Hội đồng bầu cử Illinois bỏ phiếu giữ tên ông Trump trên lá phiếu
Hội đồng này này là một hội đồng lưỡng đảng đồng đều thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ, những người đã bỏ phiếu đồng thuận bác bỏ thách thức phản đối.
Hội đồng Bầu cử Tiểu bang Illinois đã bỏ phiếu đưa cựu Tổng thống (TT) Donald Trump vào cuộc bỏ phiếu sơ bộ của tiểu bang sau một đề nghị từ tổng cố vấn của hội đồng này về việc bác bỏ vụ việc.
Hội đồng này là một hội đồng lưỡng đảng đồng đều thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ, những người đã bỏ phiếu đồng thuận bác bỏ thách thức này.
Ủy viên Jack Vrett cho biết tiền đề được áp dụng cho vụ việc này là “luật dựa trên những trường hợp đặc biệt thì khó áp dụng trong cuộc sống” (hard cases make bad law).
“Nếu chúng ta vượt quá thẩm quyền của mình … và xem xét cơ sở của hành vi … thì tôi nghĩ những gì chúng ta chứng kiến sẽ là một loạt các vụ kiện tụng được mở ra,” ông nói. Chẳng hạn như, sau sự việc này mọi ứng cử viên hội đồng nhà trường có thể thách thức các đối thủ của họ về hành vi phạm tội bị cáo buộc và yêu cầu hội đồng bầu cử điều tra.
Ông nói thêm rằng, “Giải pháp mà những người đệ đơn đang tìm kiếm là tước quyền bầu cử” và họ chưa đáp ứng được ngưỡng đó.
Ủy viên Cristina Cray là thành viên duy nhất còn lại đưa ra tuyên bố, muốn bổ sung vào hồ sơ rằng bà là một thành viên Đảng Cộng Hòa nhưng “tôi không nghi ngờ gì” rằng cựu TT Trump đã tham gia vào “cuộc nổi dậy.” Bà cho biết rằng bà không nghĩ là hội đồng có thẩm quyền để đưa ra phán quyết về vấn đề như vậy.
Bà cho biết rằng quyết định này có thể được kháng cáo lên tòa án tiểu bang, và cố vấn pháp lý Marni Malowitz đã đưa ra một số điều lưu ý trong phiên điều trần nhằm hợp lý hóa quyết định này và ngăn chặn tiến trình kéo dài nếu vụ việc được tòa án chuyển lại cho hội đồng.
Bà Malowitz đã khuyên hội đồng rằng ngay cả khi hội đồng không có thẩm quyền phân tích các vấn đề Hiến Pháp, nhưng họ vẫn có thẩm quyền theo luật định để đưa các ứng cử viên đủ điều kiện vào lá phiếu. Bà cho biết bà không tin cựu TT Trump đã nộp giấy tờ giả. Bà nói thêm rằng một số vấn đề cần được xác định trước câu hỏi liệu Mục 3 có tạo thành cuộc nổi dậy hay không, và đề nghị hội đồng không đề cập đến vấn đề đó.
Bà đề nghị rằng cựu TT Trump nên được chứng nhận cho cuộc bỏ phiếu.
Đơn kiến nghị này được nhóm hoạt động Tự do Ngôn luận cho Mọi người đệ trình hôm 04/01. Nhóm này đã thúc đẩy lý thuyết pháp lý rằng cựu TT Trump không đủ tư cách tranh cử vì sự kiện ngày 06/01/2021 đã tạo thành một “cuộc nổi dậy” như được mô tả trong Mục 3 của Tu chính án thứ 14, và vụ kiện tại Illinois là một trong nhiều vụ kiện mà nhóm này đã đệ trình.
Các luật sư của nhóm này và luật sư của cựu TT Trump cũng đưa ra những lập luận ngắn gọn trước cuộc bỏ phiếu của hội đồng, với những người đệ đơn chủ yếu dựa vào báo cáo của Hội đồng Đặc biệt ngày 06/01 do Đảng Dân Chủ kiểm soát và cựu TT Trump lập luận rằng ông không tham gia vào cuộc nổi dậy và hội đồng không có thẩm quyền để đưa ra phán quyết về “cuộc nổi dậy.”
Hội đồng cũng đồng thuận bác bỏ hai kiến nghị phản đối việc ứng cử của TT Joe Biden.
Đề nghị trong phiên điều trần
Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, cựu Thẩm phán Clark Erickson đảm trách vai trò là một viên chức điều trần trong khi các luật sư của nhóm Tự do Ngôn luận cho Mọi người và cựu TT Trump trình bày những lập luận trái ngược liên quan đến một đơn kiến nghị yêu cầu cấm ông có tên trên lá phiếu với lý do rằng sự kiện ngày 06/01/2021 đã tạo thành một “cuộc nổi dậy” và sự tham gia của ông khiến ông không đủ tư cách theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14.
Ông Erickson đã đề nghị hội đồng chấp thuận kiến nghị của TT Trump là bác bỏ vụ kiện, nhưng cũng xác định rằng ngày 06/01 đã tạo thành một cuộc nổi dậy và đề nghị hội đồng loại bỏ cựu TT Trump trên cơ sở đó nếu họ không chấp thuận kiến nghị bác bỏ.
Trong văn bản giới thiệu của ông Erickson, ông dựa rất nhiều vào quyết định của các tòa án ở các tiểu bang khác trong những vụ kiện tương tự. Không có quyết định của tiểu bang nào có tính ràng buộc đối với tiểu bang khác, và các quan chức đã nêu lên mối lo ngại về việc các tiểu bang đưa ra phán quyết khác nhau về vấn đề này trên khắp đất nước và có thể tước quyền bầu cử của cử tri. Với mối lo ngại này, một số khu vực tài phán đã chọn chờ quyết định từ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dự kiến vào ngày 08/02.
“Luật Illinois, bao gồm các phán quyết Goodman và Delgado của Tòa án Tối cao cấm Hội đồng bầu cử giải quyết các vấn đề liên quan đến phân tích Hiến Pháp,” ông viết trước khi chấp thuận kiến nghị bác bỏ.
Cho rằng hội đồng không bắt buộc phải tuân theo đề nghị của cố vấn pháp lý, ông Erickson sau đó nêu lý do tại sao ông tin rằng cựu TT Trump nên bị loại nếu thách thức được đánh giá dựa trên giá trị thực chất — liệu ông có bị loại vì tham gia vào “cuộc nổi dậy” theo Mục 3 hay không — phần lớn lặp lại cơ sở lý luận của tòa sơ thẩm Colorado.
Ông Erickson viết rằng ông dựa vào bằng chứng được đưa ra tại tòa sơ thẩm ở Colorado, lần đầu tiên xác định sự kiện ngày 06/01 là một cuộc nổi dậy, cụ thể là Báo cáo của Hội đồng Đặc biệt ngày 06/01 và lời khai của giáo sư xã hội học Pete Simi — người là tác giả của các ấn phẩm như “Far Right Terrorism in the United States” (“Chủ nghĩa Khủng bố Cực hữu ở Hoa Kỳ”) và “An Essay: Understanding the Threat of Right-Wing Extremism” (“Một bài Tiểu luận: Tìm hiểu Mối đe dọa của Chủ nghĩa Cực đoan Cánh hữu”) — đưa ra giả thuyết rằng cựu TT Trump đang giao tiếp với những kẻ cực đoan như vậy bằng ngôn ngữ được mã hóa. Ông cũng bác bỏ lời kêu gọi ôn hòa của cựu TT Trump theo cách tương tự như phiên tòa sơ thẩm Colorado.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times