Hỏa tiễn mang vệ tinh do thám của Bắc Hàn phát nổ sau khi phóng
Hôm 27/05, chỉ vài giờ sau khi thông báo sẽ phóng một hỏa tiễn mang “vệ tinh do thám” lên quỹ đạo trong vòng 8 ngày tới, Bắc Hàn chứng kiến hỏa tiễn và thiết bị đi kèm của mình phát nổ khi được phóng lên. Vụ phóng này vi phạm nhiều lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Theo hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn, đã xảy ra một vụ nổ giữa không trung của một vật thể không xác định trong giai đoạn đầu phóng lên. Hãng truyền thông nhà nước Bắc Hàn Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên cho biết hỏa tiễn mang theo vệ tinh do thám của họ, được phóng từ trung tâm không gian chính phía tây bắc của nước này, đã phát nổ ngay sau khi cất cánh do nghi ngờ có vấn đề về động cơ.
Thông báo này được đưa ra trước cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, và Thủ tướng Trung Quốc Lý cường tại Seoul sáng hôm thứ Hai (27/05).
Bắc Hàn cho biết họ sẽ phóng một hỏa tiễn mang theo “vệ tinh do thám quân sự” trong vòng 8 ngày tới trước ngày 04/06. Hành động này đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ cả phía Nam Hàn và Nhật Bản trong cuộc gặp ba bên.
Ông Yoon nói rằng nếu Bắc Hàn tiếp tục phóng hỏa tiễn, thì hành động này sẽ vi phạm trực tiếp nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vốn cấm chế độ Kim của Bắc Hàn thực hiện các vụ phóng bằng công nghệ phi đạn đạn đạo, và sẽ gây hại thêm cho hòa bình và ổn định toàn cầu.
Thủ tướng Kishida, người cũng kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hoạt động theo đuổi [mục tiêu] của mình, có những lo ngại tương tự như ông Yoon.
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc thì nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước, bằng những gì mà ông gọi là đề cao tinh thần “cởi mở và hòa đồng.”
Truyền thông Nam Hàn đưa tin rằng nước này cũng đáp trả thông báo về kế hoạch phóng vệ tinh của Bắc Hàn bằng các cuộc tập trận trên không, với sự tham gia của chiến đấu cơ F-35A. Sau đó, Bắc Hàn đáp trả bằng một vụ phóng hỏa tiễn, khiến Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản phải đưa ra cảnh báo khẩn cấp cho người dân trên đảo Okinawa đi ẩn náu.
Sau đó, cảnh báo đã được dỡ bỏ khi văn phòng này cho biết lãnh thổ Nhật Bản không còn gặp nguy hiểm nữa. Phi đạn này được cho là đã rơi xuống biển.
Vỏ bọc cho việc thử nghiệm phi đạn tầm xa
Sau vụ phóng hỏa tiễn nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara gọi hành động của Bắc Hàn là một “thách thức nghiêm trọng đối với toàn thế giới.”
Các nước láng giềng của Bắc Hàn, ngoại trừ Trung Quốc, từ lâu đã bày tỏ lo ngại rằng các vụ phóng hỏa tiễn của Bình Nhưỡng là vỏ bọc cho việc thử nghiệm công nghệ phi đạn tầm xa.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói thêm rằng vụ phóng hỏa tiễn này “có dính líu đến các công nghệ liên quan trực tiếp đến chương trình phi đạn đạn đạo xuyên lục địa của CHDCND Triều Tiên,” nói đến Bắc Hàn bằng tên chính thức.
Bộ này gọi hành động của Bình Nhưỡng là “một sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết đồng lòng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc” “làm gia tăng căng thẳng, và có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh trong và ngoài khu vực.”
Tháng 11/2023, Bắc Hàn đã phóng thành công vệ tinh do thám đầu tiên vào không gian sau hai lần thử không thành công. Sau đó, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tuyên bố sẽ đưa thêm ba vệ tinh như vậy vào quỹ đạo trong năm 2024.
Cam kết phi hạt nhân hóa và hòa bình
Hội nghị thượng đỉnh ba bên là cuộc gặp đầu tiên sau 5 năm giữa các nhà lãnh đạo Nam Hàn, Nhật Bản, và Trung Quốc.
Một tuyên bố chung về kết quả của hội nghị thượng đỉnh đã được ba nhà lãnh đạo tham dự đưa ra, khẳng định lại việc cam kết thúc đẩy hòa bình, phi hạt nhân hóa, và một thỏa thuận chính trị cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên.
Bắc Hàn lên án tuyên bố chung này, đặc biệt là tuyên bố về phi hạt nhân hóa, cho rằng đó là “can thiệp vô cớ vào công việc nội bộ của nước này.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times