Iran kỷ niệm ngày chiếm giữ Đại sứ quán Hoa Kỳ giữa tình trạng bất ổn dân sự
Hôm 04/11, Iran đã đánh dấu kỷ niệm 43 năm ngày các sinh viên Iran ủng hộ cách mạng chiếm giữ đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran.
Biến cố này, xảy ra ngay sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của đất nước, đã khởi đầu cho hàng thập niên thù địch giữa Iran và Hoa Kỳ.
Những cuộc tập hợp lớn ủng hộ chính phủ đã được tổ chức ở một số vùng của đất nước để đánh dấu ngày kỷ niệm sự kiện này. Những hình ảnh được phát trên kênh truyền hình nhà nước Iran cho thấy hàng chục ngàn người tham gia những cuộc tập hợp này.
Các cuộc tập hợp được tổ chức trong bối cảnh tình hình bất ổn đang diễn ra ở Iran, trong đó có những hành động bạo lực dường như ngẫu nhiên và các cuộc biểu tình liên miên chống lại chính phủ.
Theo báo chí Iran đưa tin, hôm 03/11, những kẻ tấn công không rõ danh tính đã bắn thiệt mạng một giáo sĩ Shiite ở thành phố Zahedan, miền đông nam nước này.
Nằm gần biên giới với Pakistan và Afghanistan, Zahedan đã trở thành một tâm điểm bạo lực trong những tuần gần đây.
Hôm 30/09, truyền thông nhà nước Iran đưa tin rằng 19 người, trong đó có cả nhân viên an ninh, đã bị sát hại trong thành phố khi một đồn cảnh sát bị “các chiến binh dân quân” tấn công.
Nhưng các nhóm nhân quyền đã nghi ngờ bản tin của cơ quan thông tấn nhà nước này, trong đó Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng 66 người — bao gồm cả những người biểu tình và những người chứng kiến — đã thiệt mạng trong biến cố đó.
Tuy nhiên, bạo lực gần đây không chỉ giới hạn ở Zahedan. Hôm 26/10, hơn một chục người hành hương dòng Shiite đã bị bắn hạ ở thành phố phía nam Shiraz trong một cuộc tấn công mà nhóm khủng bố ISIS đã tuyên bố chịu trách nhiệm sau đó.
Bạo lực xảy ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ tiếp tục diễn ra từng đợt ở một số vùng của đất nước kể từ giữa tháng Chín.
Những cuộc biểu tình này bắt đầu từ hôm 16/09 khi cô Mahsa Amini, 22 tuổi, tử vong trong khi bị cảnh sát giam giữ ở Tehran sau khi cô bị bắt giam vì mặc “trang phục không phù hợp.”
Bất chấp lời hứa của nhà chức trách rằng sẽ điều tra cái chết của cô Amini, các cuộc biểu tình nhanh chóng lan từ Tehran đến các thành phố khác của Iran, bao gồm Esfahan, Tabriz, và Mashhad.
Những người biểu tình đã phóng hỏa đốt cháy xe cảnh sát và tấn công các tòa nhà chính phủ, trong khi lực lượng an ninh Iran bị cáo buộc đã sử dụng vũ lực sát thương để giải tán các cuộc biểu tình.
‘Chúng ta sẽ giải phóng Iran’
Tehran quy trách nhiệm cho “những kẻ thù” thiên thu của Iran về tình trạng bất ổn này, trong đó có Hoa Kỳ và Israel, mặc dù họ đã đưa ra rất ít bằng chứng cho những tuyên bố đó.
Tại một cuộc họp hôm 02/11 với Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad, ông Raisi cáo buộc rằng “chính những lực lượng đã đẩy Syria vào khủng hoảng” hiện đang rất tích cực “chống lại Iran.”
Hãng thông tấn Fars News Agency của Iran dẫn lời ông Raisi cho biết: “Những nỗ lực nhằm gây bất ổn cho Iran là những biểu hiện đầy tuyệt vọng của kẻ thù trong việc đạt được các mục tiêu của họ ở Iran và khu vực này.”
Hãng thông tấn Fars cũng dẫn lời lãnh tụ tối cao của Iran, ông Ayatollah Seyed Ali Khamenei, tuyên bố rõ ràng rằng tình hình bất ổn đang diễn ra là do Hoa Kỳ và Israel dàn xếp.
“Tôi tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ, chế độ chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionist), và những tín đồ của họ đã lập kế hoạch cho những diễn biến này,” ông nói. “Vấn đề chính của họ là một Iran mạnh mẽ và độc lập cũng như sự tiến bộ của quốc gia này.”
Trong khi đó, các quan chức Hoa Kỳ không giấu giếm việc họ ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ và liên tục cáo buộc Tehran vi phạm nhân quyền.
Hồi giữa tháng Mười, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Hoa Thịnh Đốn đã áp dụng “một loạt các hành động mạnh mẽ để tìm cách hỗ trợ những người biểu tình ở Iran.”
Hôm 03/11, trong một bài diễn văn vận động tranh cử ở California, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố sẽ “giải phóng Iran.”
“Đừng lo lắng; chúng ta sẽ giải phóng Iran,” ông Biden nói với khán giả. “Họ sẽ sớm tự giải phóng cho mình thôi.”
Ngày hôm sau, ông Raisi đã phúc đáp bình luận của tổng thống Hoa Kỳ. “Tôi nói với ông Biden này: Iran đã được giải phóng cách đây 43 năm rồi,” ông nói trong một bài diễn văn trên truyền hình nhân ngày kỷ niệm sự kiện chiếm giữ đại sứ quán.
Vào ngày 04/11/1979, sau khi lật đổ chính phủ ông Shah do Hoa Kỳ hậu thuẫn, những sinh viên Iran ủng hộ cách mạng đã xông vào đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran và bắt giữ 52 người Mỹ làm con tin.
Cuối cùng họ đã được trả tự do sau 444 ngày bị giam cầm, nhưng biến cố này đã khiến mối bang giao Mỹ-Iran bị rạn nứt vĩnh viễn.
‘Một cuộc leo thang đầy nguy hiểm’
Trong một diễn biến liên quan, trong tuần này (31/10-06/11) Iran đã bác bỏ các bản tin trên báo chí phương Tây rằng quốc gia này đang chuẩn bị tấn công Ả Rập Xê Út.
Hôm 01/11, Wall Street Journal đưa tin rằng Riyadh đã chia sẻ thông tin tình báo với các quan chức Hoa Kỳ cho thấy Iran sắp tấn công Ả Rập Xê Út.
Trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi vẫn duy trì liên lạc thường xuyên … với Ả Rập Xê Út. Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động để bảo vệ lợi ích của chúng tôi và các đối tác trong khu vực.”
Đáp lại cáo buộc trên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran mô tả những khẳng định của Wall Street Journal là “vô căn cứ.”
Hôm 02/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran, đã cảnh báo rằng một “chiến dịch thông tin” của giới truyền thông phương Tây có thể dẫn đến một “cuộc leo thang đầy nguy hiểm” trong khu vực.
Ngày hôm sau, người đứng đầu NATO, ông Jens Stoltenberg nhắc lại tuyên bố rằng Iran đang lên kế hoạch cung cấp cho Nga hỏa tiễn đạn đạo — và chiến đấu cơ không người lái tiên tiến — cho các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
“Chúng tôi nhận thấy Iran đang cung cấp phi cơ không người lái và đang cân nhắc việc giao hỏa tiễn đạn đạo cho Nga,” ông Stoltenberg nói trong cuộc họp báo ở Istanbul. “Điều này là không thể chấp nhận được.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times