Hơn 300 bài báo có nguồn gốc Trung Quốc bị rút lại vì bình duyệt giả
Cơ quan giám sát tạp chí cho biết Trung Quốc bị rút lại nhiều bài báo khoa học có các bài bình duyệt giả mạo hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại
Trung Quốc thường xuyên đứng đầu trong các vụ bê bối về bình duyệt, cùng với nhiều xưởng luận văn giả đang tạo ra một mối lo ngại trong cộng đồng khoa học toàn cầu. Theo một cơ quan giám sát tạp chí khoa học, quốc gia này đã bị rút lại nhiều bài báo khoa học vì có các bài bình duyệt giả mạo hơn tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cộng lại.
Theo Retraction Watch, một cơ quan giám sát tạp chí nghiên cứu, Hiệp hội Khoa học Máy điện toán (ACM) gần đây đã buộc phải rút lại 323 bài báo nghiên cứu có liên kết với Trung Quốc được cho là đã trải qua quá trình bình duyệt giả mạo.
Ngoài ra, nhiều trong số 323 bài báo bị rút lại được cho là đến từ các trường đại học hàng đầu được Bắc Kinh chứng nhận, được gọi là “Các Trường Đại Học Hạng Nhất Kép” (“Double First-Class Universities”, phiên âm “Song Nhất Lưu”, có nghĩa là đại học hạng nhất có chuyên ngành hàng đầu).
Giám đốc xuất bản của ACM Scott Delman nói với Retraction Watch rằng các bài báo này dường như đều đến từ “các xưởng luận văn” của Trung Quốc, ý chỉ những nơi sản xuất các bài báo giả của Trung Quốc.
Theo báo cáo, các bài báo đã được rút lại do ACM công bố được cho là đến từ Hội nghị Quốc tế về Công nghệ và Quản lý Thông tin (ICIMTech) được tổ chức tại Jakarta, Indonesia, từ ngày 19 đến 20/08/2021.
Việc rút lại này đã diễn ra sau khi một nguồn tin nói với ACM rằng IEEE Xplore, một nhà xuất bản khác của các tạp chí được bình duyệt, cũng đã xuất bản những gì có vẻ giống với một loạt bài báo của hội nghị ICIMTech.
Ông Delman cho biết, cáo buộc này đã thúc đẩy một cuộc điều tra dẫn đến việc rút lại hàng loạt đối với toàn bộ thủ tục hội nghị ICIMTech và hơn 300 bài báo, với lý do lo ngại về tính liêm chính và quy trình bình duyệt của các bài báo đó. Ông nói thêm rằng “một công ty ở Trung Quốc tự xưng là một nhà tổ chức hội nghị đã tạo ra tất cả [các] bài bình duyệt này.”
Theo Đại học Binus của Indonesia, một nhà tổ chức ICIMTech 2021, tất cả các bài báo được chấp nhận trong ICIMTech 2021 sẽ được xuất bản trong kỷ yếu hội nghị và được đệ trình để xuất bản trên IEEE Xplore.
Ông Delman cho biết một trường hợp tương tự đã xảy ra vào năm 2018 khi ACM nhận được một cáo buộc ẩn danh rằng một trong những bài báo hội nghị đã xuất bản của họ đã được tạo ra bởi một máy điện toán. Sau khi điều tra, họ phát hiện ra rằng một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh đã tạo ra bài bình duyệt của tờ báo này.
Sau khi tìm ra được một trong những người tổ chức hội nghị ở Bắc Kinh tên là Lily Cao (Lily Gao), người làm việc tại công ty này, bà Cao “đã thông báo cho chúng tôi rằng bài báo đó đã được bình duyệt và sau nhiều lần yêu cầu, bà Cao đã gửi một bản PDF của bản bình duyệt bị cáo buộc, mà dường như bản thân nó đã bị làm giả, dựa trên siêu dữ liệu trong tệp PDF được gửi tới ACM,” ông Delman cho biết, theo Retraction Watch.
Sau khi điều tra thêm, toàn bộ 26 bài báo từ hội nghị Ẩn Thông tin và Xử lý Hình ảnh (IHIP) năm 2018 đã được ACM rút lại sau khi không có tác giả nào được cho là đã trình bày tại hội nghị này trả lời câu hỏi của ACM, làm dấy lên những lo ngại đáng kể về tính liêm chính.
ACM là tổ chức học thuật chuyên nghiệp lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới về máy điện toán, có trụ sở chính tại Hoa Kỳ. Giải thưởng Turing (A. M. Turing Award), một giải thưởng hàng năm do ACM trao tặng, thường được coi là “Giải Nobel về khoa học máy điện toán.”
Luận văn giả ‘hưng thịnh’ ở Trung Quốc
Ông Trịnh Kiệt (Zheng Jie), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự và là tiến sĩ y khoa từ Đại học Tokyo, nói với The Epoch Times rằng gian lận trong các bài báo nghiên cứu có liên kết với Trung Quốc không chỉ giới hạn trong lĩnh vực máy điện toán, mà từ lâu đã phổ biến trong tất cả các lĩnh vực vì việc này quyết định về việc làm, thăng chức, tiền lương, và các lợi ích khác.
Ông Trịnh cho biết thêm, “Hệ thống thiếu đạo đức do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng đang khuyến khích người Trung Quốc tạo ra sự giả dối để thăng tiến trong cuộc sống.”
Số lượng bài báo học thuật được xuất bản là một trong những chỉ số chính để các nhà nghiên cứu ở các trường đại học, bệnh viện, và cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc nhận được chức danh nghề nghiệp hoặc được thăng chức.
Ví dụ, vào tháng 08/2020, Cục Y tế thành phố Bắc Kinh đã quy định rằng một bác sĩ điều trị phải xuất bản ít nhất hai bài báo trên tạp chí chuyên môn với tư cách là tác giả chính để được thăng chức lên bác sĩ phó chủ nhiệm, trong khi ba bài báo là cần thiết để thăng lên bác sĩ chủ nhiệm.
Tuy nhiên, một học giả, đặc biệt là nhân viên y tế, không có thời gian để nghiên cứu chứ đừng nói đến việc viết bài báo, vậy mà có nhiều học giả không có khả năng lại có thể xuất bản các bài báo có thẩm quyền. Nhưng vì để thăng tiến và các nhu cầu khác, nhiều người bắt đầu chuyển sang “chợ đen” cho công trình học thuật này.
Theo Tạp chí Science, lệ phí mà tác giả phải trả cho các bài báo học thuật giả mạo ở Trung Quốc dao động từ 1,600 USD đến 26,300 USD. Và cuối cùng, lệ phí cho một bài báo đang vượt quá mức lương hàng năm của một số giáo sư phụ tá ở Trung Quốc.
Báo cáo này cho biết: “Một cuộc điều tra kéo dài 5 tháng của Science đã phát hiện ra một chợ đen học thuật đang phát triển liên quan đến các đại lý mờ ám, các nhà khoa học tha hóa, và các biên tập viên thỏa hiệp — nhiều người trong số họ đang hoạt động công khai.”
“Có công ty sẽ bán tên của đồng tác giả chính trên luận văn về bệnh ung thư với giá 14,800 USD. Thêm hai cái tên — đồng tác giả chính và đồng tác giả liên hệ — thì sẽ tính giá 26,300 USD.”
Theo Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc, kể từ năm 2009, mua bán các tài liệu học thuật ở Trung Quốc đã trở thành một ngành công nghiệp với giá trị thị trường ước tính thận trọng khoảng 1 tỷ nhân dân tệ (150 triệu USD).
Một bản tin đăng năm 2017 của Retraction Watch chỉ ra rằng Trung Quốc đã rút lại nhiều bài báo khoa học có bài bình duyệt giả mạo hơn tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cộng lại.
Tạp chí khoa học Nature có trụ sở tại Anh đã xuất bản một bài báo vào tháng 03/2021 về vấn đề “xưởng luận văn” phổ biến của Trung Quốc, trong khi các nhà xuất bản tạp chí đang đương đầu với thách thức ngày càng tăng này.
Bà Winnie Han tường thuật về tin tức Trung Quốc cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Vương Giai Nghi (Ellen Wan)
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: