Họa sĩ nữ tu Plautilla Nelli nhờ kiên trì tự học mà thành công
Những nghệ sĩ vĩ đại giao tiếp với chúng ta bằng trái tim mà không cần đến ngôn từ. Họ tái hiện những khoảnh khắc hùng tráng nhất và bi thương nhất của cuộc sống, từ cảnh chiến trường khốc liệt đến niềm hân hoan kỳ diệu khiến tâm hồn chúng ta ca hát.
Nhưng hiếm khi chúng ta ngợi ca cuộc đời của họ: cách họ vượt qua thử thách, cách họ sống đúng với giá trị của mình, hay cách họ đối đãi với đồng môn. Những câu chuyện này mang đến cảm hứng cho chúng ta cũng như những tác phẩm nghệ thuật mà họ sáng tác vậy.
Nữ tu người Ý Plautilla Nelli (1524–1588) đã kiên trì vượt qua nhiều trở ngại để trở thành một họa sĩ tôn giáo được trọng vọng. Bà đã vẽ tại một xưởng vẽ trong khuôn viên của tu viện, điều này đồng nghĩa rằng bà đã gặp phải những hạn chế trong việc trải nghiệm nghệ thuật
Chẳng hạn như, là một nữ tu nên bà không thể học giải phẫu cơ thể người. Và ngoài mái tóc của chính mình, bà có thể không có tham khảo nào khác vì các nữ tu thường che đi mái tóc.
Trong ấn phẩm năm 1568 “Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư lỗi lạc,” nhà sử học nghệ thuật và họa sĩ Giorgio Vasari đã viết về họa sĩ Plautilla Nelli như sau, “Bà không được đào tạo bài bản trong môn nghệ thuật của mình.” Ông muốn nói rằng, là phụ nữ nên bà không thể thực tập trong xưởng vẽ cùng với một họa sĩ bậc thầy. Nữ họa sĩ Nelli cũng đồng thời không thể tìm tòi, phác thảo và sao chép các chủ đề về đời sống và thiên nhiên như một họa sĩ đồng môn là nam giới.
Nelli làm việc với những gì bà có sẵn. Như tác giả Vasari đã chứng thực trong ấn phẩm “Cuộc đời” của mình, bà tự học nghệ thuật qua cuốn sách suy tưởng đầu tiên về các quy tắc hội họa của danh họa Alessandro Allori và M. Agnolo Bronzino, đơn giản là thông qua sao chép các tác phẩm lớn.
Nữ họa sĩ Nelli may mắn được tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm hội họa có chủ đề tôn giáo. Ngoài các tác phẩm xuất sắc được trưng bày trong tu viện, bà còn thừa hưởng 500 bức vẽ của họa sĩ lỗi lạc Fra Bartolomeo.
Fra Bartolomeo là một họa sĩ tôn giáo xuất chúng thời Phục Hưng, người đã tiếp nối truyền thống của một họa sĩ nối tiếng khác, Fra Angelico. Bartolomeo cũng sở hữu một bộ sưu tập mô hình bằng gỗ mà các nữ tu ở tu viện cũng có thể được kế thừa.
“Bà đã bắt đầu vẽ từng chút từng chút một và sao chép màu sắc và đường nét từ tác phẩm của những bậc thầy lỗi lạc, bà đã thực hiện một số tác phẩm với lòng kiên nhẫn và cẩn thận đến mức cả những người thợ thủ công cũng phải kinh ngạc,” tác giả Vasari viết.
Thật vậy, họ thực sự kinh ngạc. Nghệ thuật của Nelli được đánh giá cao bởi các nhà quý tộc, những người tin rằng các bức tranh của bà đều dung chứa một phẩm chất thần bí. Tác giả Vasari viết rằng, các bức tranh của bà được treo “trong nhà của các quý ông trên khắp Florence.”
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: