Iran, Pakistan nỗ lực hàn gắn bang giao sau các cuộc không kích xuyên biên giới
Mối bang giao sẽ trở lại bình thường sau khi cả hai nước tấn công các nhóm phiến quân hoạt động trên lãnh thổ của nhau.
Iran và Pakistan dường như đang cho thấy những nỗ lực nhằm nối lại liên hệ ngoại giao bình thường sau các cuộc không kích ăn miếng trả miếng bằng phi đạn hồi tuần trước (15-21/01) khiến nhiều người thiệt mạng ở cả hai bên biên giới chung của họ.
Theo Bộ Ngoại giao Pakistan, cả hai nước đã đồng ý đưa đại sứ của họ — những người đã bị triệu hồi sau các cuộc không kích — trở lại nhiệm sở theo chức vụ tương ứng của mình.
Trong một tuyên bố hôm 22/01, bộ này cho biết: “Sau cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng Pakistan và Iran, hai bên đã đồng thuận rằng đại sứ của cả hai nước có thể quay trở lại chức vụ tương ứng trước ngày 26/01.”
Cả hai nước cũng xác nhận rằng Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian sẽ tới thăm Islamabad vào tuần tới theo lời mời của ông Jalil Abbas Jilani, người đồng cấp Pakistan.
Các cử chỉ hòa giải này được đưa ra gần một tuần sau khi Iran tấn công các mục tiêu ở khu vực Balochistan của Pakistan với hàng chục phi đạn và phi cơ không người lái (drone).
Theo giới chức Iran, các cuộc không kích bằng phi đạn hôm 16/01 nhắm vào các địa điểm có liên quan đến nhóm Jaish al-Adl, một nhóm khủng bố Baloch chống lại Tehran. Pakistan lên án các cuộc tấn công của Iran, khiến hai trẻ em thiệt mạng, là sự “vi phạm trắng trợn” chủ quyền của nước này.
Hôm 18/01, Pakistan đã tiến hành các cuộc không kích đáp trả nhắm vào các mục tiêu ở tỉnh Sistan và Baluchistan phía đông nam Iran, cụ thể là các địa điểm có liên quan đến Mặt trận Giải phóng Baloch, lực lượng tuyên bố đòi độc lập cho Balochistan khỏi Pakistan.
Về phần mình, Tehran cho biết vụ tấn công bằng phi đạn của Pakistan đã đánh trúng một ngôi làng ở biên giới, khiến chín người thiệt mạng — tất cả đều là người ngoại quốc. Phía Pakistan mô tả hành động của họ là “các cuộc tấn công chính xác vào nơi ẩn náu của bọn khủng bố.”
Hôm 19/01, ông Anwaarul Haq Kakar, thủ tướng lâm thời Pakistan, đã triệu tập một cuộc họp Ủy ban An ninh Quốc gia với hy vọng xoa dịu cuộc khủng hoảng. Ông Kakar bày tỏ hy vọng rằng Pakistan và Iran sẽ có thể “vượt qua những khó chịu nhỏ thông qua đối thoại và ngoại giao, đồng thời … làm sâu sắc thêm mối bang giao lịch sử của chúng ta.”
Tuy nhiên, cùng lúc đó, ủy ban an ninh Pakistan tuyên bố rằng bất kỳ mối đe dọa nào đối với lãnh thổ nước này — do Iran hoặc bất kỳ nước nào khác gây ra — sẽ phải đối mặt với “toàn bộ sức mạnh của nhà nước.”
Cùng ngày, ngoại trưởng hai nước đã điện đàm với hy vọng giảm bớt căng thẳng.
Trong cuộc điện đàm, ngoại trưởng Iran Abdollahian nhấn mạnh sự tôn trọng của Tehran đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi duy trì “sự hợp tác về an ninh và quân sự,” điều mà ông nói đã “được lãnh đạo cả hai nước đồng ý trước đó.”
Về phần mình, ngoại trưởng Pakistan Jilani nhấn mạnh nước này sẵn sàng “làm việc với Iran trong mọi vấn đề dựa trên tinh thần tin tưởng và hợp tác lẫn nhau.”
Không lâu sau đó, truyền thông Iran đưa tin lực lượng an ninh đã đụng độ với những kẻ khủng bố ISIS ở phía đông nam đất nước, sát hại hai người, đồng thời thu giữ nhiều loại vũ khí và chất nổ.