Học giả cho rằng Chủ Nghĩa Xã Hội Doanh Nghiệp đang trỗi dậy ở Hoa Kỳ
Bài phân tích tin tức
Các chuyên gia cho biết, nỗ lực chung của các giám đốc điều hành doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các quan điểm chính trị liên quan đến các vấn đề cộng đồng ngày càng gia tăng đang đẩy Hoa Kỳ vào một quỹ đạo nguy hiểm.
Trong một ví dụ đáng chú ý gần đây nhất, các vị tổng giám đốc của một số công ty lớn nhất Hoa Kỳ gần đây đã đưa ra các tuyên bố chỉ trích các sửa đổi trong luật bỏ phiếu của tiểu bang Georgia. Các sửa đổi này, trong số các thay đổi khác, đã tăng thêm yêu cầu về xác thực danh tính cử tri của tiểu bang này khi đi bỏ phiếu khiếm diện.
Các quan chức của Liên đoàn Bóng chày Hoa Kỳ (MLB) còn đi xa hơn trong việc dời trận đấu All-Star Game của họ từ Atlanta sang Denver, dĩ nhiên là để phản đối yêu cầu cung cấp ID của cử tri.
Các tuyên bố của những vị giám đốc điều hành này dường như đến từ phía phe cánh tả. Tiểu bang Colorado cũng đã yêu cầu cung cấp ID của cử tri và yêu cầu có ít ngày bầu cử sớm hơn Georgia. Khoảng một nửa các tiểu bang ở nghiệp đoàn đã ban hành luật ID cử tri và một số tiểu bang đang tìm cách thắt chặt những quy định tương tự như Georgia. Việc bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với một trong số các tiểu bang này theo một cách thức đồng bộ như vậy cho thấy một mục đích cụ thể, nhưng điều này có vẻ không ăn nhập với cách thức vận động thông thường của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều phù hợp ở đây là các doanh nghiệp hiện đang có xu thế trực tiếp áp đặt ý kiến trong nhiều khía cạnh của cuộc sống người dân-không chỉ nhằm tác động đến những chính sách có lợi cho họ, mà còn dẫn dắt người Hoa Kỳ hướng đến những quan điểm và hành vi chính trị nhất định.
Theo ông Michael Rectenwald, giáo sư về nghệ thuật khai phóng tại Đại học New York và chuyên gia về sự giao thoa giữa hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và thế giới doanh nghiệp, những công ty này đang hành động càng ngày càng giống như các chi nhánh của chính phủ.
Quỹ đạo phát triển của xu hướng này đã dẫn đến một sự dung hợp thực tế giữa chính phủ với một nhóm các doanh nghiệp được tuyển chọn trên cơ sở cùng chung ý thức hệ-điều mà ông Rectenwald gọi là “chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp” hay “chủ nghĩa tư bản mang đặc trưng Trung Quốc,” bởi nó rất gần với mô hình độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Rectenwald chia sẻ với The Epoch Times qua email rằng “Chúng ta đang chứng kiến sự hội tụ của những mục tiêu chính trị-kinh tế và sự hợp nhất của nhà nước và các chức năng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang hành động như thể là các bộ phận của bộ máy nhà nước để thực hiện ước muốn về một quốc gia độc đảng.”
“Đó là bởi vì dưới nghị trình chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp, những doanh nghiệp này hiểu rằng để trở thành hoặc duy trì vai trò đối tác được hưởng đặc quyền trong một nền kinh tế mà nhà nước chỉ định kẻ thắng-người thua, thì họ phải phù hợp tối đa với các mục tiêu của nhà nước đang nằm dưới sự điều hành của một đảng độc tôn.”
Ông Rectenwald đã viết trong bài tiểu luận hôm 11/03 rằng kết quả của quá trình này chính là một “nền kinh tế hai tầng, với các doanh nghiệp độc quyền và nhà nước nằm trên cùng” và nhóm còn lại sẽ là “chế độ nông nô tiến bộ, được cho là thoải mái.”
Ông lập luận rằng một biểu hiện của xu thế này nằm ở việc nhà nước và giới doanh nghiệp đang áp dụng “sự thức tỉnh” như một ý thức hệ chung mang tính định hướng, ám chỉ một hệ tư tưởng phổ biến của phe cánh tả cấp tiến, dựa trên “lý thuyết phê bình” cận Mác-xít. Hệ tư tưởng này đã diễn giải lại lịch sử như một quá trình đấu tranh giữa các bộ phận dân số khác nhau mà nó dán nhãn là kẻ áp bức hoặc là người bị áp bức.
Ông Rectenwald đã viết “Sự thức tỉnh này không phải nhắm vào những người đang chịu đựng đau khổ với những nỗi bất bình hoặc những nỗi bất bình được tưởng tượng ra, nó có nghĩa là phải cải cách. Sự thức tỉnh này nhằm mục tiêu tác động đến nhóm chiếm ưu thế, những người được cho là đang hưởng lợi từ tình trạng bất công.”
“Nó thực hiện mục tiêu này bằng cách khiến cho nhóm chiếm ưu thế này hiểu rằng họ có được lợi ích từ “đặc quyền” và ưu thế-dựa trên màu da (da trắng), giới tính (chế độ phụ quyền), xu hướng tính dục (thuyết dị bản), nơi sinh (chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thế giới thứ nhất), nhận dạng giới tính (đặc quyền của người hợp giới), và sự thống trị của tự nhiên (đẳng cấp loài)-để định danh một số trong những thủ phạm chính. Danh sách này có thể kéo dài và còn được điều chỉnh, dường như là theo từng ngày. Nhóm chiếm ưu thế này cần phải được sắp xếp lại. Quần chúng cần phải hiểu rằng những người này đã có được tất cả các lợi thế cho đến nay mà họ được hưởng trên cơ sở của sự đối đãi bất công với những người khác.”
Ông nói, hệ tư tưởng này hoàn toàn phù hợp với hệ thống hai tầng của chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp khi nó làm phần lớn dân chúng ở các quốc gia phương Tây thấm nhuần “sự xấu hổ, tội lỗi, hối hận, không xứng đáng,” và do đó nó định hình cho họ rằng hãy “mong muốn ít hơn.”
Ông viết, “Dưới hệ tư tưởng thức tỉnh này, một người sẽ được kỳ vọng và có nhiều khả năng nguyện ý từ bỏ các quyền và tài sản của mình, bởi vì ngay cả quyền và tài sản của một người, nói đúng hơn là, đặc biệt là quyền và tài sản của một người, là có được nhờ mồ hôi xương máu của người khác.
Ông lưu ý rằng “việc áp dụng các biện pháp phong tỏa hà khắc” để đối phó với đại dịch virus Trung Cộng “lại là tình cờ để thực hiện những việc mà các nhà doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa… muốn hoàn thành,” chẳng hạn như làm tan rã các doanh nghiệp nhỏ và tăng doanh thu cho các gã khổng lồ như Amazon, Apple, và Facebook.
Theo giáo sư Rectenwald, một cách nữa để làm giảm các yêu cầu là đoạt lấy chính sách môi trường.
Trong khi có nhiều mối lo cấp bách về sinh thái như ô nhiễm nước và sự gia tăng rác thải (thường là độc hại) từ nhựa, điện tử và các công nghệ hiện đại khác, những thứ mà đã thường ở vị trí thứ cấp so với biến đổi khí hậu.
Nếu những dự đoán về khí hậu của phái thiên tả trở thành sự thật, thì thế giới sẽ đối mặt với những vấn đề như là thời tiết khắc nghiệt hơn và lũ ven biển trong những thập kỷ tới. Cách ứng phó của các chính sách lâu đời là yêu cầu người dân Hoa Kỳ và Châu Âu thắt lưng buộc bụng.
Klaus Schwab, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và đồng sự Thierry Malleret viết trong cuốn sách “COVID-19: Cuộc Tái Thiết Vĩ Đại” rằng “Trong kỷ nguyên hậu đại dịch, nếu chúng ta quyết định tiếp tục sống như trước đây (bằng cách lái những chiếc xe giống như trước đây, bay đến những nơi như trước đây, ăn những món ăn như trước đây, sưởi ấm ngôi nhà của chúng ta như trước đây, v.v.), thì lúc đó cuộc khủng hoảng COVID-19 này sẽ là vô dụng xét từ góc độ của các chính sách khí hậu.”
Cuốn sách này tuyên bố rằng “bằng cách sử dụng những biện pháp ứng phó khẩn cấp về mặt kinh tế đối với đại dịch đang áp dụng trong hiện tại, có thể nắm lấy cơ hội này để tiến hành những thay đổi về thể chế và cách thức lựa chọn chính sách mà có thể đưa những nền kinh tế theo một con đường mới dẫn đến một tương lai công bằng và xanh hơn,” mà cuốn sách này gọi là “Cuộc Tái Thiết Vĩ Đại.”
Những tiên lượng về khí hậu có phần kịch tính hơn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng đã được chứng minh là không chính xác. Những tiên lượng hiện tại chỉ ra rằng việc ngăn chặn những khó khăn ước tính sẽ đòi hỏi phải loại bỏ việc đi lại và sản xuất năng lượng thông qua các phương thức truyền thống là đốt than, dầu và khí gas. Không chỉ Hoa Kỳ và Châu Âu cần phải làm như thế, mà đáng chú ý là Trung Quốc, quốc gia xả thải lớn nhất thế giới, cũng như Ấn Độ, và các nước đông dân và đang phát triển khác cũng phải làm như vậy. Tuy nhiên, họ từ chối làm điều này bởi nó sẽ cản trở mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của họ, dẫn đến phần lớn dân số của họ trở về tình trạng thiếu thốn.
Trong khi đó, phái cấp tiến đã ra sức sử dụng vấn đề này như một phương tiện cho kế hoạch thức tỉnh đó, gắn các biện pháp khí hậu với các chính sách như mức lương tối thiểu và mở rộng quyền lợi cho người lao động, khiến tạo thêm các rào cản đối cho sự cạnh tranh và thiên vị độc quyền.
Giới tài chính lâu năm đã bám sát sáng kiến thức tỉnh này của chính họ, tạo ra một “chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (ESG)” để bẻ hướng dòng vốn về phía những doanh nghiệp cùng hội cùng thuyền với chương trình Tái Thiết Vĩ Đại.
Ông Rectenwald đã viết, “Trong khi chỉ số này đóng vai trò chỉ như một lời khuyến cáo ở thời điểm hiện tại, các dấu hiệu có thể thấy là ngân hàng, nhà quản lý tài sản và những tổ chức doanh nghiệp khác trong mạng lưới có thể sử dụng điểm số này như một phương tiện để ép những người chơi không tuân thủ, không chịu thức tỉnh ra khỏi thị trường.”
Ông lập luận, một bánh răng rõ ràng nhất của guồng máy chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp là Big Tech, ông đã dành cả một cuốn sách năm 2019 của mình có tựa đề là “Quần Thể Google: Trại Cải Tạo Gulag Kỹ Thuật Số Và Sự Mô Phỏng Về Tự Do” để nói về chủ đề này.
Ông đã viết “Big Tech sẵn sàng thu lợi trực tiếp từ nghị trình Tái Thiết Vĩ Đại. Những nỗ lực của liên minh này nhằm loại trừ các nền tảng và quan điểm cạnh tranh là một phần của nỗ lực củng cố cho vị trí độc quyền.”
“Những nền tảng mạng xã hội thiên tả kiểm duyệt tất cả quan điểm trái chiều với các câu chuyện chính thức, đã được quảng bá liên quan đến biến đổi khí hậu, COVID, vaccine, phân biệt chủng tộc có tính hệ thống, chuyển giới, và tất cả các yếu tố thiết yếu khác của Cuộc Tái Thiết Vĩ Đại. Tóm lại, các ông lớn công nghệ đại diện cho tuyến đầu và cơ quan ngôn luận về hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp.”
Trong khi hai tác giả Schwab và Malleret miêu tả Cuộc Tái Thiết Vĩ Đại được tạo thành bởi ảnh hưởng tự nhiên của đại dịch, họ thừa nhận rằng nó sẽ phụ thuộc vào các chính phủ, các doanh nghiệp và các nhà hoạt động trong việc tận dụng lợi thế của tình trạng này để thực hiện kế hoạch tái thiết.
Theo quan điểm của ông Rectenwald, “Cuộc Tái Thiết Vĩ Đại không gì khác ngoài sự kết hợp giữa chiến dịch tuyên truyền và quan hệ công chúng được che đậy bởi một lớp áo choàng của những gì không thể tránh khỏi.”
Sự mâu thuẫn của chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp
Với một số người, chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp nghe như một nghịch lý. Chẳng phải công hữu xã hội chủ nghĩa chính là phương tiện của sản xuất sao? Chẳng phải doanh nghiệp chính là thực thể tư hữu? Đúng là thế nếu chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa Mác xít, nhưng có những người theo chủ nghĩa xã hội trước và sau Karl Marx, mỗi người đều đưa ra cách thức tốt nhất để đạt đến chủ nghĩa xã hội của riêng mình, thông thường không đồng thuận với nhau về cách của ai mới đem lại hiệu quả.
Như ông Rectenwald đã chỉ ra, King Camp Gillette, nhà sáng lập Công ty Gillette, đã viết hai cuốn sách về chủ đề chủ nghĩa xã hội, lập luận rằng có thể đạt được chủ nghĩa xã hội một cách tốt hơn thông qua một “Tập Đoàn Thế Giới,” sau này khái niệm này trở thành tựa đề cho quyển sách thứ hai của ông.
Ông Gillette đã viết trong cuốn sách năm 1910 rằng “Những người thúc đẩy [tập đoàn] là những người theo đuổi chủ nghĩa xã hội thực thụ của thế hệ này, những nhà kiến tạo thực thụ của hệ thống hợp tác xã nhằm hạn chế cạnh tranh, và theo một phương thức kinh doanh thực tế thì đã đạt đến kết quả mà những người theo chủ nghĩa xã hội đã cố gắng để có được một cách vô vọng thông qua luật pháp và vận động qua hàng thế kỷ.”
Thậm chí trước ông Gillette, đã có một số người cho rằng chế độ nô lệ là mô hình tốt nhất cho chủ nghĩa xã hội, điều gần nhất với câu châm ngôn “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.”
Logic của triết lý này là, không thể trông chờ mọi người tự quyết định được họ có thể đóng góp bao nhiêu công sức và nhu cầu của họ là gì. Sẽ phải có một giai cấp hành chính để đưa ra quyết định này.
Trong khi người ta chế giễu ý tưởng về việc một ai đó quyết định giúp họ các nhu cầu hợp pháp của họ là gì, thì có vẻ như những người ủng hộ Cuộc Tái Thiết Vĩ Đại đã đang làm việc đó rồi.
Hai tác giả Schwab và Malleret đã nói, một trong những “ví dụ thực tế về sự thay đổi trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách” là nỗ lực để “duy trì hoạt động kinh tế tương lai ở mức độ tương ứng với sự thỏa mãn nhu cầu về vật chất có liên quan đến ranh giới hành tinh của chúng ta.” Họ giải thích:
“Mô hình giống với một chiếc bánh ‘doughnut’ trong đó vòng tròn bên trong đại diện cho nhu cầu tối thiểu của chúng ta để có một cuộc sống tốt (như được nêu trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc) và vòng tròn bên ngoài là mức trần sinh thái được định nghĩa bởi các nhà khoa học hệ thống trái đất (trong đó nêu bật các ranh giới mà hoạt động của con người không được vượt qua để tránh tác động tiêu cực của môi trường đến khí hậu, đất, đại dương, tầng ôzôn, nước ngọt và đa dạng sinh học).
“Giữa hai vòng này là những vùng ngọt (hay là ‘bột’) là nơi trùng khớp giữa nhu cầu của con người chúng ta và của trái đất.”
Vấn đề là, có thể không có tý bột nào cả.
Bằng cách này, thành phố Amsterdam đã ủy nhiệm tiến hành một phân tích về nền kinh tế của mình chỉ để kết luận rằng nó đã được vận hành vượt quá khả năng của nó như đã được “các nhà khoa học hệ thống trái đất” định nghĩa. Cùng lúc này, vẫn còn lâu mới có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, vốn đòi hỏi những thứ như phổ cập khả năng tiếp cận với nhà ở, giao thông, chăm sóc y tế, giáo dục và những thứ khác có giá cả phải chăng.
Tờ The Guardian đã báo cáo, rằng “Nhu cầu về nhà ở của cư dân ngày càng không được thoả mãn, với gần 20% chủ nhà trong thành phố không thể thanh toán các nhu cầu cơ bản sau khi đã trả tiền thuê nhà, và chỉ có 12% trong số khoảng 60,000 ứng viên nộp đơn trực tuyến để nhận nhà ở xã hội là thành công.”
“Có một cách giải quyết là xây thêm nhiều nhà nữa nhưng chiếc bánh doughnut của Amsterdam đã nhấn mạnh rằng lượng khí thải carbon dioxide của khu vực cao hơn 31% so với mức năm 1990. Việc nhập cảng vật liệu xây dựng, thức ăn và hàng tiêu dùng từ bên ngoài thành phố chiếm 62% của tổng lượng khí thải.”
Thành phố này đang cố gắng chuộc lỗi bằng cách đề nghị tìm nguồn vật liệu xây dựng tại địa phương và sử dụng những vật liệu tái tạo, như gỗ chẳng hạn, nhưng làm thế nào nó có thể làm đủ để đảo ngược tình trạng tiêu dùng quá mức mà các nhà phân tích này đã cáo buộc?
Và nếu phương Tây đã ăn hết cái bánh doughnut, thì số đông người dân của họ xứng đáng nhận được điều gì trong nền kinh tế Tái Thiết?
Do Petr Svab thực hiện
Thiên Minh biên dịch
Xem thêm: