Học giả: Làn sóng di cư khỏi Hồng Kông vẫn sẽ tiếp tục trong vài năm tới
Kể từ khi Hồng Kông thông qua Luật An ninh Quốc gia (NSL) hồi năm 2020, làn sóng di dân đã bùng lên, với hơn 100,000 người di cư ra hải ngoại. Do đó, Triển lãm Di trú và Bất động sản Quốc tế lần thứ 4 (II&PE) đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Wanchai hôm 11/03 và hôm 12/03, với 35,000 người đã ghi danh trước để tham dự sự kiện này, phá vỡ kỷ lục trước đó.
Theo số liệu do Cục Thống kê và Điều tra dân số Hồng Kông (C&SD) công bố hồi tháng 02/2023, số lượng người Hồng Kông chuyển ra ngoại quốc ròng đã đạt 60,000 vào năm 2022.
Tuy nhiên, ông Tạ Bái Hào (Peter Tse), giám đốc của II&PE, tin rằng số lượng người Hồng Kông di dân đến các nước khác sẽ tiếp tục tăng. “Theo thống kê của nhà tổ chức II&PE về các nhà triển lãm này, người ta thấy rằng trong sáu năm qua, mỗi tháng đã có khoảng 250 cuộc hội thảo về việc nhập cư và sở hữu nhà ở hải ngoại, nhiều hơn 20% so với số liệu thống kê từ cuộc triển lãm lần gần đây nhất.”
Một số học giả phân tích rằng mặc dù số lượng người Hồng Kông di dân đang giảm xuống nhưng không có dấu hiệu dừng lại. Vẫn có người Hồng Kông đang di dân ra hải ngoại; nhiều người Hồng Kông đã có được thông tin liên quan thông qua những người quen, thân nhân, hoặc các luồng thông tin khác.
Hơn 80 công ty nhập cư và bất động sản ở hải ngoại đã tham dự cuộc triển lãm nói trên, trong đó có hơn 70 hội thảo và thông tin từ hơn 20 quốc gia.
Những nhà tổ chức này đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến với 35,000 khách tham quan đã ghi danh trước đó. Kết quả cho thấy 63% số người được hỏi cho biết họ sẽ nhập cư trong vòng một đến hai năm, 15% khác cho biết họ sẽ di cư trong vòng sáu tháng, tổng cộng là 78%; 22% còn lại cho biết họ sẽ di cư sau hai năm hoặc hơn.
Ba quốc gia hàng đầu về số lượng người Hồng Kông di dân đến là Vương quốc Anh (38%), Canada (21%), và Úc (17%). Những nhà tổ chức này tin rằng các kết quả đó phản ánh rằng những quốc gia đó đã đưa ra chính sách nhập cư có phần hấp dẫn đối với người Hồng Kông.
Những kết quả khảo sát đó cũng cho thấy việc nhập cư không còn là đặc quyền riêng của các gia đình giàu có: 36% số người được hỏi cho biết thu nhập gia đình hằng tháng của họ trên 19,110 USD, 22% có thu nhập từ 6,370 USD đến 19,110 USD, và 23% và 19% lần lượt có thu nhập từ 2,548 USD đến 6,370 USD, và những người còn lại cho biết có thu nhập không tới 2,548 USD.
Bất kể mức thu nhập của gia đình, ba quốc gia phổ biến nhất cho việc nhập cư là Vương quốc Anh, Canada, và Úc.
Khi được hỏi mối quan tâm hàng đầu của họ là gì khi di cư, hơn một nửa số người được hỏi chọn “việc làm cá nhân” (52%), tiếp theo là “giáo dục con cái” (14%), “quản lý và đầu tư tài chính cá nhân” (13%), và “nơi cư trú” (12%).
Sau khi cuộc triển lãm này bế mạc, ban tổ chức đã tiết lộ có khoảng 30,000 lượt khách tham quan trong hai ngày, thấp hơn khoảng 36% so với 47,000 lượt khách của kỳ triển lãm thứ ba diễn ra vào giữa tháng 06/2022.
Ban tổ chức ước tính rằng số lượng người di cư đã ổn định từ mức cao nhất trong hai năm qua, và điều này là do những người có nhu cầu di cư cấp thiết đã rời đi trong hai đến ba năm qua. Do đó, họ đã dự đoán rằng trong năm 2023 này số lượng người di cư sẽ không có sự gia tăng đáng kể.
‘Làn sóng di cư sẽ tiếp tục trong ít nhất ba hoặc bốn năm nữa’
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times hôm 15/03, học giả Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah) đã phân tích rằng số lượng người di cư đang giảm xuống, nhưng không có dấu hiệu dừng lại. Người Hồng Kông vẫn tiếp tục di cư ra hải ngoại.
Ông đã lưu ý rằng sau khi chính quyền Hồng Kông nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mới đây, nhiều người Hồng Kông đã đi du lịch khắp nơi để khám phá những quốc gia tiềm năng. Ông cho biết, mặc dù làn sóng di cư hiện nay không dâng cao như hai năm trước nhưng dự kiến sẽ kéo dài thêm ít nhất ba hoặc bốn năm nữa; việc làn sóng này có dừng lại hay không thì còn tùy thuộc vào tình hình ở Hồng Kông.
Như ông giải thích, làn sóng di cư khỏi Hồng Kông gần đây nhất đã xảy ra hơn 30 năm trước. Khi làn sóng di cư hiện nay do NSL gây ra bắt đầu lan rộng, người Hồng Kông đã thiếu sự chuẩn bị và thông tin liên quan. Do đó, họ sẽ tích cực tham dự các cuộc triển lãm nhập cư để có được thông tin liên quan.
Nhưng sau hơn hai năm, nhiều người Hồng Kông đã nắm được thông tin liên quan thông qua những người quen, thân nhân, hoặc các nền tảng khác. Kết quả là, nhiều người sẽ đi du lịch để có thể quan sát trực tiếp. Họ cũng có nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch cho việc di cư, vì vậy vai trò của các nhà tư vấn di trú đang giảm dần, và số lượng người tham gia triển lãm tất nhiên sẽ giảm đi.
Số lượng người Hồng Kông di cư ròng đạt 60,000 hồi năm 2022
Theo C&SD, từ năm 2021 đến năm 2022, người ta ghi nhận rằng số lượng người Hồng Kông chuyển ra ngoại quốc ròng đạt 60,000, cao hơn gấp đôi so với 28,900 được ghi nhận vào năm 2021.
Từ giữa năm 2018 đến giữa năm 2019, tức là trước khi Phong trào Dự luật Sửa đổi Luật Chống Dẫn độ bùng nổ, thành phố này đã ghi nhận một đợt di cư ròng là 5,200 người. Trong bối cảnh NSL có hiệu lực vào ngày 30/06/2020, số lượng di cư ròng từ cuối năm 2019 đến năm 2020 là 96,400, một con số cao kỷ lục trong những năm gần đây.
Đơn xin thị thực BNO giảm
Vào ngày 31/01/2021, Chính phủ Vương quốc Anh đã khai triển Chương trình Thị thực BNO để cho phép cư dân Hồng Kông nhập cảnh vào nước này.
Tuy nhiên, theo thống kê do Bộ Nội vụ công bố, số lượng đơn ghi danh đã giảm từ 34,300 trong quý 01/2021 xuống còn 30,600 trong quý hai, 24,000 trong quý ba, và 15,600 trong quý tư.
Số lượng đơn ghi danh đã tăng trở lại lên 19,500 trong quý đầu tiên của năm ngoái (2022). Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 18,100 trong quý thứ hai, 10,100 trong quý thứ ba, và 10,100 trong quý thứ tư.
Nie Law, Shan Lam và Nathan Amery thực hiện
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times