Kết quả khảo sát: Chủ tịch Tập và ĐCSTQ không đại diện cho tiếng nói của người dân Trung Quốc
Theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, không nên dùng những luận điệu và tuyên truyền chính thống một chiều của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để chỉ ra sự thiếu đa dạng về quan điểm của người dân Trung Quốc hoặc sự đồng tình của công chúng với các quan điểm của ĐCSTQ.
Báo cáo này, có tiêu đề “Dư luận ở Trung Quốc: Đa số Tự do Thầm lặng?”, trình bày nghiên cứu định lượng chuyên sâu và dữ liệu thăm dò ý kiến do các giáo sư Jennifer Phan (Jennifer Pan) và Từ Nhất Thanh (Yiqing Xu) của Đại học Stanford thu thập, trái ngược trực tiếp với quan điểm rằng phần đông dân chúng chia sẻ hoặc đồng ý với tuyên truyền chính thức.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau cho dù vấn đề là chính trị ở Trung Quốc, hay các quy tắc tham gia vào quá trình chính trị và tham gia vào các cuộc biểu tình công khai, số lượng con mà các cặp vợ chồng được phép có, việc sử dụng vốn tư nhân, quyền sở hữu đất đai, thương mại và thuế quan, chính sách ngoại giao và quân sự, hoặc vai trò của báo chí và nhu cầu giúp đỡ các ký giả ngoại quốc tìm cách đưa tin về Trung Quốc.
Các tác giả của báo cáo CSIS, bà Ilaria Mazzocco và ông Scott Kennedy, không đổ lỗi cho những người bên ngoài vì đã hiểu sai ý kiến công chúng ở trong nước Trung Quốc là mang tính phổ biến nào đó. Theo quan điểm của họ, đây là hệ quả dễ hiểu của quyền lực tập trung chuyên quyền và thiếu các quyền tự do chính trị quen thuộc với người dân phương Tây.
Các tác giả của báo cáo viết: “Việc tăng cường sự tập trung quyền lực ở Trung Quốc và giảm trao đổi trực tiếp với phương Tây đã thúc đẩy nhận thức rằng quan điểm của một người duy nhất ở Trung Quốc là quan trọng: của ông Tập Cận Bình. Ngoài việc không có nhiều quyền lực, hầu hết mọi người đều cho rằng quan điểm của công dân Trung Quốc phần lớn là do bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ định hình.”
Đây là một quan điểm ngây ngô, không phù hợp với thực tế của một quốc gia có 1.4 tỷ dân nên sự đa dạng đáng kể về quan điểm sẽ là điều đương nhiên.
Các tác giả của báo cáo viết, “Không phải tất cả công dân đều ủng hộ các chính sách của chính quyền, cũng như mọi quan điểm của họ đều phản ánh tuyên truyền của nhà nước. Và, bất chấp rủi ro, họ sẵn sàng chia sẻ ý kiến của mình.”
Các tác giả trình bày dữ liệu khảo sát do các giáo sư Phan và Từ thu thập để làm bằng chứng cho thấy dân chúng nói chung “có quan điểm tự do hơn mong đợi” và “có quan điểm tự do hơn các quan điểm chính thức trong chính quyền của họ”. Ở đây, điều quan trọng cần nêu rõ là các tác giả sử dụng thuật ngữ “tự do” theo nghĩa của chủ nghĩa tự do cổ điển, nghĩa là thể hiện lập trường ủng hộ thị trường và tự do ngôn luận chung, và ác cảm với sự quản lý quá mức và kiểm soát của nhà nước.
Các quyền cá nhân và gia đình ở Trung Quốc
Khi nói đến một trong những quyền căn bản và cá nhân nhất trong số các quyền, quyền sinh sản tự do và không lo ngại về các giới hạn và hạn ngạch do nhà nước áp đặt, nhiều người ở Trung Quốc đã quyết định đưa ra quan điểm trái ngược với quan điểm chính thống của ĐCSTQ và với chính sách “một con” mà các quan chức ĐCSTQ từ lâu đã tìm cách giảm tỷ lệ sinh.
Các cuộc khảo sát được thực hiện lần lượt vào năm 2018 và 2019 đã hỏi những người tham gia liệu họ có đồng ý rằng chính phủ không có quyền can thiệp vào câu hỏi có nên sinh con hay sinh bao nhiêu con hay không. Trong hai cuộc khảo sát đầu tiên, 23.5% số người được hỏi cho biết họ hoàn toàn đồng ý với tuyên bố này, 23.4% đồng ý, 27.3% trung lập, 16% không đồng ý và 6.5% phản đối mạnh mẽ.
Trong cuộc khảo sát vào năm sau, các con số hầu hết đều giống nhau nhưng những người được hỏi đồng ý mạnh mẽ rằng chính quyền nên đứng ngoài cuộc lên tới 25.7% trong tổng số, trong khi 22.3% đồng ý, 25.8% trung lập, 16.9% không đồng ý và 6% rất không đồng ý.
Đối với câu hỏi rộng hơn là liệu mọi người có thể giữ và bày tỏ quan điểm trái ngược với các quản điểm chính thức của nhà nước hay không, kết quả một lần nữa cho thấy chủ nghĩa tự do ở mức độ cao như được các tác giả của báo cáo này xác định. Tổng cộng 21.4% người được hỏi trong cuộc thăm dò đầu tiên (năm 2018) rất đồng tình rằng mọi người nên được phép nói lên quan điểm tích cực hoặc tiêu cực đối với các chính sách của nhà nước, 36.7% đồng ý, 25.9% trung lập, 8.9% không đồng ý và 4.2% phản đối mạnh mẽ.
Trong cuộc thăm dò năm 2019 về câu hỏi tương tự, số người đồng ý mạnh mẽ đã tăng lên 22.8%, trong khi 36.4% đồng ý, 26.8% trung lập, 8.2% không đồng ý và 4.3% phản đối mạnh mẽ.
Những người thăm dò ý kiến đã hỏi những đáp viên về quan điểm của họ về một đề xướng liên quan: rằng cần có giới hạn đối với việc tụ tập nơi công cộng và tham gia các cuộc biểu tình công khai. Đây dường như là một câu hỏi đặc biệt nhạy cảm ở Trung Quốc kể từ sau các cuộc biểu tình và thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Một số người ngại nói về chủ đề này, ngay cả khi ẩn danh với một người thăm dò ý kiến, bằng chứng là các kết quả cho thấy 4.3% và 4.0% người tham gia trong các cuộc khảo sát năm 2018 và 2019 tương ứng đã từ chối đưa ra câu trả lời.
Trong cuộc khảo sát năm 2018, 9.9% hoàn toàn đồng ý rằng cần có giới hạn, 21.8% đồng ý, 37% trung lập, 18.4% không đồng ý và 8.6% hoàn toàn không đồng ý. Trong cuộc khảo sát năm 2019, các con số tương ứng lần lượt là 9.5%, 23.9%, 34.8%, 20.1%, và 7.6%.
Chính sách kinh tế và sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế
Đối với các quan điểm kinh tế và tài chính của chính quyền ông Tập Cận Bình, báo cáo chỉ ra một cách rõ ràng về xu hướng của ĐCSTQ trong những năm gần đây. Bên cạnh chủ nghĩa độc tài chính trị ngày càng gia tăng, báo cáo lập luận, chính quyền của ông Tập đã can thiệp vào hoạt động của nền kinh tế thậm chí còn mạnh tay hơn các chính quyền Bắc Kinh trước đây. Báo cáo mô tả chủ nghĩa tư bản nhà nước được thực hiện dưới thời ông Tập xoay quanh việc đàn áp khu vực tư nhân và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước (SOEs).
Để đánh giá tâm lý của công chúng về những xu hướng này, những người thăm dò đã hỏi những người tham gia một câu hỏi liên quan trực tiếp đến mối quan hệ căn bản giữa nhà nước và nền kinh tế, cụ thể là liệu họ có đồng ý rằng nên khuyến khích vốn tư nhân thành lập các bệnh viện tư nhân hay không vì lợi ích của việc cung cấp dịch vụ chăm sóc tiện lợi và hiện đại cho những người có khả năng chi trả nhiều hơn. Kết quả rất gây ấn tượng. Trong cuộc khảo sát năm 2018, 18.6% số người được hỏi hoàn toàn đồng ý, 34.7% đồng ý, 25.7% trung lập, 11.5% không đồng ý và 7% hoàn toàn không đồng ý. Trong cuộc khảo sát năm 2019, các con số tương ứng là 14.3%, 33%, 25.8%, 14.3% và 5.9%.
Các tác giả nêu rõ: “Ngoài mức độ chấp nhận cụ thể của đầu tư tư nhân vào y tế, các câu trả lời cũng cho thấy rằng công chúng sẵn sàng chấp nhận mức độ bất bình đẳng nhất định trong những gì nhà nước coi là hàng hóa công. Điều này rất quan trọng vì bất bình đẳng ngày càng bị chính trị hóa ở Trung Quốc và là mục tiêu chính của chương trình ‘thịnh vượng chung’ của chính quyền ông Tập.”
Khi được trình bày với một đề nghị khác đi vào trung tâm của mối quan hệ nhà nước-xã hội – rằng các cá nhân nên được phép sở hữu, mua và bán đất – thì kết quả cũng ấn tượng như vậy. Trong cuộc khảo sát năm 2018, 4.4% từ chối trả lời, 12.1% hoàn toàn đồng ý, 21.1% đồng ý, 27.4% trung lập, 21.4% không đồng ý và 13.6% hoàn toàn không đồng ý. Trong cuộc khảo sát năm 2019, các con số tương ứng là 3.8%, 9.7%, 20%, 26.4%, 24% và 16.2%.
Nhưng quan điểm của công chúng Trung Quốc không thể đoán trước được trên tất cả các lĩnh vực và hạng mục có sự can thiệp của nhà nước. Các nhà thăm dò đã tìm thấy sự hỗ trợ đáng kể đối với việc áp thuế cao đối với hàng hóa nhập cảng, để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc. Trong cuộc khảo sát năm 2018, 4.2% từ chối trả lời trong khi 17.4% đồng ý mạnh mẽ với mức thuế cao, 28% đồng ý, 31.4% trung lập, 13.6% không đồng ý và 5.4% phản đối mạnh mẽ. Trong cuộc khảo sát năm 2019, các con số là 4.5%, 14.6%, 26.6%, 33.3%, 16.2% và 4.8%.
Chính sách quân sự và đối ngoại
Trong các cuộc khảo sát ý kiến của công chúng Trung Quốc cho các câu hỏi về chính sách quân sự và đối ngoại, những người tham gia cuộc thăm dò một lần nữa nhận thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các quan điểm gần gũi với chủ nghĩa tự do cổ điển hơn là với các mệnh lệnh của ĐCSTQ, và ủng hộ ngoại giao thay vì cố gắng đè bẹp kẻ thù của Bắc Kinh bằng vũ lực.
Một trong những đề nghị được đưa ra đối với những đáp viên là: “Chính phủ nên bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia càng nhiều càng tốt thông qua các biện pháp ngoại giao và kinh tế để tránh xung đột quân sự.” Trong cuộc khảo sát năm 2018, 39.6% hoàn toàn đồng ý, 36.6% đồng ý, 17.9% trung lập và 4.9% không đồng ý. Trong cuộc khảo sát năm 2019, 39.2% hoàn toàn đồng ý, 37.3% đồng ý, 15% trung lập và 5.2% không đồng ý. Ở đây, đáng chú ý là không có câu trả lời nào thuộc loại “hoàn toàn không đồng ý.”
Cuối cùng, liên quan đến đề nghị rằng các ký giả đưa tin tiêu cực về Trung Quốc nên được phép vào nước này thì cho các kết quả khác nhau. Trong cuộc khảo sát năm 2018, 9.4% hoàn toàn đồng ý, 15.9% đồng ý, 25.5% trung lập, 21.6% không đồng ý và 24.8% hoàn toàn không đồng ý. Trong cuộc khảo sát năm 2019, các con số là 5.5%, 14.3%, 24%, 22.7% và 30.2%.
Báo cáo này cho biết rằng quy mô mẫu kết hợp cho mỗi cặp khảo sát năm 2018 và 2019 là 2,329 đáp viên.
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do có trụ sở tại New York chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp lý và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần của Reading the Globe. Sách của ông bao gồm “Những câu chuyện đã mất gốc và những câu chuyện khác”, “Khi chúng ta trưởng thành” và “Người lạ, người lạ”.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: