Hội nghị thượng đỉnh giữa TT Biden và TT Putin gây áp lực lên Trung Quốc
Các nhà phân tích nhận định rằng Trung Cộng ở Bắc Kinh sẽ không tỏ vẻ thờ ơ lãnh đạm với bất cứ tín hiệu nào mà hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Nga đưa ra.
Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Tổng thống (TT) Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva diễn ra khi Hoa Thịnh Đốn ngày càng quan tâm chú ý hơn đến những thách thức từ phía Trung Quốc, từ vấn đề công nghệ nhằm xâm lược quân sự cho đến các vấn đề nhân quyền.
Trung Quốc chiếm một vị trí nổi bật trên các nhan đề trong tuần lễ từ 14-20/05 trong các cuộc hội đàm của Hoa Kỳ với các nhà lãnh đạo Nhóm G-7, NATO, và Liên minh Âu Châu. Ông Wu Chia-lung, một nhà kinh tế vĩ mô tại Đài Loan cho biết, việc trung lập hóa Nga để tập trung vào đối đầu với Trung Quốc là một mục tiêu rõ ràng và đã có những dấu hiệu tiến triển.
Trình bày hôm 16/06/2021 sau một cuộc gặp với TT Putin, TT Biden nói với các phóng viên rằng Nga đang “bị Trung Quốc chèn ép.”
Ông nói về Nga trong một cuộc họp báo cùng ngày: “Quý vị có đường biên giới dài hàng ngàn dặm với Trung Quốc. Trung Quốc đang tiến lên phía trước … tìm cách trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới, đồng thời là nền quân sự lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới.” TT Biden cho rằng, song song với điều đó, thì “nền kinh tế Nga lại đang gặp khó khăn.”
Ông Biden cho biết ông đã trao đổi với ông Putin rằng, trong khi tình huống này không phải là “thời khắc thỏa hiệp” (kumbaya moment), “tình huống này rõ ràng không có lợi cho bất kỳ bên nào – đất nước của ngài hay của tôi – vì chúng ta đang ở trong tình huống một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.” TT Biden nói thêm rằng, “Và tôi thực sự tin rằng ông ấy cũng nghĩ về điều đó – ông ấy hiểu điều đó.”
Ông Wu nói với The Epoch Times rằng cuộc gặp gỡ này là một tín hiệu tích cực, cho dù mối quan hệ song phương đang gặp nhiều trở ngại.
Ông hỏi một cách thuyết phục rằng, “Liệu ông Putin có thể không biết cuộc họp sẽ nói về nội dung gì không? Tất nhiên là ông ấy có thể biết. Nhưng tại sao ông ấy vẫn đến?”
Nhiều tuần trước, Bắc Kinh đã cử nhà ngoại giao cao cấp Dương Khiết Trì tới Moscow, nhưng ông Putin chỉ nói chuyện với ông này qua điện thoại.
Các chi tiết tế nhị mang một ý nghĩa quan trọng trong các vấn đề chính trị. Ông nói rằng sự đối xử có vẻ khác biệt như vậy cho thấy hai nước đã đạt được thỏa thuận trong một số lĩnh vực.
Ông Wu nói, một chi tiết thứ hai đáng chú ý là ông Putin đã đúng giờ được một lần—một điều bất ngờ trước việc thường xuyên trễ giờ họp của nhà lãnh đạo Nga này. Ông Putin đã khiến bà Angela Merkel của nước Đức chờ đợi hơn bốn tiếng đồng hồ vào năm 2014.
Ông nói: “Trong cuộc gặp với ông Biden, ông Putin đã gửi đi một tín hiệu cho thế giới thấy—và ông ấy sẵn sàng gửi đi tín hiệu này.”
Phản ứng của Trung Quốc
Khi hội nghị thượng đỉnh Geneva được triệu tập, phía Trung Cộng dường như đang đẩy mạnh nỗ lực tái khẳng định mối quan hệ bằng hữu với Nga.
Chỉ một ngày trước cuộc họp, một đại diện của Trung Cộng đã gặp đại sứ Nga tại Trung Quốc và “đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ.”
Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc do Bắc Kinh kiểm soát, hôm 18/06/2021 tuyên bố ông Biden đang “làm nhục nước Nga.”
Ban biên tập [của tờ báo này] nói, “Hy vọng là, ông Biden và chính phủ của ông sẽ không mong đợi quá nhiều từ cuộc gặp ấy và ý tưởng ngớ ngẩn thổi bay mối bang giao Trung Quốc-Nga.” Tờ báo tuyên bố rằng liên kết đối tác Trung Quốc-Nga “đã trải qua các khảo nghiệm và trở thành một nguồn chiến lược chung không thể thay thế.”
Và trong một cuộc họp báo hôm 16/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên cũng khoa ngôn tương tự rằng “mọi thứ đều có thể thực hiện” cho mối liên kết hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, thêm vào đó, mà không chỉ đích danh một tên gọi cụ thể nào, bất kỳ nỗ lực nào của “những người cố gắng bằng mọi cách để chia rẽ” sẽ thất bại.
Chiến tranh tường thuật
Theo quan điểm của ông Wu, phản ứng của Trung Cộng đối với cuộc họp ở Geneva, dường như là im lặng, trái ngược với sự tức giận của họ trước những lời chỉ trích tập thể của G7.
Ông Wu lưu ý rằng điều này dường như lặp lại lời kêu gọi gần đây của lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình về việc các quan chức “chú ý đến chiến lược và nghệ thuật chiến tranh tường thuật” trên vũ đài thế giới.
Ông nói: “Quá quyết đoán và để xảy ra nhiều vụ lạm dụng sẽ chỉ khiến cho các nước phương Tây thấy rằng họ đang làm đúng.”
Nhưng đối với ông Chen Liang-chih, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia ở Đài Bắc, những giọng điệu ôn hòa như vậy không có gì đáng ngạc nhiên.
Ông nói với The Epoch Times rằng, mặc dù cuộc họp này là một “bước đi tích cực,” thế nhưng vẫn còn “quá sớm để kết luận” nếu [là tích cực], và ở mức độ bao nhiêu, thì nó có thể giúp xoa dịu những căng thẳng hiện có.
Không giống như một hội nghị thượng đỉnh tương tự giữa TT Putin và người tiền nhiệm của TT Biden là cựu TT Donald Trump vào năm 2018, [lần này] không có cuộc họp báo chung [giữa TT Biden và TT Putin]. Thay vào đó, hai vị tổng thống đã tổ chức những cuộc họp báo riêng biệt, với ông Putin là người chủ động.
Ông nói rằng, “Ông Putin là người tinh minh nhanh lẹ. Rõ ràng là mối bang giao Hoa Kỳ-Nga sẽ tiếp tục xuống dốc nếu ông ấy từ chối một cuộc gặp.” Tuy nhiên, trong một số vấn đề nổi cộm, ông Putin cũng cẩn thận đưa ra quan điểm mơ hồ của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với NBC vài ngày trước đó, ông [Putin] đã từ chối cân nhắc về việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng đối với Đài Loan. Ông nói về ông Biden rằng, “Tâm trạng chủ quan là không phù hợp trong chính trị.”
Tuy nhiên, với việc Hoa Thịnh Đốn đang tập hợp sự ủng hộ trên toàn cầu để chống lại Trung Cộng, chắc chắn Bắc Kinh đang cảm thấy nhiều áp lực hơn.
Ông Chen cho hay, đối đầu, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu trong tương lai, “không phải là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà là giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài.”
“Càng có nhiều tiếng nói quốc tế, thì sẽ càng bất lợi hơn cho Bắc Kinh.”
Do Eva Fu thực hiện
Với sự đóng góp của Luo Ya
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: