong chính căn hộ ở Berlin mà bà từng ở trước khi nhận công việc đứng đầu quốc gia này.
Được tạp chí Forbes vinh danh là “Người Phụ Nữ Quyền Lực Nhất Thế Giới” trong 10 năm liên tiếp, bà Merkel bước xuống với di sản là phá vỡ rào cản vô hình của việc nam giới thống trị lĩnh vực chính trị — mặc dù bà cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không nỗ lực hơn nữa cho bình đẳng giới.
Cựu Tổng thống Obama nói rằng “rất nhiều người, trẻ em gái và trai, đàn ông và phụ nữ, đã có một hình mẫu mà họ có thể hướng tới trong những khoảng thời gian thử thách.”
Cựu Tổng thống George W. Bush đã có một mối quan hệ không mấy êm đẹp với người tiền nhiệm của bà Merkel là ông Gerhard Schröder, sau khi ông Schröder phản đối cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Iraq. Ông Schröder đã nói rằng “bà Angela đã đến và thay đổi hoàn toàn điều đó.”
“Bà Angela Merkel đã đặt đẳng cấp và phẩm giá lên một vị trí rất quan trọng và đưa ra những quyết định vô cùng khó khăn… và làm như vậy dựa trên nguyên tắc,” ông Bush nói với đài truyền hình Đức Deutsche Welle hồi tháng Bảy. Ông mô tả bà là “một nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái, một người phụ nữ không ngại dẫn đầu.”
Do Geir Moulson của The Associated Press thực hiện
An Nhiên và Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: