Hồng Kông giới thiệu luật ‘Tin tức giả’ giữa những lo ngại về quyền tự do báo chí ngày càng gia tăng
Hôm thứ Ba (04/05), Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam đã ra thông báo rằng chính quyền đặc khu hiện đang soạn thảo một dự luật “tin tức giả mạo” nhằm ngăn chặn những gì mà họ cho là “thông tin sai lệch, ngôn từ gây thù hận và dối trá,” các chuyên gia đã gọi hành động này là cuộc tấn công mới nhất nhắm vào quyền tự do báo chí của thành phố này.
Trong một cuộc họp báo, bà Lam cho biết chính quyền Hồng Kông đang xem xét các “tin tức giả” trong thành phố, nhưng không công bố thời gian sẽ áp dụng luật này.
“Luật tin tức giả đòi hỏi phải nghiên cứu nhiều, đặc biệt là [về] cách mà các chính phủ nước ngoài đang đối phó với việc lan truyền các thông tin không chính xác, thông tin sai lệch, ngôn từ thù hận và dối trá trên các mạng xã hội đang có xu hướng ngày càng đáng lo ngại,” bà Lam nói với các phóng viên. “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục có thái độ rất nghiêm túc về vấn đề này vì những thiệt hại mà nó đang gây ra cho nhiều người.”
Dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh, Hồng Kông đã có một bước ngoặt chuyển đổi sang chế độ độc tài một cách nhanh chóng sau khi chế độ cộng sản ở Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng lên Hồng Kông vào năm 2020.
Những người chỉ trích nói rằng Luật An ninh Quốc gia hàm chứa những từ ngữ mơ hồ, vốn trừng phạt các tội danh như ly khai và cấu kết với các thế lực nước ngoài, đã được sử dụng như một công cụ để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Kể từ khi luật này có hiệu lực, Hồng Kông đã chứng kiến các quyền tự do của mình bị suy giảm mạnh mẽ, khi hàng chục các nhân vật ủng hộ dân chủ đã bị buộc tội hoặc kết án theo luật này hoặc các luật tương tự. Cuộc đàn áp này cũng làm dấy lên lo ngại về những hạn chế ngày càng tăng đối với tự do báo chí của đặc khu này.
Trước khi đưa ra thông báo mới nhất, bà Lam đã nói với các nhà lập pháp trong một phiên chất vấn tại Hội đồng Lập pháp hồi tháng trước rằng, chính quyền đặc khu là “nạn nhân lớn nhất của tin giả.” Bà Lam cho biết thông tin sai lệch đã khiến mọi công việc của chính quyền trở nên “rất khó khăn.”
Thời điểm đó, bà Lam cho biết, “Chính phủ đặc khu hành chính Hồng Kông là nạn nhân lớn nhất của các tin giả… những điều chúng tôi nói đã nhanh chóng bị xuyên tạc, phỉ báng.”
Hồi tháng trước, ông trùm truyền thông Hồng Kông Jimmy Lai (Lê Trí Anh) đã bị kết án 14 tháng tù giam và chín nhà bất đồng chính kiến khác đã phải nhận án tù hoặc án treo vì đã tổ chức và tham gia vào các cuộc tụ họp trái phép trong quá trình các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối Bắc Kinh, ủng hộ nền dân chủ diễn ra vào năm 2019.
Các quan chức chính quyền và các kênh truyền thông thân Bắc Kinh ở Hồng Kông cũng đã đe dọa đóng cửa tờ báo độc lập Apple Daily của Hồng Kông, do ông Lai thành lập và là một trong số ít các hãng truyền thông tự do còn lại của thành phố này.
Trong một vụ việc khác đã bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ lên án và tố cáo, đó là xưởng in của tờ The Epoch Times tại Hồng Kông đã bị những kẻ đột nhập tấn công bằng búa, nhóm người này đã phá hỏng máy tính và thiết bị in ấn của công ty này hôm 12/04. Vụ tấn công này cũng bị các nhà lập pháp, các chuyên gia và các tổ chức trên khắp thế giới lên án.
Cảnh sát trưởng Hồng Kông Chris Đặng Bính Cường (Chris Tang Ping-keung) đã báo hiệu rằng ông ta sẽ ủng hộ một luật mới về “tin giả” ở Hồng Kông.
“Tôi cho rằng thật tốt khi có một luật như vậy, quý vị biết đấy, vì mọi luật lệ có thể hỗ trợ an ninh quốc gia và hỗ trợ chúng tôi trong việc bảo đảm Hồng Kông được an toàn hơn,” một Ủy viên cảnh sát thuộc Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông cho biết trong một lần xuất hiện trong chương trình “Đối thoại thẳng thắn” của đài TVB.
Đáp lại tin tức này, Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Hồng Kông đã đưa ra một tuyên bố nói rằng, những luật như vậy “luôn được sử dụng để chặn đứng việc đưa tin chỉ trích và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận.”
“Các nhà báo đã phải đối mặt với một loạt thách thức, trong đó có những quy định mới giới hạn việc cấp giấy phép hành nghề, truy tố các nhân viên của các kênh truyền thông, và áp lực ngày càng gia tăng lên quyền tự do biên tập nội dung của Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (RTHK), những lo ngại về thị thực và cuộc tấn công của những tên côn đồ vào một xưởng in báo,” tuyên bố này cho biết, đồng thời lưu ý rằng Hồng Kông đã rơi từ vị trí thứ 18 vào năm 2002 xuống vị trí thứ 80 trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới.
Tự do báo chí ở Hồng Kông đã dần suy giảm kể từ khi mảnh đất thuộc địa cũ này của Anh Quốc được trao lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.
Tuyên bố trên nói thêm, “Vào Ngày Tự do Báo chí Thế giới, Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Hồng Kông mong muốn bày tỏ tình đoàn kết với các nhà báo đang phải đối mặt với sự quấy rối, bỏ tù hoặc liều mình để thực hiện sứ mệnh vô cùng trọng đại của họ.”
Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Benedict Rogers, người đồng sáng lập Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ đã gọi hành động này là “cuộc tấn công mới nhất vào quyền tự do truyền thông” của Hồng Kông.
Do Alex Wu và Reuters thực hiện.
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: