Julian Assange: Kẻ tội đồ hay anh hùng chính nghĩa?
Hôm 16/12, Julian Assange – người sáng lập WikiLeaks – đã chính thức xin Tổng thống Donald Trump ân xá cho mình khi bị giam giữ tại Anh. Ông Assange sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 04/01/2021 để quyết định xem liệu ông có bị dẫn độ về Hoa Kỳ hay không. Ông có khả năng sẽ chịu án phạt tù lên tới… 175 năm nếu bị tuyên án tại Hoa Kỳ. Vụ án của ông khá đặc biệt khi thu hút những luồng dư luận trái chiều.
Julian Assange sinh năm 1971 tại Townsville, bang Queensland, miền bắc nước Úc. Tuổi thơ của ông phiêu du vì cha mẹ điều hành một gánh hát rong. Ông bắt đầu thành lập WikiLeaks năm 2006 với một nhóm những người cùng chí hướng tập hợp từ khắp nơi trên thế giới. Họ ôm hoài bão tạo ra một “hộp thư chết” trên mạng cho những người chuyên rò rỉ thông tin.
Năm 2010, ông Assange chia sẻ với đài BBC rằng: “Để giữ an toàn cho nguồn của mình, chúng tôi phải dàn trải và mã hóa mọi thứ, di chuyển các liên lạc viễn thông và di chuyển cả người trên khắp thế giới để kích hoạt các luật bảo vệ thể theo các hệ thống pháp lý quốc gia khác nhau”.
Daniel Schmitt, một người đồng sáng lập trang web, miêu tả ông Assange là “một trong số ít người thực sự quan tâm tới những cải tổ tích cực trong thế giới này tới mức sẵn sàng làm một điều rất cực đoan, tới mức có nguy cơ có thể mắc sai lầm, chỉ vì để làm cho những gì họ tin tưởng”.
Sóng gió nổi lên vì hoài bão “khác người”
Sau khi thành lập, WikiLeaks lần lượt công bố những tài liệu rò rỉ từ nhiều nước khác nhau, nhưng trang web chỉ thực sự gây chấn động toàn cầu vào năm 2010. Khi đó, WikiLeaks tung ra 470,000 tài liệu về hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan.
Cụ thể, tháng 04/2010, WikiLeaks đăng video có hình ảnh bạo lực được quay tại Iraq. Tháng 07/2010, họ công bố kho lưu trữ 6 năm báo cáo chiến trường mật ở Afghanistan. 3 tháng sau, họ lại công bố các tài liệu mật về cuộc chiến ở Iraq. Tháng 11/2010, Wikileaks hé lộ khoảng 250,000 bức điện ngoại giao bí mật của Hoa Kỳ.
Tháng 08-09/2010, ông Assange bị điều tra về cáo buộc cưỡng bức và quấy rối từ hai phụ nữ Thụy Điển. Stockholm phát lệnh bắt ông vào tháng 11/2010, nhưng ông Assange bác bỏ cáo buộc này.
Ông Assange ra trình diện cảnh sát ở London vào tháng 12/2010 và bị giữ trong khi chờ phán quyết về yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển. Ông sau đó được tại ngoại và gọi các cáo buộc của Thụy Điển là chiến dịch bôi nhọ ông và trang web lo “thổi còi báo động” của ông. Ông Assange sợ rằng Thụy Điển sẽ bàn giao mình cho Hoa Kỳ, nơi WikiLeaks đang bị điều tra.
Tháng 11/2011, tòa án ở Vương quốc Anh ra phán quyết rằng ông Assange có thể bị dẫn độ sang Thụy Điển. Các luật sư của ông kháng cáo với lập luận rằng ông sẽ không được xét xử công bằng nếu bị dẫn độ. Ông Assange thất bại trong lần kháng cáo cuối cùng trước Tòa án Tối cao Anh vào tháng 06/2012.
Ông sau đó ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London và được nước này cấp quy chế tị nạn chính trị vào tháng 08/2012. Dù được tự do, ông bị giam lỏng trong đại sứ quán: Ecuador chỉ có thể bảo vệ ông chủ WikiLeaks khi ông ở trong sứ quán. Nếu ông rời đi, ông sẽ ngay lập tức bị cảnh sát Anh bắt.
Ông Assange đã bị cảnh sát Anh bắt vào ngày 11/04/2019, sau khi Ecuador rút quy chế tị nạn dành cho ông. Tổng thống Ecuador Moreno khẳng định quyết định của Ecuador “mang tính chủ quyền” và nhấn mạnh ông Assange “liên tiếp vi phạm các quy tắc thường nhật và thông lệ quốc tế”. Assange có thể ngồi tù ít nhất một năm với cáo buộc vi phạm quy tắc tại ngoại của Anh năm 2012. Ngày 11/04/2019, Hoa Kỳ cáo buộc ông Assange xâm nhập vào máy tính của chính phủ, liên quan đến vụ rò rỉ thông tin mật của Hoa Kỳ năm 2010. Hiện tại, ông đang bị giam giữ ở Anh.
Julian Assange: Nỗi đau đầu của phe cánh tả, trợ thủ đắc lực của TT Trump?
Assange thực sự là nỗi đau đầu đối với Chính phủ Obama. Với 250,000 bức điện ngoại giao bí mật của Hoa Kỳ bị tiết lộ năm 2010, Tòa Bạch Ốc đã cực lực lên án hành động của WikiLeaks, xem đây là một việc làm “vô trách nhiệm và nguy hiểm”, có thể làm tính mạng một số người bị đe dọa. Chính phủ Hoa Kỳ còn công bố một bức thư của người phụ trách pháp lý tại Bộ Ngoại giao gửi ông Julian Assange cho biết việc công bố tài liệu này là “vi phạm luật pháp”.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Lawrence Cannon đã coi việc WikiLeaks dồn dập tiết lộ các thông tin ngoại giao nhạy cảm là “đáng chỉ trích, “vô trách nhiệm” và “có thể đe dọa an ninh quốc gia.”
Không chỉ dừng lại ở đó, trang web này còn tung ra “quả bom” ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
Ngày 16/03/2016, WikiLeaks đăng tải 30,322 email và tệp đính kèm gửi đến và gửi đi từ địa chỉ hộp thư cá nhân của bà Hillary Clinton, lúc đó đang là Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. 50,547 trang văn bản trong email nằm trong khoảng thời gian từ 30/06/2010 đến 12/08/2014. Trong số đó, 7,570 văn bản là do bà Clinton gửi trong thời gian bà giữ chức Ngoại Trưởng Hoa Kỳ từ năm 2009 đến năm 2013. Bê bối email này có tác động lớn đến bà Hillary và khả năng chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử năm 2016. Bởi bà có thể bị buộc tội cố tình làm rò rỉ thông tin mật của chính phủ.
Khi tranh cử tổng thống năm 2016, TT Trump liên tục bày tỏ vui mừng khi WikiLeaks công khai những email từ Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ và chiến dịch của bà Hillary Clinton, mặc dù các quan chức Hoa Kỳ cáo buộc WikiLeaks thu được những email này từ tin tặc làm việc cho tình báo Nga.
Là nỗi khiếp sợ với phe cánh tả, nhưng ông chủ WikiLeaks luôn xuất hiện vào đúng thời điểm để trợ giúp Chính phủ TT Trump. Ngay cả khi bị giam giữ bởi các đặc vụ nhà nước ngầm của nhiều quốc gia, Julian Assange đã làm được điều đó – giống như ông đã làm trước cuộc bầu cử năm 2016.
Theo nhà văn, nhà báo Howell W. Woltz của Richardson Post, vào ngày 07/03/2017, Wikileaks đã tung ra 8,761 Tài liệu CIA, tiết lộ cơ sở của CIA ở Frankfurt của Đức, được sử dụng để tấn công cuộc bầu cử bao gồm “phần mềm độc hại, virus, trojan, khai thác vũ khí hóa ‘zero day’, hệ thống điều khiển từ xa phần mềm độc hại và các tài liệu liên quan khác.”
Các rò rỉ có chủ đích tiết lộ rằng một đơn vị tuyệt mật của CIA đã sử dụng thành phố Frankfurt làm điểm xuất phát cho nhiều cuộc tấn công đột nhập vào Châu Âu, Trung Quốc và Trung Đông.
Nhật báo “Süddeutsche Zeitung” của Đức đưa tin, tòa nhà được phát hiện ở Frankfurt là nơi có mạng lưới nhân viên tình báo rộng lớn bao gồm các điệp viên CIA, gián điệp NSA, nhân viên mật vụ quân sự, nhân viên Bộ An ninh Nội địa và nhân viên Cơ quan Mật vụ.
Cũng theo tờ báo, Hoa Kỳ cũng đã thiết lập một mạng lưới dày đặc tại các tiền đồn và các công ty pháo binh ở Frankfurt. Có vẻ như CIA đã sử dụng cùng một trung tâm dữ liệu nước ngoài để “hack” cuộc bầu cử Hoa Kỳ… và đã bị phát hiện. Điều này trùng khớp với những gì Luật sư Sydney Powell đã công bố vào tháng 11 về gian lận bầu cử năm 2020. Thông tin gây chấn động này một lần nữa vạch trần âm mưu của phe cánh tả, và nỗ lực mang đến sự thật cho người dân của WikiLeaks.
Julian Assange là kẻ tội đồ hay anh hùng chính nghĩa?
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào năm 2016, Julian Assange đã cố gắng truyền đi thông điệp với độc giả rằng, ông không “hack” các tài liệu mật, ông chỉ công bố chúng. Vụ rò rỉ tài liệu vào năm 2010 được thực hiện dưới danh nghĩa báo chí, và tình trạng chống lại ông bản chất là một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận.
Theo nhà báo Arjun Walia, trong những năm qua, ông Assange đã phải đối mặt với một số chiến dịch bôi nhọ và các vụ ám sát cá nhân, mặc dù thực tế có rất nhiều nhân vật tầm cỡ ủng hộ ông và nhìn thấy khá rõ ràng chuyện gì đang xảy ra. Ông Assange hiện đang bị giam giữ trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt tại nhà tù HMP Belmarsh, nơi từng được mệnh danh là “Vịnh Guantanamo của nước Anh.”
Theo The Guardian, “Julian Assange đã được thẩm phán cảnh báo trong trường hợp được dẫn độ, rằng ông có thể bị loại khỏi tòa án và bị xử vắng mặt.”
Hầu hết thế giới đều biết lý do tại sao họ săn lùng ông và tại sao ông lại đang bị tra tấn trong tù. Điều tương tự cũng xảy ra với những người như Edward Snowden, đó là vì họ dám vạch trần những hành vi dối trá, tham nhũng, lừa đảo, và trái đạo đức của chính phủ nước họ, cũng như các chính phủ trên toàn thế giới đã nhúng tay vào. Theo lời của John F. Hylan, cựu Thị trưởng thành phố New York, ông Assange đã phơi bày “mối đe dọa thực sự của nền Cộng hòa”. Chính phủ ngầm giống như một con bạch tuộc khổng lồ dùng những cái vòi nhầy nhụa của mình để thâm nhập vào các thành phố, các tiểu bang của Hoa Kỳ. Ông vạch trần những kẻ hầu như chỉ muốn điều hành chính phủ Hoa Kỳ để phục vụ cho những mục đích ích kỷ của riêng họ.
“An ninh quốc gia” đã trở thành một công cụ bảo vệ cho vô số các hành vi phi đạo đức và trái luân lý của các chính phủ, các tập đoàn lớn cũng như giới tài chính.
Ông Nils Melzer, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tra tấn và các biện pháp đối xử, trừng phạt thô lỗ, vô nhân đạo hoặc hạ cấp khác, đã nói: “Chúng ta đã đắm chìm bao xa nếu nói ra sự thật lại trở thành tội ác? Chúng ta đã đắm chìm bao xa nếu chúng ta truy tố những người vạch trần tội ác chiến tranh chỉ vì họ dám đứng ra vạch trần tội ác chiến tranh?”… “Điều đó nói lên điều gì về chúng ta và chính phủ của chúng ta? Trong một nền dân chủ, quyền lực không thuộc về chính phủ, mà là của nhân dân. Nhưng người dân phải yêu cầu nó. Bí mật làm mất quyền lực của người dân vì nó ngăn cản họ thực hiện quyền kiểm soát dân chủ, đó chính là lý do tại sao các chính phủ muốn giữ bí mật.”
Chính trị đã trở thành đống đổ nát vì tham nhũng, và giờ đây các tập đoàn và ngân hàng lớn dường như đang chỉ huy chính sách chính trị. Những gì chúng ta được thấy trên TV khi nói đến các vấn đề địa chính trị và chiến tranh, hoàn toàn khác với những gì đang xảy ra trong thực tế, và đây là điều mà Julian Assange đã vạch trần đến từng chi tiết. Thu thập thông tin kiểu như “chính phủ tài trợ, trang bị và tạo ra các tổ chức khủng bố như ISIS hay Al-Qaeda” và sử dụng nó để thông báo cho công chúng không phải là mối đe dọa đối với người dân, nhưng sẽ là mối đe dọa đối với những người nắm quyền có chủ ý xấu. Những người nắm quyền này đang sử dụng an ninh quốc gia để biện minh cho việc nhốt ông Assange trong suốt quãng đời còn lại.
Tối 17/12, trên kênh Fox News, vợ của Julian Assange là Stella Moris tiếp tục cầu xin Tổng thống Donald Trump ân xá cho chồng cô để ngăn người sáng lập Wikileaks “rơi vào tay Nhà nước Ngầm”. Cô Moris nói với người dẫn chương trình Tucker Carlson rằng, cô tin ông Assange sẽ không được xét xử một cách công bằng nếu bị dẫn độ về Hoa Kỳ. Theo cô, nếu phán quyết này được thông qua, đây sẽ là dấu chấm hết cho Tu chính án thứ nhất, cũng như quyền tự do ngôn luận. Cô nói: “Julian không đơn giản chỉ đối mặt với một phiên tòa ở Hoa Kỳ. Anh ấy sẽ bị xét xử tại Trung tâm giam giữ Alexandria, Virginia, nơi hội đồng bồi thẩm đoàn sẽ bao gồm những người sống tại Virginia, vốn rất có quyền lực.”
Hiện tại, chỉ có TT Trump mới có thể cứu được ông Assange. Tổng thống có quyền ân xá cho một người trước khi kết thúc một nhiệm kỳ tổng thống. Dĩ nhiên, chúng ta có thể hoàn toàn hy vọng rằng Tổng thống sẽ ân xá cho ông Assange bởi những gì ông Assange làm cũng là những điều Tổng thống Trump muốn phơi bày. Vạch trần tham nhũng và bảo vệ Hiến pháp là mục tiêu cao cả của Tổng thống Trump. Với nhiều chính trị gia Hoa Kỳ và chính phủ các quốc gia, ông Julian Assange là một kẻ tội đồ cho tham vọng của họ, nhưng đối với những công dân khao khát sự thật, ông Assange lại được xem như một anh hùng.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times Tiếng Việt.
Trung Dung
XEM THÊM: