Hungary: Đối tác của Trung Quốc và mối đe dọa của Hoa Kỳ?
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang thu xếp đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 08 đến ngày 10/05, theo Chánh Văn phòng của ông Orban. Ông Orban được xem là một trong những nguyên thủ quốc gia ở châu Âu thân Trung Quốc nhất.
Mối bang giao thân thiết giữa Budapest và Bắc Kinh ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của châu Âu và Hoa Kỳ. Là một thành viên của NATO và Liên minh Âu Châu (EU), Hungary có quyền phủ quyết đối với các hoạt động của cả hai tổ chức này. Khi Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của EU vào tháng Bảy tới, tầm ảnh hưởng của ông Orban sẽ trở nên lớn hơn rất nhiều trong việc xác định đường hướng của khối này.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hôm 24/04, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã đến thăm Bắc Kinh. Theo các bản tin, ông cho biết ông phản đối việc xem Trung Quốc là một mối đe dọa hay tách khỏi quốc gia chuyên quyền này. Ông muốn xem Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một “đối tác” hơn. Ông Orban là nhà lãnh đạo Âu Châu duy nhất tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường của Trung Quốc hồi tháng 10/2023.
Cách tiếp cận thân thiện của Hungary đối với một địch thủ của Hoa Kỳ và EU đã đưa đến nhiều hậu quả, chẳng hạn như ảnh hướng đến sự thừa nhận của EU đối với Hungary. Theo một chỉ thị của EU hôm 18/04, khối này lo ngại “Hungary liên tục lạm dụng quyền phủ quyết và uy hiếp Hội đồng Âu Châu.” Chẳng hạn vào năm 2021, Hungary phủ quyết một tuyên bố của EU, trong đó chỉ trích ĐCSTQ vi phạm các quyền tự do dân sự tại Hồng Kông. Trong một nghị quyết, Nghị viện Âu Châu đã đặt nghi vấn về việc liệu Hungary có đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên EU “một cách đáng tin cậy” hay không trong khi quốc gia này không duy trì được những giá trị của EU.
Có vẻ như ông Orban thân thiện với Trung Quốc vì những lý do thông thường. Ông muốn nhận đầu tư và giao thương nhiều hơn với quốc gia chuyên quyền này, và lập trường thân Trung Quốc của ông đang mang lại lợi ích. Năm 2023, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Hungary với 11.5 tỷ USD.
“Quan hệ đối tác” giữa Hungary và Trung Quốc cũng có thể gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của nền kinh tế Hoa Kỳ. Budapest dường như đang nỗ lực sử dụng vốn đầu tư của Trung Quốc để giành lợi thế với Hoa Kỳ trong ngành sản xuất pin xe điện. Công suất sản xuất pin lithium-ion của Trung Quốc hiện chiếm 79% công suất sản xuất của thế giới. Tụt lại xa, Hoa Kỳ và Hungary lần lượt ở vị trí thứ hai và thứ ba với 6% và 4%.
Fiberhome Telecom Tech thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc cũng dự định xây dựng cơ sở sản xuất cáp quang trị giá 22 triệu USD tại Hungary. Điều này có thể đe dọa an toàn thông tin liên lạc cho bất cứ quốc gia tiếp nhận đầu tư nào. Fiberhome là một công ty con của Viện Nghiên cứu Vũ Hán thuộc Công ty Bưu chính Viễn thông. Vào năm 2020, Hoa Kỳ đã thêm công ty này vào danh sách kiểm soát xuất cảng.
Hungary cũng đang mời gọi Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trong đó có một đường ống dẫn dầu tới Serbia và một đề xướng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đến các cảng Piraeus và Thessaloniki ở Hy Lạp. Trong tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng này, những cấp cao nhất của chính phủ Hungary có thể sẽ được đút lót. Nếu xét đến những dấu hiệu từ các hành động của ĐCSTQ ở các quốc gia khác, thì khoản tiền hối lộ này có thể chiếm từ 5-10% các khoản đầu tư.
Tuy nhiên, ngoài thương mại thì Bắc Kinh có thể còn muốn thu về nhiều hơn từ những khoản tiền [đầu tư] này. Trong một chuyến thăm hồi tháng 02/2024 có vẻ như để chuẩn bị cho thỏa thuận an ninh giữa ông Tập và ông Orban, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng đã gặp gỡ ông Orban. Trong chuyến thăm của ông Vương, ông Orban đã gửi một thông điệp không được dễ chịu cho lắm bằng cách tỏ ra lạnh nhạt đối với một phái đoàn Hoa Kỳ.
Ông Vương cho biết ông tìm cách tăng cường hợp tác với Hungary về “chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, xây dựng năng lực bảo an và chấp pháp theo sáng kiến Vành đai và Con đường… để khiến việc chấp pháp và hợp tác an ninh trở thành một điểm nhấn mới trong mối quan hệ song phương.”
Sự chuyên chế của Bắc Kinh dường như không làm bận lòng ông Orban, xét đến việc ông Orban cũng theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, với việc Hungary là thành viên của liên minh NATO và EU thì những lời đề nghị đặc biệt thân mật của ông đối với ĐCSTQ là điều bất thường.
Không như những cuộc đàm phán về thương mại tương tự đối với Hoa Kỳ, Pháp, và Đức, ông Orban khó có thể làm ra vẻ nêu lên các vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm của ông Tập vào tháng Năm tới. Ngay từ năm 2014, ông đã nói rằng ông muốn chấm dứt nền dân chủ tự do ở Hungary, vậy nên không chắc rằng ông sẽ gây áp lực cho ông Tập về việc dân chủ hóa. Đó có lẽ là tham vọng viển vông đối với Hoa Kỳ, Pháp, và Đức.
Ông Orban là bằng hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nên có lẽ ông sẽ không quan tâm lắm đến việc Trung Quốc xuất cảng [sang Nga] các thiết bị quân sự lưỡng dụng có trong drone mà Nga sử dụng tại Ukraine. Chí ít thì chính phủ Tổng thống Biden đang thảo luận về sự leo thang kinh tế đáng kể trong vấn đề này bằng cách đe dọa trừng phạt một số ngân hàng Trung Quốc tạo thuận tiện thương mại cho các nhà sản xuất vũ khí của Nga.
Ông Gergely Gulyas, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, cho biết Trung Quốc “mạnh hơn Liên minh Âu Châu” và Hungary quan tâm đến việc cải thiện quan hệ kinh tế với nước này.
“Hungary cho rằng không đáng để thiết lập ranh giới ý thức hệ trong các mối quan hệ kinh tế, và chúng tôi rất hân hạnh trước chuyến thăm hai ngày của chủ tịch Trung Quốc,” ông Gulyas cho biết.
Việc ủng hộ một quốc gia “mạnh hơn” thay vì ủng hộ một quốc gia dân chủ hơn sẽ góp phần khiến chủ nghĩa độc tài lan rộng khắp toàn cầu. Budapest sẽ thấy rằng càng gần gũi với Bắc Kinh với tư cách là một đối tác lép vế, thì Hungary sẽ càng trở thành một quốc gia bị phần còn lại của thế giới xa lánh. Con đường này không mang lại kết quả tốt đẹp cho Nga, Iran, Bắc Hàn, Miến Điện (hay còn gọi là Myanmar), Cuba, hay Venezuela, và cũng sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp cho Hungary.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times