Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết phê chuẩn thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza do TT Biden đề xướng
Chính phủ TT Biden bảo đảm rằng đề xướng ngừng bắn này căn cứ theo các điều khoản mới nhất mà các nhà đàm phán Israel đưa ra cho Hamas.
Hôm 10/06, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết do Hoa Kỳ đứng đầu phê chuẩn đề xướng ngừng bắn ở Gaza mà Tổng thống (TT) Joe Biden công bố hôm 31/05.
13 trong số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an cùng phái đoàn Hoa Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này, trong khi Nga, một trong bốn thành viên thường trực có quyền phủ quyết, đã bỏ phiếu trắng.
Thỏa thuận ngừng bắn này có thể chấm dứt cuộc giao tranh giữa các lực lượng của Israel và nhóm khủng bố Hamas, sau hơn 8 tháng chiến đấu ở Dải Gaza. Tính đến hôm 10/06, Bộ Y tế Gaza do Hamas kiểm soát báo cáo khoảng 37,124 người Palestine thiệt mạng và 84,712 người bị thương trong quá trình giao tranh, mặc dù tổ chức này không phân chia rõ ràng giữa những người tham chiến và những người không tham chiến.
Theo Tổng thống Biden, giai đoạn một của thỏa thuận sẽ kéo dài ít nhất sáu tuần và bao gồm “[thi hành] một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và toàn diện; các lực lượng của Israel rút khỏi tất cả các khu vực có dân cư sinh sống ở Gaza; thả một số con tin—trong đó có phụ nữ, người cao niên, người bị thương—để đổi lấy việc thả hàng trăm tù nhân Palestine.”
Ông cho biết giai đoạn một của thỏa thuận này cũng bao gồm các biện pháp nhằm bảo đảm có tới 600 xe tải chở thực phẩm đến Dải Gaza mỗi ngày.
Tổng thống Biden cho biết giai đoạn hai của kế hoạch này sẽ phụ thuộc vào việc tiếp tục đàm phán cùng với việc hòa bình được thiết lập ở giai đoạn một sau sáu tuần. Ông nói rằng nếu những cuộc đàm phán đó thành công, thì giai đoạn hai sẽ đòi hỏi Hamas phải thả những người bị bắt giữ còn lại (một nhóm gồm các nam quân nhân của Israel). Ông cho biết nếu đợt thả con tin cuối cùng này thành công thì Israel sẽ rút hoàn toàn khỏi Dải Gaza và lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vĩnh viễn.
Tổng thống cho biết giai đoạn thứ ba và giai đoạn cuối cùng của kế hoạch ngừng bắn sẽ liên quan đến việc bắt đầu tái thiết ở Dải Gaza, đồng thời Hamas dự kiến sẽ trao trả hài cốt của bất kỳ con tin nào đã thiệt mạng.
Mặc dù chính phủ TT Biden cho biết đề xướng ngừng bắn mà ông thông báo hôm 31/05 là đề xướng của chính phủ Israel, nhưng thỏa thuận mà Tổng thống Biden đưa ra đã bị một số người trong nội các của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích.
Gần đây, Thủ tướng Israel cho biết ông sẽ không chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn mà vẫn để yên cho Hamas; đề xướng mà Tổng thống Biden đề ra hôm 31/05 sẽ không đáp ứng được mục tiêu thời chiến đó.
Các thành viên khác trong nội các của ông Netanyahu cũng đe dọa sẽ ngừng ủng hộ chính phủ liên minh của ông nếu thỏa thuận không kết thúc với việc Hamas bị đánh bại.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 01/06, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich thông báo: “Lúc này tôi đã nói chuyện với Thủ tướng và nói rõ với ông ấy rằng tôi sẽ không tham gia vào một chính phủ mà sẽ đồng ý với bản thảo được đề xướng đó và chấm dứt chiến tranh mà không tiêu diệt Hamas và mang tất cả những người bị bắt cóc trở lại.”
Trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 03/06, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir cũng đe dọa sẽ rút lại sự ủng hộ dành cho liên minh của ông Netanyahu nếu thủ tướng Israel đồng ý với một “thỏa thuận cẩu thả” để chấm dứt chiến tranh mà không loại bỏ hoàn toàn Hamas.
Đại sứ Hoa Kỳ nói rằng Hamas phải có trách nhiệm hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn
Chính phủ TT Biden đã nhiều lần nói rằng đề xướng ngừng bắn mà ông đề ra hôm 31/05 là dựa trên các điều khoản mới nhất mà các nhà đàm phán Israel đưa ra cho Hamas; rằng phía Israel hoàn toàn đồng tình với đề xướng mà ông đề ra hôm 31/05; và giờ đây Hamas phải chấp nhận các điều khoản và cho phép một lệnh ngừng giao tranh.
“Hôm nay, hội đồng này đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Hamas: chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đang được đưa ra,” Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Linda Thomas Greenfield cho biết sau cuộc bỏ phiếu hôm 10/06.
Những nỗ lực trước đó nhằm kết thúc cuộc xung đột hiện nay ở Gaza đã gây chia rẽ trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên này.
Phái đoàn Hoa Kỳ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình với tư cách là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an để chặn nghị quyết ngừng bắn do Algeria dẫn đầu hồi tháng Hai.
Hôm 22/03, các phái đoàn của Trung Quốc và của Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Hoa Kỳ dẫn đầu gọi lệnh ngừng bắn ở Gaza là “cấp bách,” nhưng các phái đoàn Trung Quốc và Nga lại cho rằng nghị quyết này không đủ mạnh mẽ. Ba ngày sau, hôm 25/03, Hoa Kỳ là nước duy nhất bỏ phiếu trắng về một nghị quyết ngừng bắn khác, do vậy Hội đồng Bảo an đã có thể thông qua nghị quyết.
Giải thích về việc bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu hôm 10/06, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cho biết đất nước của ông luôn ủng hộ lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza. Tuy nhiên, ông nói rằng phái đoàn Nga không thấy đầy đủ thông tin chi tiết về đề xướng ngừng bắn do TT Biden đưa ra để xác nhận sự ủng hộ đầy đủ của họ.
Ông Nebenzia nói: “Chúng tôi có rất nhiều câu hỏi về dự thảo nghị quyết của Mỹ, qua đó Hội đồng hoan nghênh một số thỏa thuận—không ai biết đến những nét chính cuối cùng trong thỏa thuận, có lẽ ngoại trừ những người hòa giải.”
Nhà ngoại giao Nga này cũng đặt câu hỏi liệu phía Israel có hoàn toàn chấp nhận đề xướng ngừng bắn mà chính phủ TT Biden đưa ra hôm 31/05 hay không.
Phái đoàn Israel: Israel ‘sẽ không tham gia các cuộc đàm phán vô nghĩa’
Bà Reut Shapir Ben-Naftaly, điều phối viên chính trị của phái đoàn Israel tại LHQ, đã tham gia cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an. Bà Ben-Naftaly không thách thức nghị quyết do Hoa Kỳ dẫn đầu nhưng cho biết chính phủ Netanyahu dự định đạt được mục tiêu thời chiến là tiêu diệt hoàn toàn Hamas trước khi họ thực hiện bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn nào ở Gaza.
“Israel nguyện thực hiện các mục tiêu này để mang lại tự do cho tất cả con tin, để tiêu diệt các năng lực quản lý và quân sự của Hamas, và để bảo đảm rằng Gaza không gây ra mối đe dọa cho Israel trong tương lai,” bà Ben-Naftaly cho biết sau cuộc bỏ phiếu. “Và như chúng tôi đã lặp lại nhiều lần trong chính phòng họp này, một khi những mục tiêu này đạt được thì chiến tranh sẽ kết thúc. Nếu Hamas thả con tin và tự nộp mình thì không cần phải bắn thêm một phát súng nào nữa.”
Mặc dù chính phủ TT Biden nói rằng lệnh ngừng bắn được thiết lập trong giai đoạn đầu của đề xướng hòa bình này có thể tiếp tục sau sáu tuần nếu các cuộc đàm phán ở giai đoạn hai tiếp tục diễn ra, nhưng bà Ben-Naftaly cảnh báo rằng Israel sẽ không cho phép hòa bình ở giai đoạn một kéo dài vô thời hạn.
“Israel sẽ không để Hamas tái vũ trang hoặc tập hợp lại để Gaza có thể gây ra mối đe dọa cho Israel. Đây là mục tiêu vững chắc mà chúng tôi quyết tâm đạt được,” bà nói. “Điều này cũng có nghĩa là Israel sẽ không tham gia các cuộc đàm phán vô nghĩa và bất tận mà Hamas có thể lợi dụng như một phương tiện để trì hoãn thời gian.”
Bà Ben-Naftaly đã kết luận bằng việc kêu gọi các thành viên trong Hội đồng Bảo an gây áp lực buộc Hamas phải thả con tin và đầu hàng.
Các thành viên Hội đồng Bảo an lên án về việc thường dân thiệt mạng
Sau khi bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết chấp thuận một lệnh ngừng bắn ở Gaza, Đại sứ Malta tại LHQ Vanessa Frazier đã kêu gọi Israel nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn việc thường dân bị thương vong ở Dải Gaza. Bà Frazier nói rằng đất nước của bà hoan nghênh tin tức về một chiến dịch quân sự của Israel hôm 08/06 mà trong đó họ giải cứu 4 con tin khỏi nơi giam giữ của Hamas gần trại tị nạn Nuseirat, nhưng bày tỏ sự thất vọng trước các báo cáo về thường dân bị thiệt mạng do chiến dịch này.
“Tất cả những người còn bị giam giữ phải được thả ngay lập tức và vô điều kiện,” bà Frazier nói. “Tuy nhiên, những hình ảnh về hậu quả của chiến dịch của Israel ở trại tị nạn Nuseirat mà trong đó hàng chục người Palestine gồm cả trẻ em được cho là đã thiệt mạng là thực sự kinh hoàng. Vụ việc này không phải riêng lẻ mà là điển hình về mức độ đau thương ở Gaza. Chúng tôi nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng tất cả các bên phải tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.”
Đại sứ Thụy Sĩ tại LHQ Pascale Baeriswyl cho biết bà cũng “hoảng hốt” trước “con số thương vong rất cao của người Palestine được báo cáo trong những ngày gần đây, đặc biệt là trong chiến dịch giải cứu.”
Bà nói: “Chúng tôi nhắc lại rằng phải luôn có sự phân biệt giữa thường dân và binh lính, giữa các vật thể dân sự và mục tiêu quân sự.”