Hy vọng và ước mơ về cuộc sống thắp sáng triển lãm hội họa chân dung thời Phục Hưng tại Hà Lan
Triển lãm ‘Hãy nhớ về tôi’ tại Bảo Tàng Rijks, Amsterdam hiện đang mở cửa và kéo dài đến ngày 16/01/2022, tại Bảo tàng Rijks ở Amsterdam.
Hãy nhớ về tôi khi tôi sắp rời xa mãi mãi,
Bóng dáng chìm vào miền đất lặng thinh;
—Trích từ bài thơ “Nỗi nhớ” của Christina Rossetti
Một cuộc triển lãm thú vị có chủ đề “Hãy nhớ về tôi” đang diễn ra tại Bảo Tàng Rijks – Amsterdam trình bày những bức tranh chân dung của hơn 100 quý ông và quý bà thời Phục Hưng. Tại đây, chúng ta có thể thưởng lãm niềm hy vọng, ước mơ và thành tựu của nhân loại thời Phục Hưng – những giá trị đã từng được trân quý.
Những bức tranh cho thấy cách mọi người muốn được miêu tả bản thân mình như thế nào. Đó là tình yêu thương, đức tin, gia đình, vẻ đẹp, ước mơ, chính lòng trực và kiến thức.
Đã 500 năm trôi qua kể từ khi những bức chân dung này được sáng tác, điều đáng ngạc nhiên là các giá trị phổ quát dường như vẫn đang cộng hưởng với những nguyện vọng của chúng ta ngày nay, vẫn khẳng định rằng nghệ thuật truyền thống kết nối thực sự và lâu dài với trái tim chúng ta.
Triển lãm là cơ hội vinh danh nghệ thuật đỉnh cao thời Phục Hưng, từ các họa sĩ phương Bắc như Albrecht Dürer, Hans Memling, và Hans Holbein the Younger, đến các họa sĩ Ý, Titian và Sofonisba Anguissola, cùng những nghệ sĩ khác. Hơn nữa, chín chủ đề mà giám tuyển triển lãm Matthias Ubl và Sara van Dijk trình bày (chẳng hạn như “Hãy ngưỡng mộ tôi,” “Hãy trân trọng tôi” và “Hãy cầu nguyện cho tôi”) là cơ hội để chúng ta suy ngẫm về những gì mình đang có và sự vô thường của cuộc sống. Đó là một cơ hội để suy ngẫm: Khi chúng ta đã nói tất cả những gì cần nói và làm những gì cần làm, và đã đến lúc chúng ta đến với “miền đất lặng thinh,” chúng ta muốn được mọi người nhớ đến như thế nào?
Vì sắc đẹp
Bảo tàng Rijks đã chọn “Chân dung một phụ nữ trẻ” của họa sĩ người Flemish, Petrus Christus, để quảng bá cho triển lãm “Hãy nhớ về tôi.” Bức chân dung là một điểm sáng của nghệ thuật Flemish và của triển lãm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Phòng Tranh của Bảo Tàng Bang Berlin cho mượn bức chân dung này để trưng bày.
Cô gái trẻ vô danh của danh họa Christus chắc chắn toát lên một điều đáng để ghi nhớ: sắc đẹp. Trong danh mục triển lãm, Sara Van Dijk giải thích rằng những người đàn ông và phụ nữ thời Phục Hưng cho rằng vẻ đẹp bên ngoài và bên trong có quan hệ mật thiết với nhau. Van Dijk sử dụng “Quyển sách của cận thần” năm 1528 của Baldassare Castiglione để minh họa cho ý tưởng này: “Một linh hồn độc ác hiếm khi sở hữu vẻ ngoài đẹp đẽ, và vì lý do đó, vẻ ngoài đẹp đẽ là thể hiện chân thực của một tâm hồn tử tế”.
Để khắc hoạ sắc đẹp, các họa sĩ vẽ chân dung thường nhấn mạnh vào những đức hạnh nổi bật của người mẫu như thuần khiết, thanh nhã và trong sáng.
Christus vẽ người phụ nữ vô danh trong góc nghiêng ba phần tư. Làn da trắng sứ và đôi má ửng hồng càng tôn lên vẻ đẹp thanh tao của cô. Cô bình tĩnh và khiêm tốn, hẳn cô đã được nuôi dạy tử tế. Cô ăn vận trang nhã với váy kiểu Burgundian màu xanh lam và một chiếc áo dạ đen (phần trang trí của chiếc váy che đi phần áo trong của cô).
Giám tuyển Van Dijk lưu ý rằng thời trang có một vị trí nhất định trong tranh chân dung phụ nữ, nhưng những người phụ nữ không vì những thứ phù phiếm mà bỏ bê trách nhiệm làm mẹ và làm vợ của mình. Nhà triết học và nhân văn thời Phục hưng Alessandro Piccolomini viết: “Thật là không đẹp và khó chịu nếu vợ của một nhà quý tộc xuất hiện công khai trong trang phục của nữ công tước hoặc nữ hoàng”.
Vì tình yêu
Van Dijk giải thích rằng vào thời trung cổ, niềm tôn kính Đức Chúa là điều quan trọng hàng đầu. Những Cơ đốc nhân sùng đạo đã sống như những người độc thân, dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự Chúa. Nhưng độc thân không phải là một lựa chọn cho tất cả. Những giới luật thiêng liêng của hôn nhân đã ban cho con người sự cứu rỗi trước những cám dỗ chết người của dục vọng.
Những bức chân dung hứa hôn và cưới hỏi phản ánh điều mà đàn ông và phụ nữ thời Phục Hưng tin là vật tượng trưng quan trọng cho một cuộc hôn nhân thành công và cuộc sống gia đình viên mãn. Các bức chân dung chứa đầy các biểu tượng về tình yêu, sự trong sáng, trinh khiết và sinh sôi.
Một bức chân dung duyên dáng về hôn nhân là “Chân dung của Marsilio Cassotti và vợ của anh Faustina” của họa sĩ người Ý Lorenzo Lotto. Phụ thân của cô dâu đã đặt hàng cho bức tranh này. Trong bức chân dung, thần Cupid đang chủ trì cho cặp đôi khi chú rể Cassotti cầm lấy tay trái của người vợ sắp cưới để đeo chiếc nhẫn cưới vào ngón tay của cô.
Van Dijk lưu ý rằng ở miền Bắc nước Ý, nhẫn cưới được đeo vào ngón áp út tay phải chứ không phải như trong bức chân dung của Lotto. Có lẽ họa sĩ đang ngụ ý về một truyền thống xa xưa: La Mã cổ đại, nhẫn cưới được đeo bên tay trái vì người La Mã tin rằng ngón áp út bên trái kết nối trực tiếp với trái tim thông qua huyết mạch.
Vì đức tin
Việc cầu nguyện thường được mô tả trong các bức chân dung có nội dung liên quan đến tôn giáo và niềm tin. Đối với các Cơ Đốc nhân, hành động cầu nguyện có liên quan mật thiết đến cứu rỗi, là thông lộ đưa họ đến thiên đàng.
Những Cơ đốc nhân coi những bức tranh tôn giáo như những lời nhắc nhở hàng ngày, nhắc nhở họ về những lời thề ước trong đạo. Những bức chân dung tư nhân này thường là những mặt dây chuyền cầm tay nhỏ, ‘nhị bản’ (tranh làm bằng hai tấm có thể gập lại) hoặc ‘tam bản’ (tương tự như nhị bản nhưng được làm bằng ba tấm, với tấm trung tâm thường mô tả một nhân vật trong tôn giáo.) Chúng được thiết kế để dễ dàng vận chuyển hoặc được trưng bày trong phòng của các tu sĩ cho mục đích tu hành.
Một bức ‘nhị bản’ trong bộ sưu tập của Bảo Tàng Mỹ Thuật ở Dijon, Pháp, về một cặp vợ chồng, có tiêu đề “Chân dung của một người đàn ông và phụ nữ đang cầu nguyện,” được vẽ ở Burgundy, Pháp quốc vào khoảng năm 1470 và chưa xác định được họa sĩ. Cặp đôi được vẽ trên các tấm bản riêng biệt, đều là những tác phẩm thiêng liêng tôn kính. Người chồng long trọng cầu nguyện với Đức mẹ Maria và Chúa hài đồng, và người vợ khiêm cung dâng lời cầu nguyện của mình cho John Nhà Truyền Giáo. Từ tay người chồng chảy ra một dòng chữ Latinh, như khẳng định những lời cầu nguyện thầm lặng của ông ấy.
Matthias Ubl viết trong danh mục triển lãm: “Những bức chân dung tín ngưỡng này có lẽ cũng nhằm mục đích gìn giữ cho lời cầu nguyện diễn ra đời đời: Những bức tranh như vậy đã vẫn lưu giữ mãi lời cầu nguyện khi những người mẫu bận rộn với công việc thế tục hoặc đã qua đời”.
Những bức chân dung tín ngưỡng khác được thể hiện với nhiều biểu tượng thiêng liêng, một số được khắc họa khá rõ ràng, chẳng hạn như hình ảnh chuỗi Mân Côi. Các biểu tượng khác có thể dễ nhận ra với những người sống trong thời Phục Hưng, nhưng với chúng ta ngày nay có thể cần được giải thích thêm. Ví dụ, các loại hạt cầu nguyện thường được vẽ trong các bức tranh. Chúng là những quả hạch được mở ra thành hai nửa, bên trong là những chạm khắc thiêng liêng thường mô tả Cuộc Khổ Nạn {của Chúa Jesus}, là một công cụ cho công việc tu hành.
Các họa sĩ cũng khắc họa chân dung của những người hành hương, như bức tranh của họa sĩ Hà Lan Jan Van Scorel “Mười hai thành viên của Hội Anh Em Haarlem của những người hành hương đến Jerusalem”. Điểm đến của những người hành hương, Nhà Thờ Mộ Thánh ở Jerusalem, được vẽ ở góc trên bên trái của bức tranh. Mọi thứ trong bức chân dung nhắc nhở những người hành hương về lời thề thiêng liêng của họ. Mỗi Anh Em được xếp theo thứ tự thời gian tùy theo thời điểm họ hành hương. Mỗi người hành hương cầm một hoặc hai lá cọ, mỗi lá biểu thị một cuộc hành hương đã hoàn thành. Những mảnh giấy ở phần dưới bức tranh mang ý nghĩa khẩn cầu các Anh Em cầu nguyện cho những người hành hương đã khuất nhằm nâng đỡ họ ở thế giới bên kia. Van Scorel đã đặt chân dung của mình vào bức tranh, vì ông cũng là một người hành hương. Ông ở vị trí phía trên mảnh giấy có một góc bị rời ra. Giám tuyển Ubl nói rằng mảnh giấy tách rời đó tượng trưng cho sự vô thường của cuộc sống.
Các nghệ sĩ đã miêu tả sự vô thường của cuộc sống trong các bức chân dung “phù phiếm” {vanitas}. “Lời của Chúa là vĩnh cửu, tất cả những điều khác chỉ là nhất thời” là câu châm ngôn tiếng Latinh trên một bức chân dung. Thông thường, những biểu tượng của vô thường như hoa cẩm chướng, đồng hồ, bong bóng xà phòng và những họa tiết rùng rợn hơn như đầu lâu và xác chết đang thối rữa đều được đưa vào những bức chân dung này.
Vì nghệ thuật
Giám tuyển Ubl nói rằng những bức chân dung ban đầu được thực hiện để tôn vinh Chúa và thể hiện vẻ đẹp của những tạo hóa của Ngài. Sau đó, những bức chân dung đã đi chệch hướng khỏi những ý định thiêng liêng đó. Những bức chân dung tự họa đã trở thành công cụ quảng cáo để các nghệ sĩ thể hiện tài năng và tham vọng của họa sĩ. Ubl lưu ý rằng sự chuyển dịch từ các bức chân dung vẽ Chúa sang thể hiện cá nhân cũng tương tự như việc đưa các thợ thủ công thời Trung Cổ lên thành các nghệ sĩ.
Thực ra các họa sĩ đã đưa chân dung của họ vào các tác phẩm trước thế kỷ 16, nhưng hiện nay họ vẽ chân dung tự họa chủ yếu để ám chỉ nghề nghiệp của họ. Ubl lưu ý rằng những bức chân dung này không ám chỉ đến các họa sĩ hoàng gia, những người không cần quảng bá về bản thân mình.
Bức “Chân dung tự họa tại Đấu Trường La Mã” của họa sĩ Hà Lan Maarten Van Heemskerck là một bức tranh tự quảng bá cá nhân thú vị. Thoạt nhìn, chúng ta nghĩ rằng người họa sĩ vẽ mình đứng trước Đấu Trường La Mã, nhưng thực ra ông đã khắc họa chân dung mình trước bức tranh di tích cổ. Ở góc ngoài cùng bên phải, chúng ta có thể thấy Van Heemskerck bên giá vẽ của mình, đang vẽ lại đấu trường như một phần của chương trình đào tạo nghệ thuật Chuyến Đi Lớn (Grand Tour) của ông. Thông qua bức tranh này, ông đang nói với các khách hàng tiềm năng của mình rằng ông không chỉ có kỹ năng vẽ mà còn được đào tạo bài bản. Ông đã tham gia vào Chuyến Đi Lớn và sao chép những ví dụ điển hình nhất của nghệ thuật: những tác phẩm La Mã cổ đại.
Giống như Van Heemskerck, họa sĩ người Ý Sofonisba Anguissola cũng đã thể hiện khả năng hội họa của mình. Cô đã vẽ nhiều bức chân dung tự họa, vài trong số đó đang được triển lãm. Trong một bức tranh, cô vẽ mình bên giá vẽ với bức tranh Đức mẹ Maria và Chúa Hài Đồng. Những bức tranh lịch sử tôn giáo, chẳng hạn như bức vẽ trên giá vẽ của cô, được coi là thể loại hội họa đỉnh cao.
Một bức tranh khác của cô trong triển lãm, được vẽ chỉ một năm sau khi cô tự vẽ chân dung mình với tư cách là một họa sĩ, là bức chân dung thú vị và nổi tiếng về gia đình, bức tranh “Chơi cờ.” Trong bức tranh này, Anguissola hướng mắt nhìn ra người xem trong khi người chị gái ở bên phải đang cố gắng thu hút sự chú ý của cô, như thể thúc giục cô đi nước cờ tiếp theo của mình. Em gái của Anguissola, ở trung tâm của bức tranh, vui vẻ nhìn sang người chị phía bên phải. Đó là khung cảnh của một gia đình vui vẻ. Vài năm sau khi vẽ những bức tranh đó, vào mùa đông năm 1559–1560, Anguissola trở thành họa sĩ hoàng gia và là Nữ quan (lady-in-waiting) của hoàng gia Tây Ban Nha, cô dạy vẽ cho người vợ thứ ba của Vua Philip III.
Một bức chân dung điêu khắc đã kết lại triển lãm một cách tốt đẹp. Bức chân dung của chính nghệ sĩ người Hà Lan Johan Gregor van der Schardt bằng đất nung trắng với nhiều màu sắc, không quần áo và bất kỳ dấu hiệu thời gian nào khác, thể hiện tinh thần bất diệt theo những cách khác nhau mà mọi người muốn được nhớ về. Bỏ đi bất kỳ gợi ý nào về thời kỳ mà những bức chân dung này được tạo ra, điều còn lại là các giá trị phổ quát truyền thống lâu đời của nhân loại.
Triển lãm “Hãy nhớ về tôi” kéo dài đến ngày 16 /01/2022, tại Bảo tàng Rijks ở Amsterdam. Để tìm hiểu thêm, hãy truy cập Rijksmuseum.nl
Bạn có thể mua sách triển lãm, “Hãy nhớ về tôi: Những bức chân dung thời Phục Hưng” từ cửa hàng online của bảo tàng RijksmuseumShop.nl
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: