John Dewey đã sử dụng giáo dục công để lật đổ tự do ở Hoa Kỳ như thế nào?
Bài viết này là phần 3 trong loạt bài tìm hiểu về nguồn gốc của giáo dục công lập ở Hoa Kỳ.
Mời quý vị xem trọn bộ loạt bài này tại đây:
1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13.1,13.2,14,15,16.1,16.2
Khi nhân sĩ John Dewey và các môn đồ của ông tiếp quản hệ thống giáo dục công mới nổi được tạo ra từ nhiều thập kỷ trước để thúc đẩy chủ nghĩa tập thể, hệ thống non trẻ này vẫn còn rất sơ khai.
Tuy nhiên, vào thời điểm ông qua đời năm 1952, nó đã là một cỗ máy tập thể được bôi trơn nhằm xóa sổ di sản tôn giáo, tri thức và chính trị của Hoa Kỳ một cách hiệu quả hơn bất kỳ thế lực nào trước đây có thể tưởng tượng.
Dewey thường được ca ngợi là cha đẻ của nền giáo dục “cấp tiến” hiện nắm giữ hơn 85% trẻ em Hoa Kỳ. Mặc dù ông không đơn độc – ông đứng trên vai của những người đồng tư tưởng chủ nghĩa tập thể như Robert Owen và Horace Mann mà các bài báo trước đó đã đề cập – Dewey xứng đáng nhận được nhiều công lao, hoặc ông rất đáng trách vì đã giải phóng nền giáo dục này tại Hoa Kỳ và trên toàn nhân loại.
Cũng giống như Mann và Owen thời trước, Dewey có những động cơ thầm kín khi ông ta cống hiến hết mình cho sự nghiệp truyền bá “cải cách giáo dục”. May mắn thay cho các thế hệ tương lai và các nhà sử học, ông là một nhà văn mẫn cán, liên tục viết ra những tiểu luận, bài báo, tuyên ngôn và văn kiện. Do đó, quan điểm và mục tiêu của ông gần như không phải là một bí ẩn.
Dewey muốn cải tổ nền tảng cơ bản của Hoa Kỳ. Trên thực tế, ông muốn nó trông giống Liên Xô hơn. Để làm được điều đó, ông tin rằng cần phải có một sự chuyển đổi toàn diện của giáo dục và xã hội, cụ thể là “thay đổi quan niệm về những gì cấu thành nên giáo dục” như ông viết trong cuốn “Mối Liên Hệ Giữa Lý Thuyết Và Thực Hành Trong Giáo Dục” (The Relation of Theory to Practice in Education) năm 1904.
Ông lập luận rằng giáo dục phải mang lại một “trật tự xã hội mới”.
Giống như trường hợp của hầu hết các nhân vật chủ chốt tham gia vào kế hoạch chính phủ tiếp quản giáo dục, Dewey bác bỏ Cơ Đốc Giáo và sự tồn tại của Chúa. Ông cũng bác bỏ chủ nghĩa cá nhân và tự do đã định hình Hoa Kỳ cho đến thời điểm đó, vốn bảo hộ mạnh mẽ các quyền do Chúa ban tặng, tài sản tư nhân và thị trường tự do.
Thay vào đó, Dewey đã làm những việc quỷ quyệt để tiếp tục cắt đứt nguồn gốc Cơ Đốc Giáo của nền giáo dục Hoa Kỳ và phương Tây. Quá trình này đã được thực hiện bởi Owen, một người cộng sản xứ Wales có công xã thất bại ở Indiana. Nó chính thức bén rễ dưới thời của Mann ở Massachusetts, khi ông du nhập mô hình giáo dục nước Phổ lấy cảm hứng từ Owen. Nhưng tất cả mới chỉ là bắt đầu.
Vào thời điểm Dewey và các môn đồ thực hiện “phép thuật” của mình, kế hoạch này đã lên đến đỉnh điểm ở một quốc gia mà phần lớn học sinh trung học phổ thông bài xích một cách thô bạo thế giới quan trong Kinh Thánh, và hầu hết những người trẻ tuổi tự mô tả mình là người xã hội chủ nghĩa.
Trên hết, hệ thống này đã tạo ra một quốc gia mà trong đó chỉ có dưới một phần ba số học sinh lớp 12 được coi là “thông thạo” về đọc và làm toán, theo dữ liệu liên bang thu thập từ bộ phận Khảo sát Tiến bộ Giáo dục Quốc gia (National Assessment of Educational Progress).
Lợi dụng giáo dục để thay thế tự do bằng chủ nghĩa tập thể
Điều thú vị là Dewey đến từ Burlington, Vermont – quê hương của Bernie Sanders theo chủ nghĩa xã hội. Và giống như Sanders, Dewey tự phong cho mình là một người theo chủ nghĩa xã hội “dân chủ”. Nhưng nhiều thập kỷ trước khi Sanders đến thăm Liên Xô trong tuần trăng mật của mình, mặc dù nước này đang tàn sát và tra tấn những người bất đồng chính kiến, Dewey đã hành hương đến Moscow dưới thời cai trị của Bolshevik.
Tất nhiên, Karl Marx đã kêu gọi sự kiểm soát của chính phủ đối với giáo dục trong “Tuyên ngôn Cộng sản”, và do đó Liên Xô đã tuân theo. Nhiều thập kỷ trước đó, Owen, một người cộng sản khác, cũng làm như vậy. Dewey tiếp tục từ nơi họ đã bỏ dở, nhiệt thành ủng hộ việc nhà nước kiểm soát toàn bộ giáo dục với niềm đam mê thậm chí còn hơn cả Sanders ngày nay.
Viết trên tờ tạp chí cực tả New Republic, Dewey đã đưa ra những bài tường thuật nổi cộm về hệ thống cộng sản đang áp đặt lên người dân Liên Xô. Ông đặc biệt hài lòng với cái gọi là hệ thống giáo dục của nó, tôn vinh cách nó tiêm nhiễm “tâm lý tập thể” vào trẻ em Liên Xô trong cuốn “Những Ấn Tượng Về Nước Nga Xô Viết và Thế Giới Cách Mạng” (Impressions of Soviet Russia and the Revolutionary World) xuất bản năm 1929.
Bất chấp lòng yêu thích chủ nghĩa toàn trị của Liên Xô và “hệ tư tưởng” cộng sản đằng sau nó, Dewey vẫn công khai chỉ trích Stalin và chủ nghĩa Stalin sau này trong cuộc đời. Ngược lại, mô hình cho một Hoa Kỳ cộng sản của ông được phác họa trong cuốn sách “Nhìn Lại Quá Khứ” (Looking Backward) năm 1888 của Edward Bellamy. Đây là một câu chuyện tưởng tượng về một Hoa Kỳ theo chủ nghĩa tập thể tuyệt vời vào năm 2000, nơi tất cả tài sản tư nhân sẽ bị chính phủ quốc hữu hóa.
Quan điểm xã hội chủ nghĩa của Dewey hầu như không phải là bí mật. Trong “Chủ Nghĩa Tự Do và Hành Động Xã Hội” (Liberalism and Social Action), ông viết rằng: “Hình thức tổ chức xã hội lâu dài duy nhất có thể thực hiện được là hình thức trong đó các lực lượng sản xuất mới được phối hợp kiểm soát.” Ông tiếp tục trong tác phẩm nổi tiếng năm 1935 của mình: “Lập kế hoạch xã hội một cách có tổ chức hiện là biện pháp hành động duy nhất giúp chủ nghĩa tự do thực hiện các mục tiêu của mình.”
Chung góc nhìn với hầu hết những người theo chủ nghĩa toàn trị trong thế kỷ 20, Dewey hiểu rằng việc giáo dục trẻ em sẽ là yếu tố cơ bản để đạt được tầm nhìn về một xã hội không tưởng (Utopian) của chủ nghĩa tập thể. Ông khẳng định: “Giáo dục là một yếu tố bắt buộc của quá trình tiến tới chia sẻ ý thức xã hội. Sự điều chỉnh hoạt động cá nhân trên cơ sở ý thức xã hội này là phương pháp chắc chắn duy nhất để tái tạo xã hội”.
Loại bỏ 3Rs trong chủ nghĩa tập thể
(*3Rs: đọc, viết và số học)
Trong bài luận quan trọng năm 1898 “Giáo Dục Tiểu Học Fetich” (The Primary Education Fetich), Dewey kiên quyết chống lại sự chú trọng quá mức vào việc đọc, viết và số học trong những năm đầu đời. Nó đã sản sinh ra những người theo chủ nghĩa cá nhân có tư duy độc lập, biết đọc biết viết cao với niềm tin vào Chúa và tự do. Rõ ràng là điều đó không có lợi cho một xã hội không tưởng (Utopia) theo chủ nghĩa tập thể.
Thay vào đó, Dewey nghĩ rằng trọng tâm chính của giáo dục trong những năm đầu quý giá đó nên là xã hội hóa và nhấn mạnh chủ nghĩa tập thể. Đặc biệt, nhà cải cách này muốn hất cẳng việc dạy đọc và viết trong các lớp tiểu học để tập trung tạo cho trẻ em “thói quen suy nghĩ và hành động” mà ông tin rằng “cần thiết để tham gia hiệu quả vào cuộc sống cộng đồng”.
Là một nhà điều hành sắc sảo, Dewey nhận ra rằng những giáo viên, người đóng thuế và phụ huynh Cơ Đốc theo chủ nghĩa tự do ở Hoa Kỳ thời kỳ đó sẽ không bao giờ ủng hộ những tham vọng chính trị và giáo dục cấp tiến của ông nếu họ hiểu chúng. “Thay đổi phải đến dần dần”, ông giải thích trong cùng bài luận đó. “Việc ép buộc thay đổi quá mức sẽ ảnh hưởng đến sự thành công cuối cùng của nó vì đã thúc đẩy một phản ứng bạo lực.”
Vì vậy, thay vì đến với người dân Hoa Kỳ, Dewey đã đến vương triều dầu mỏ Rockefeller, gia tộc đang quyên góp những khoản tiền khó hiểu cho “cải cách giáo dục” thông qua “Ban Giáo Dục Phổ Thông” (General Education Board). Cái vỏ “từ thiện” đã mang lại cho Dewey hàng triệu USD để xây dựng một trường học thực nghiệm và thử các ý tưởng của mình – một trường học đào tạo thành công những người theo chủ nghĩa tập thể khuyết đọc.
Trong tác phẩm quan trọng năm 1916 “Dân Chủ và Giáo Dục” (Democracy and Education), Dewey lập luận rằng cơ chế giáo dục mà ông hình dung sẽ là “quá trình mà thông qua đó thực hiện những cải cách cần thiết”. Và vì vậy, ông bắt đầu nắm quyền kiểm soát hệ thống giáo dục.
Từng thất bại với tư cách là một nhà giáo dục tiểu học và trung học, nỗ lực của Dewey nhằm giành quyền kiểm soát hệ thống trường học bắt đầu với vị trí lãnh đạo về giáo dục tại Đại học Chicago do Rockefeller tài trợ. Sau đó, ông vào Khoa Sư phạm của trường Đại học Columbia.
Từ chỗ chẳng có chút kiến thức và kinh nghiệm nào, Dewey huấn luyện ra các quân đoàn gồm những giáo viên và học trò để tấn công một Hoa Kỳ “ngây thơ” và thực hiện tầm nhìn của mình. Nó đã hiệu quả. Dewey trở thành cha đẻ của hệ thống giáo dục công lập “cấp tiến” của Hoa Kỳ và hệ tư tưởng của ông đã trở thành chính thống.
Một “thành tựu” khác của Dewey khi còn ở trong học viện là làm sống lại các phương pháp dạy đọc thiếu uy tín vào những năm 1840 dưới thời của Mann ở Boston. Câu chuyện đáng kinh ngạc đó vốn là nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng mù chữ hiện nay ở Hoa Kỳ. Đây sẽ là chủ đề của phần tới trong loạt bài này.
Có lẽ ảnh hưởng quan trọng và sâu rộng nhất của Dewey đối với người dân Hoa Kỳ không phải là thúc đẩy quan điểm của ông về giáo dục và chính trị, mà là sự tác động đến quan điểm tôn giáo của người dân Hoa Kỳ. Dewey là một nhà nhân văn tự xưng, với những tuyên bố công khai về một tôn giáo hợp nhất chủ nghĩa vô thần với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ông ấy đã thực sự thành công trên mặt trận này và đây cũng sẽ là chủ đề của một phần sắp tới trong loạt bài này.
Công bằng mà nói, khi Dewey, Owen, Mann và những nhân vật ít được biết đến đứng sau trào lưu chính phủ tiếp quản giáo dục, họ đã không nhìn thấy được hậu quả để lại trong thế kỷ 20. Nói một cách bào chữa cho họ thì họ có thể không biết rằng tư tưởng của chủ nghĩa tập thể khi được thực hiện đã dẫn đến những cái chết oan ức và tàn sát hàng trăm triệu người. Nhưng giờ đây, chúng ta nên biết rõ hơn.
Ông Alex Newman là một cộng tác viên tự do. Ông Newman là một ký giả, nhà giáo dục, tác giả, và nhà tư vấn quốc tế từng đạt giải thưởng, người đã đồng sáng tác cuốn sách “Tội Ác của Các Nhà Giáo Dục: Cách Những Người Theo Chủ Nghĩa Bình Quân đang Sử Dụng Trường Học của Chính Phủ để Hủy Hoại Trẻ Em Mỹ” (“Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children”). Ông là giám đốc điều hành của Public School Exit cũng như của Liberty Sentinel Media, và viết cho các ấn phẩm đa dạng ở Hoa Kỳ và ngoại quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.