Kentucky: Phát hiện biến thể COVID-19 mới R.1 với ‘các đột biến độc nhất’ tại viện dưỡng lão
Theo nhà khoa học William A. Haseltine, một biến thể mới của virus COVID-19 đã được phát hiện tại một viện dưỡng lão ở Kentucky, tại đây biến thể này đã lây nhiễm cho 45 cư dân và nhân viên y tế.
Ông Haseltine cho biết, biến thể này tên là R.1, có nguồn gốc từ Nhật Bản và đã lây nhiễm cho nhiều cư dân và nhân viên trong viện dưỡng lão ở Kentucky vốn đã được chích ngừa đầy đủ.
Biến thể R.1 hiện đã nhận được hơn 10,000 mục nhập trong cơ sở dữ liệu GISAID SARS-CoV-2, cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới mà các nhà nghiên cứu sử dụng để theo dõi và ghi lại dữ liệu bộ gene.
“Biến thể này chứa năm đột biến được ghi nhận trước đây trong các biến thể đáng lo ngại hoặc đáng quan tâm… Biến thể này cũng chứa nhiều đột biến độc nhất,” ông Haseltine viết cho Forbes.
“R.1 là một biến thể cần được chú ý. Nó đã tạo dựng được chỗ đứng ở cả Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngoài một số đột biến chung đáng chú ý ở protein gai (S) và protein nucleocapsid (N) với các biến thể đáng lo ngại, R.1 có một tập hợp các đột biến độc nhất có thể cung cấp lợi thế bổ sung trong việc lây truyền, sao chép và ức chế miễn dịch.”
Bình luận của ông Haseltine được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ban cố vấn vaccine của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bỏ phiếu khuyến nghị không cung cấp mũi chích bổ sung Pfizer cho toàn bộ người dân, nhưng khuyến nghị chích cho người Mỹ từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ cao, một đòn giáng mạnh vào chương trình chích ngừa của chính phủ Tổng thống Biden.
Trong khi các quan chức y tế Hoa Kỳ, một số quốc gia khác và các nhà sản xuất vaccine lập luận rằng các mũi chích bổ sung là cần thiết cho tất cả mọi người, nhiều nhà khoa học, bao gồm cả một số nhà khoa học trong FDA, đã không đồng tình, lưu ý rằng các cơ quan quản lý vẫn chưa xác minh tất cả các dữ liệu hiện có một cách độc lập.
Một số nhân viên của FDA cũng lưu ý rằng hiện vẫn chưa rõ liệu những người được chích mũi bổ sung có nguy cơ mắc các phản ứng bất lợi cao hơn hay không, chẳng hạn như viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, kể từ tháng 04/2021, các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim gia tăng đã được ghi nhận ở Hoa Kỳ sau khi chích vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna, đáng chú ý nhất là ở thanh thiếu niên và thanh niên.
Một nghiên cứu mới đây từ một số nhà khoa học đứng đầu tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và FDA cũng đã phát hiện ra rằng toàn bộ người dân không cần chích liều bổ sung và thay vào đó kêu gọi cung cấp các loại vaccine hiện tại cho những dân số chưa được chích ngừa, chẳng hạn như các quốc gia có thu nhập thấp.
Các tác giả viết, “Thậm chí dù cho mũi chích bổ sung cuối cùng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng trong trung hạn, thì nguồn cung vaccine hiện tại có thể cứu sống nhiều người hơn nếu được sử dụng cho những bộ phận dân chúng chưa được chích ngừa trước đây.”
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã kêu gọi Hoa Kỳ tạm dừng phát triển các mũi chích bổ sung cho đến cuối năm 2021 và thay vào đó chia sẻ các loại vaccine còn lại với các quốc gia kém phát triển.
Ông nói trong một cuộc họp báo hôm 08/09, “Tôi sẽ không im lặng chừng nào các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vaccine toàn cầu còn cho rằng người nghèo trên thế giới nên hài lòng với phần vaccine dư thừa. Bởi vì các nhà sản xuất đã ưu tiên hoặc có nghĩa vụ pháp lý để thực hiện các giao dịch song phương với các nước giàu sẵn sàng chi trả nhiều dollar nhất, các nước thu nhập thấp đã bị tước đoạt các công cụ để bảo vệ người dân của họ.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Bài liên quan: