Kế hoạch ngân sách của TT Biden có thể khiến tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ yếu hơn
Khi đọc một đề nghị ngân sách thì việc đầu tiên mà bất kỳ nhà kinh tế nào cũng cần làm là phân tích các giả định vĩ mô căn bản và các kết quả do chính phủ trình bày. Khi cả giả định và kết quả đó đều nghèo nàn, thì cần phản biện đề nghị ngân sách đó. Đây là đề cập đến kế hoạch ngân sách của ông Biden.
Tăng trưởng không đổi; nợ nhiều hơn và ít việc làm hơn.
Theo chính phủ, tác động đến tăng trưởng của ngân sách lần này là không đáng kể – đó là ước tính của họ, lạc quan và không có sự thay đổi trong việc giảm dần đà tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính tăng trưởng GDP thực bình quân cho giai đoạn 2021-2025 là 2.6%, và 1.6% trong giai đoạn 2026-2031. Con số này thấp hơn mức tăng trưởng GDP thực tiềm năng của nền kinh tế Hoa Kỳ từ năm 2026 nhưng lại có nợ cao hơn nhiều – với việc làm thấp hơn.
CBO cũng dự kiến về tăng trưởng việc làm là cực kỳ kém, với tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 4.8% trong giai đoạn 2020-2030 và 4.1% cho giai đoạn 2025–2030. Điều này có nghĩa là không đạt được tỷ lệ thất nghiệp của năm 2019, thậm chí vào năm 2030 sau khi chi tiêu 6 nghìn tỷ USD.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là tình hình tài chính của Hoa Kỳ đang bị suy giảm nghiêm trọng. Ủy ban về Ngân sách Trách nhiệm Liên bang (CFRB) cảnh báo rằng “nợ công liên bang sẽ tăng từ 100% của GDP vào cuối năm tài chính 2020 và đạt mức kỷ lục 110% của GDP trong năm 2021, lên 114% của GDP năm 2024 và 117% GDP vào cuối năm 2031. Tính theo dollar danh nghĩa, nợ sẽ tăng thêm 17.1 nghìn tỷ USD vào cuối năm tài chính 2031, từ 22 nghìn tỷ USD hiện nay lên 39.1 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2031.”
Đây là một điều đáng lo ngại, bởi vì lịch sử cho chúng ta thấy rằng những ước tính này có xu hướng sai lệch theo hướng lạc quan và rằng nợ còn tăng nhanh hơn.
Các khoản bù đắp 3.8 nghìn tỷ USD trong ngân sách là lạc quan quá mức. Chính phủ ông Biden giả định rằng việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng đến đầu tư và dự báo xu hướng tổng thu thuế lạc quan quá mức. Ví dụ, ước tính về tổng thu thuế giả định tăng trưởng cao hơn [mức tăng trưởng] GDP và không có bất kỳ sự sụt giảm nào trong toàn bộ thời kỳ, điều đã không xảy ra trong nhiều thập kỷ. Mặc dù vậy, ước tính của chính phủ sẽ chỉ bao gồm khoảng 3/4 chi phí chi tiêu mới, vì thâm hụt ngân sách sẽ đạt tổng cộng 14.5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Thâm hụt hàng năm có thể sẽ đạt trung bình 1.4 nghìn tỷ USD (4.7 % GDP) mỗi năm trong một thập kỷ. Không có năm nào mà các khoản chi tiêu được bù đắp bởi tiền thu thuế ngay cả khi có những ước tính lạc quan về tăng trưởng kinh tế này.
Theo CFRB, “thay vì tính toán nợ theo xu hướng ổn định và sau đó đi xuống so với nền kinh tế, ngân sách của quốc gia sẽ vượt qua kỷ lục trước đó và tăng các mức nợ lên 117% GDP vào năm 2031.”
Theo CFRB, chi tiêu tăng lên 24.5% GDP trong thập kỷ tới. Dự báo cơ sở của chính phủ ông Biden là 22.7% GDP, cao hơn đáng kể mức trung bình 50 năm là 20.6% GDP. Vấn đề là phần lớn những khoản trở thành chi tiêu thực tế lại không đem lại lợi tức kinh tế thực và việc tăng các chương trình phúc lợi xã hội có khả năng ảnh hưởng đến năng suất, việc làm, và đầu tư. Ngay cả trong dự báo của chính phủ ông Biden, chi tiêu hàng năm sẽ cao hơn thu nhập khoảng 4% GDP. Và khoản thu nhập ước tính đó đã là quá lạc quan.
Vì vậy, chính phủ ông Biden dự kiến sẽ chi trả cho những khoản thâm hụt và nợ ngày càng tăng như thế nào? Các nhà kinh tế học theo trường phái Neo-Keynes nói rằng thâm hụt không quan trọng và Cục Dự trữ Liên bang có thể tiền tệ hóa các khoản chi tiêu vượt mức. Điều này đặt ra hai câu hỏi: Nếu thâm hụt không thành vấn đề, tại sao lại tăng thuế ồ ạt? Và, thay vào đó tại sao không cắt giảm thuế?
Phần nguy hiểm nhất của ngân sách là tất cả khoản chi tiêu này không đem lại sự cải thiện thực sự cho đà tăng trưởng bình quân và việc làm trong khi làm tăng chi tiêu bắt buộc của ngân sách, khiến các chính phủ tương lai không thể cân đối ngân sách.
Các khoản chi bắt buộc tăng 1.2 nghìn tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2031, điều này cho thấy rằng không có biện pháp thu thuế nào hiện nay hoặc trong tương lai có thể loại bỏ thâm hụt hoặc cắt giảm nợ. Không có ước tính thực tế nào về tăng trưởng kinh tế hoặc ước tính tiền thu thuế có thể bù đắp được khoản nợ tăng lên 14.5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới. Khi chi tiêu bắt buộc tăng lên, khả năng cải thiện các thách thức tài khóa của nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm đi. Một cuộc suy thoái nhỏ trong 10 năm tới xảy ra và nợ sẽ còn tăng nhanh hơn, tới trên 120% GDP.
Dự báo của CBO và chính phủ ông Biden cho thấy tiền thu thuế tăng hàng năm ở mọi khoản mục, và nếu nhìn vào lịch sử của 5 thập kỷ qua, chúng ta đều biết điều này đơn giản là không thể. Hơn nữa, ngay cả với các ước tính của CBO hoặc chính phủ ông Biden, có một kết luận đã rõ ràng: Vấn đề thâm hụt của Hoa Kỳ là do chi tiêu. Không có biện pháp thu thuế thực tế nào sẽ cân bằng được ngân sách.
Câu hỏi đặt ra là, họ sẽ tạo ra lạm phát kiểu gì để giải quyết khoản nợ này? Đây là rủi ro lớn nhất của ngân sách này. Chính phủ ông Biden rõ ràng đang nhắm đến mục tiêu tăng giá tiêu dùng hàng loạt để giảm bớt tác động của nợ trong các điều kiện thực tế (sau khi điều chỉnh lạm phát), và điều này lại có nghĩa là tăng trưởng tiền lương thực tế thấp hơn, sức mua từ tiền lương yếu hơn, và quan trọng hơn là phá hủy các khoản tiết kiệm và sức mua của USD.
Nhiều nhà kinh tế đã đề cập đến Liên minh Âu Châu, nơi có nhiều quốc gia có mức nợ cao hơn 116% GDP. Đúng. Các quốc gia này cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng [kinh tế] yếu hơn, tỷ lệ việc làm kém hơn và tăng trưởng năng suất thấp hơn. Đấy cũng là một bài học. Pháp là một quốc gia liên tục tăng thuế để tài trợ cho chi tiêu chính phủ cao đã không có ngân sách cân bằng kể từ cuối những năm 1970 và nền kinh tế đã rơi vào tình trạng trì trệ trong nhiều thập kỷ. Tỷ lệ thất nghiệp, ngay cả trong các giai đoạn tăng trưởng vẫn cao hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ.
Khi quý vị sao chép [mô hình] Liên minh Âu Châu, quý vị cũng nên biết rằng quý vị sẽ nhận được tăng trưởng thấp và tạo ra ít việc làm theo kiểu Liên minh Âu Châu.
Kế hoạch ngân sách của ông Biden, theo ước tính của chính nó, không đem lại mức tăng trưởng cao hơn hoặc việc làm tốt hơn. Thực tế dường như sẽ cho kết quả bi đát hơn nhiều.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách có nhan đề “Tự Do hoặc Bình Đẳng”, “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương” và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính.”
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: