Hộp sọ pha lê: Bí ẩn cổ xưa
Hộp sọ Mitchell-Hedges, về một mặt nào đó, là một sự bất khả thi về phương diện kỹ thuật. Theo các nhà khoa học, nó nặng khoảng 11 pound, là một bản sao gần như hoàn hảo của một hộp sọ phụ nữ được điêu khắc bằng đá pha lê. Hộp sọ này gần như không thể nào hoàn thành nếu không áp dụng các kỹ thuật tương đối hiện đại ngày nay. Người ta từng cho rằng nền văn minh Maya cổ đại không sở hữu những phương pháp này.
Theo một số tài liệu lịch sử, “Skull of Destiny” được tìm thấy vào năm 1927 bởi nhà thám hiểm người Anh Fredrik A. Mitchell-Hedges giữa những tàn tích của người Maya ở Lubaantun, Belize. Tuy nhiên, một số người khăng khăng cho rằng ông ấy đã mua món đồ này trong một cuộc đấu giá của Sotheby ở London vào năm 1943.
Dù thế nào đi nữa, hộp sọ pha lê đá được cắt và đánh bóng rất hoàn hảo, thể hiện trình độ nghệ thuật và tay nghề điêu luyện. Nó là một tác phẩm nghệ thuật vô giá. Tuy nhiên, để chắc chắn về giả thuyết đầu tiên (hộp sọ có nguồn gốc từ người Maya), chúng ta phải đối mặt với một loạt câu hỏi quan trọng.
Hộp sọ được chăm chút đến từng chi tiết, cho thấy rằng nó đóng vai trò rất quan trọng – một số người nhấn mạnh rằng nó thậm chí còn có khả năng chữa bệnh. Nó được thiết kế với một xương hàm có thể tháo rời, và người ta tìm thấy xương hàm này vài tháng sau khi khai quật hộp sọ. Nhưng cả hai phần được cho là làm từ cùng một mảnh thạch anh.
Hộp sọ này đã thu hút các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong nhiều năm. Do chất lượng chạm khắc (vượt xa những gì con người mong đợi trong thời đại đó), một số người thậm chí còn khẳng định rằng mẫu vật này có thể là chế tác của các nhóm bí mật thời cổ đại có công năng.
Hộp sọ cũng trải qua nhiều phân tích khác nhau. Một trong những bí ẩn chưa có lời giải là chất liệu mà hộp sọ được chạm khắc. Tinh thể thạch anh được biết là có độ cứng đứng thứ 7 trên thang Mohs – thang độ cứng của các nguyên tố từ 0 (talc) đến 10 (kim cương). Nhưng thật đáng kinh ngạc là mẫu vật này có thể đã được chạm khắc mà không cần công cụ hiện đại vốn sử dụng các chất liệu cứng như ruby hoặc kim cương.
Vậy công cụ nào được sử dụng để chạm khắc món vật bí ẩn này? Các nghiên cứu về hộp sọ vào những năm 1970 của Hewlett-Packard xác định rằng các công cụ kim loại không thể tạo ra hộp sọ vì không có vết xước siêu nhỏ trên bề mặt của nó. Hơn nữa, họ xác định rằng nó phải được cát xói mòn đánh bóng trong khoảng thời gian 300 năm để đạt đến mức độ hoàn mỹ cao như vậy.
Phải chăng người Maya đã lên kế hoạch một cách có chủ ý cho một công trình như vậy, dự kiến đợi đến ba thế kỷ sau mới chứng kiến nó hoàn thành? Một kỳ tích như vậy sẽ đòi hỏi sự tập trung cao độ trong nhiều thế hệ. Tuy nhiên, hộp sọ Mitchell-Hedges không phải là hộp sọ duy nhất. 13 hộp sọ pha lê đã được tìm thấy trên khắp Mexico và Nam Mỹ, gần các địa điểm của người Maya và Aztec cổ đại.
Người ta cũng tìm thấy các hộp sọ tương tự ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng nhiều hộp sọ được làm bằng chất liệu khác ngoài thạch anh. Thậm chí, họ khai quật được một bộ xương bằng ngọc bích ở Mông Cổ, với kích cỡ nhỏ hơn con người một chút. Nó xuất hiện vào khoảng năm 2200 đến 3500 trước Công nguyên.
Vậy ai là người đã tạo ra những vật kỳ lạ được chạm khắc hoàn hảo này? Đó có phải là một chế tác của một nền văn minh với kỹ thuật tiên tiến mà chúng ta chưa khám phá ra, hay có lẽ họ là người ngoài Trái Đất? Có nhiều người nghi ngờ tính xác thực của hiện vật này. Nhưng có một điều không thể phủ nhận: Hộp sọ pha lê và các hiện vật tương tự sẽ tiếp tục là chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Nhân viên Epoch Times
Tự Minh biên dịch
Xem thêm: