Học tha thứ cho bản thân khi làm tổn thương người khác
Giả sử bạn đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp nào đó gây tổn hại lớn cho người thân hoặc bạn bè.
Việc lạm dụng ma tuý khiến bạn phải trả giá bằng tình yêu của con gái mình. Những câu chuyện phiếm đầy ác ý của bạn tại công sở khiến đồng nghiệp của bạn uất ức và tìm cách tự vẫn. Bạn đã uống quá nhiều và đâm vào chiếc xe tải đang chở cả một gia đình khiến hai người trong số họ bị tàn tật suốt đời. Bạn nói dối một thẩm phán và bồi thẩm đoàn vì bạn của bạn, sau đó bạn nhìn thấy người phụ nữ trẻ bị anh ta hành hung đã rơi nước mắt và không thể tin nổi vì người kia được trắng án.
Có một điều là tha thứ cho người đã làm tổn hại ta khác hoàn toàn với việc chính chúng ta là người có lỗi. Những hành động và lời nói của chúng ta không chỉ làm tổn hại thanh danh của chúng ta mà còn làm xói mòn, huỷ hoại lòng tin và tình yêu thương của những người thân thiết.
Vậy làm sao để có thể tha thứ cho chính mình?
Tội lỗi và hậu quả
Một số người trong chúng ta cho rằng không cần phải tìm kiếm sự tha thứ như vậy. Chẳng hạn, những người quá tự ái thường hay đổ lỗi cho người khác như cha mẹ, vợ chồng, sếp… về những thất bại và hành vi trái đạo đức của họ. Khi John không được thăng chức, khi công việc kinh doanh thất bại, khi bị vợ rời bỏ thì đó luôn là lỗi của người khác. Mù quáng trước lỗi lầm và hành động sai trái của bản thân, John luôn đóng vai là nạn nhân và không bao giờ thấy bản thân là người đáng trách.
Tuy nhiên, khi chúng ta làm tổn thương người khác do những hành động hoặc lời nói ác ý, phần lớn chúng ta sẽ bị đắm chìm trong cảm giác tội lỗi. Chúng ta vẫn cố gắng vui cười bên ngoài, nhưng trong lòng luôn bị bủa vây bởi sự tuyệt vọng và nỗi buồn.
Chúng ta cũng có thể tìm kiếm sự thanh thản bằng cách cầu xin sự tha thứ từ những người mà chúng ta làm tổn thương do sự ngu ngốc và những phán xét sai chuẩn mực đạo đức của chúng ta, và họ có thể tha thứ cho chúng ta. Nhưng nếu tội lỗi đó quá nghiêm trọng, chúng ta đã làm hỏng mối quan hệ và không thể sửa chữa. Chúng ta đều biết nhiều gia đình tan vỡ vì những lỗi lầm: Người cha và con trai đã không nói chuyện trong nhiều năm, cô con gái từ chối gặp mẹ vì cảm thấy bị bỏ rơi khi còn nhỏ, một người cha nghiện rượu bỏ rơi vợ con và không bao giờ quay về hoặc tình bạn bị phá vỡ bởi sự dối trá hay sự phản bội.
Nhưng ngay cả khi họ sắp tha thứ cho chúng ta, những người đã phạm sai lầm lớn vẫn không thể tha thứ cho chính mình. Để diễn giải những dòng đầu tiên của Dante trong tác phẩm “Hỏa ngục” (The Inferno) thì chúng ta đã đi lạc khỏi con đường thẳng và khi tỉnh dậy thấy mình đang ở trong một khu rừng tối. Trong trường hợp này, khu rừng tối đó chính là trái tim và tâm hồn của chúng ta.
Xuyên qua địa ngục
Trong cuốn sách mới phát hành gần đây “Xuyên Qua Địa Ngục: Chỉ Dẫn Cho Những Ai Đã Tự Làm Mình Tổn Thương Và Lạc Lối” (Walking Through Hell: A Guide for Those Who Have Wounded Themselves And Lost Their Way), Jack Durant viết:
“Tôi đã viết ‘Xuyên Qua Địa Ngục’ cho những người bị chính mình làm tổn thương. Người đàn ông không chung thủy đã đánh mất tình yêu của vợ mình; người phụ nữ say rượu bị đuổi việc; kẻ tham ô ngồi trong phòng giam bị gia đình và bạn bè xa lánh; người cha bị những đứa con khinh thường vì đã bỏ rơi mẹ của chúng 20 năm trước đó; tất cả những linh hồn lạc lối, vấp ngã; những người đã phạm phải một sai lầm to lớn nào đó dù cố tình hay vô ý: Bạn chính là đối tượng mà tôi viết.
Bởi vì tôi cũng là một trong số các bạn.”
Durant cung cấp một số kỹ thuật và phương pháp thiết thực cho những độc giả từng tự làm tổn thương mình, để giúp họ cân chỉnh lại cuộc sống, tìm đường trở lại với ánh sáng và một lần nữa bước trên con đường chân chính và tốt đẹp. Ông đề xuất mọi phương pháp, từ việc thực hành chủ nghĩa khắc kỷ cho đến việc xem một số bộ phim, từ việc đọc tài liệu cho đến tầm quan trọng của tập thể dục và ăn kiêng, từ việc áp dụng một vài phương châm cứng rắn nào đó làm kim chỉ nam cho đến việc thức dậy vào mỗi buổi sáng.
Durant cũng giới thiệu một số cách tìm kiếm sự tha thứ từ những người khác và từ cả chính mình.
Lối thoát
Khi cảm giác nhục nhã và xấu hổ do sự xuẩn ngốc và vô đạo đức của chúng ta xâm chiếm, chúng ta tự biến mình thành tù nhân trong các phòng giam được xây dựng từ những viên gạch và song sắt của hành vi sai trái. Chúng ta chìm trong cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng, chất chứa trong tâm gánh nặng của quá khứ ngày này qua ngày khác, rồi gục ngã vào ban đêm trong giấc ngủ vốn chỉ mang lại sự giải thoát tạm thời.
Nhưng hy vọng vẫn luôn tồn tại ngay cả ở nơi tăm tối này. Dưới đây là một số biện pháp mà Durant và những người khác đã thực hiện để tìm kiếm ý nghĩa của việc tự tha thứ.
Nhận trách nhiệm cho những lỗi lầm của chúng ta. Chịu trách nhiệm về cuộc sống của chúng ta là điều thiết yếu. Nếu muốn thoát khỏi màn đêm vĩnh viễn, chúng ta không được chối bỏ tội lỗi của mình. Nếu làm vậy, chúng ta càng đánh mất lòng tự tôn của bản thân. Rhett Butler từng nói trong “Cuốn theo chiều gió”: “Chỉ cần có đủ can đảm, em có thể làm mà không cần danh tiếng.” Khi danh tiếng của chúng ta bị hủy hoại, chúng ta phải tìm thấy can đảm để sống với những gì chúng ta đã gây ra và cố gắng hết sức để bù đắp cho những người chúng ta làm tổn thương.
Hãy để thời gian phát huy tác dụng của nó. “Thời gian chữa lành mọi vết thương” là câu ngạn ngữ nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng sự thật là như vậy. Cho dù thế giới có nhiều mây mù như thế nào, hôm nay, ngày mai và những ngày tiếp theo rồi cũng sẽ thay đổi trái tim và tâm trí chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ là con người của chúng ta trước đây và chúng ta không thể thay đổi những gì chúng ta đã làm, nhưng sự kiên nhẫn và thời gian có thể đưa chúng ta đến bến đỗ bình yên.
Hướng đến làm điều tốt. Tìm cách cải thiện cuộc sống và sức khỏe của bạn, và đặc biệt là giúp đỡ người khác. Ví dụ, người nghiện rượu đang hồi phục ở AA (tổ chức giúp đỡ người nghiện rượu) không ngủ quên trên chiến thắng, mà thay vào đó, họ giúp đỡ những người mới tham gia chương trình, đề nghị hỗ trợ trong trận chiến chống lại rượu cả ngày lẫn đêm. Sống tốt với người khác, cho dù đơn giản là đối xử tử tế với bạn bè và người lạ hay làm tình nguyện viên trong một căn bếp, chúng ta đều có thể tự giúp mình.
Tìm niềm vui bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu. Trong tách cà phê sáng đầu tiên, trong khoảnh khắc mặt trời mọc trên những ngọn núi, trong một bài hát yêu thích trên đài phát thanh đã bị lãng quên từ lâu, trong cảnh tượng đầy yêu thương của người đàn ông lớn tuổi đang lê la trên vỉa hè với chú chó săn Scotland của mình: Khi chúng ta tìm kiếm những niềm vui nho nhỏ và tận hưởng chúng, ánh nắng ấm áp sẽ lan tỏa trên gương mặt chúng ta. Hãy để chúng phát huy tác dụng kỳ diệu dù chỉ trong giây lát. Từ đó, bạn sẽ tìm thấy thuốc chữa cho những vết thương tâm hồn.
Món quà
Trong cuốn “Món Quà của Sự Tha Thứ: Những Câu Chuyện Truyền Cảm Hứng từ Những Người Vượt Qua Điều Không Thể Tha Thứ” (The Gift of Forgiveness: Inspiring Stories from Those Who Have Overcome the Unforgivable), Katherine Schwarzenegger Pratt viết về nỗi thống khổ mà nhiều người phải chịu do những sai lầm khủng khiếp của người khác. Chẳng hạn như Elizabeth Smart, người đã bị bắt cóc, giam cầm và lạm dụng khi còn là một thiếu niên; hay Devon Martin, nhà thuyết giáo truyền cảm hứng và là một diễn giả, đã oán giận người cha nghiện rượu của mình trong một thời gian dài.
Tất cả những người được Pratt phỏng vấn đã tìm thấy sự giải thoát khỏi phòng giam trong quá khứ nhờ tự tha thứ.
Điều này cũng đúng đối với chúng ta, những người cần phải tha thứ cho chính mình. Như Pratt nói với độc giả của cô ấy: “Tôi học được rằng sự tha thứ chân chính mang nhiều sắc thái hơn những gì bạn học ở trường mẫu giáo. Nó không phải là một hành động duy nhất; nó không phải là một câu nói đơn giản ‘Tôi xin lỗi’; sự tha thứ cần đến sự trung thực, lòng dũng cảm, sự chiêm nghiệm bản thân, khả năng lắng nghe một cách thấu đáo. Nó cần đến khát khao muốn tha thứ dù họ sẽ không bao giờ quên đi. Và quan trọng nhất, nó cần đến rất nhiều tình yêu, hết lần này đến lần khác. Thực hành sự tha thứ là phần thưởng của chính nó, một món quà cho cả bản thân và thế giới”.
Nếu bạn tự hủy hoại bản thân vì một số sai lầm lớn trong đời, nếu bạn cảm thấy suy sụp và bị đánh gục do những hành động của mình hoặc những thất bại, hãy buộc bản thân phải đứng dậy, đứng dậy và bắt đầu cuộc hành trình ra khỏi bóng tối. Hãy làm điều tốt, rèn luyện tính kiên nhẫn và tìm niềm vui khi bạn có thể.
Và hãy cố gắng tha thứ cho người đã làm bạn tổn thương, bao gồm cả chính bạn.
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu đang lớn. Trong 20 năm, ông đã giảng dạy lịch sử, văn học và tiếng Latin cho các chương trình giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C. Hiện ông đang sống và làm công việc viết ở Front Royal, Va. Theo dõi blog của ông tại JeffMinick.com
Jeff Minick
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: