Hoa Kỳ xúc tiến thỏa thuận thương mại Đài Loan, bất chấp sự phẫn nộ từ Bắc Kinh
Khi Hoa Kỳ tiến tới các cuộc đàm phán để có một thỏa thuận thương mại song phương với Đài Loan, Bộ Ngoại giao cũng dự kiến phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ phía Trung Cộng đồng thời cũng hy vọng điều tốt đẹp nhất.
Ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết Trung Cộng có một lịch sử lâu dài về việc trả đũa các quyết định của quốc gia khác liên quan đến những gì mà nó coi là mối đe dọa đối với quyền lực của mình. Phản ứng của chế độ này đối với một thỏa thuận Hoa Kỳ – Đài Loan tất cả sẽ là một “ma trận quyết định của Bắc Kinh”.
“Tuy nhiên, công việc của chúng tôi rõ ràng là phải suy nghĩ thấu đáo những điều đó là gì và dự đoán chúng,” ông Stilwell trả lời câu hỏi của The Epoch Times trong một cuộc điện đàm vào ngày 2/9.
“Nếu quý vị nhìn vào ngôn ngữ từ ba thông cáo và Đạo luật Quan hệ Đài Loan… mối quan hệ kinh tế, giao lưu văn hóa, tất cả những điều đó hoàn toàn được phép. Không có gì cấm những điều đó cả. Và vì vậy không cần phải có sự đả kích trở lại. Những nỗ lực nhằm tăng cường sự thịnh vượng giữa hai nước sẽ không có ảnh hưởng gì”.
Đài Loan đã mở cửa vào ngày 28/8, khi đó Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc nhập khẩu thịt lợn và thịt bò của Hoa Kỳ.
“Quyết định này dựa trên những lợi ích kinh tế quốc gia của chúng tôi và phù hợp với các mục tiêu chiến lược tổng thể của chúng tôi cho tương lai,” bà Thái nói trong một tuyên bố.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã hoan nghênh thông tin này.
“Động thái này mở ra cánh cửa cho sự hợp tác kinh tế và thương mại sâu sắc hơn nữa,” ông Pompeo viết trên Twitter vào ngày 28/8.
Ông Keith Krach, quan chức dưới quyền Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, sẽ bắt đầu đàm phán với Đài Loan để tìm kiếm hơn nữa các cơ hội về thương mại.
Hiện tại, Hoa Kỳ duy trì mối quan hệ lành mạnh, phi ngoại giao với Đài Loan, đồng thời cung cấp cho hòn đảo này những vũ khí và thiết bị quân sự để tự vệ trước Bắc Kinh, bên đã đe dọa thôn tính hòn đảo tự trị này.
Hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar đã đến thăm Đài Loan để ký một thỏa thuận hợp tác về y tế.
Bắc Kinh đã sắp đặt cho máy bay chiến đấu bay qua ranh giới không phận không chính thức ở eo biển Đài Loan trước chuyến thăm của ông Azar; phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lên án chuyến thăm và đe dọa sử dụng “các biện pháp đối phó cứng rắn để đáp lại hành động sai trái của Hoa Kỳ.”
Ông Azar là quan chức nội các cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm hòn đảo này kể từ năm 1979, năm mà Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo vì sự tôn trọng đối với Bắc Kinh.
Chính phủ Trump đã lên tiếng về việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là đối với các sản phẩm liên quan đến công nghệ và dược phẩm.
Hồi tháng 5, gã khổng lồ sản xuất chip Đài Loan-Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cho biết họ có kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Arizona.
Bà Thái dự đoán rằng việc dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu thịt bò và thịt lợn của Mỹ sẽ mở đường cho những điều to lớn hơn.
Bà nói, “Trong tương lai, chúng tôi có thể phát triển một chiến lược kinh tế và thương mại năng động và mạnh mẽ hơn. Đối với các ngành nghề, đặc biệt là các ngành truyền thống bị ảnh hưởng bởi xung đột thương mại Mỹ – Trung và đại dịch trong hai năm qua thì đây là một cơ hội quan trọng.”
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu biết thêm chi tiết về các cuộc đàm phán thương mại của The Epoch Times.
Biên dịch: Cẩm An