Hoa Kỳ vẫn xếp Trung Cộng vào danh sách cần đặc biệt quan tâm về lĩnh vực tự do tôn giáo
Một ngày sau cuộc họp giữa ông Biden và ông Tập, vào ngày 17/11, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo tuyên bố đưa 10 quốc gia trong đó có Trung Quốc vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo (CPC).
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Brinken cho biết trong tuyên bố, “Tôi nhận định Myanmar, Trung Quốc (Trung Cộng), Eritrea, Iran, Triều Tiên, Pakistan, Nga, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan là những quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Bởi vì họ đã tham gia hoặc dung chứa “những vi phạm có hệ thống, dai dẳng và nghiêm trọng các tín ngưỡng tôn giáo.”
Ngoại trưởng Blinken cũng thông báo liệt Algeria, Comoros, Cuba và Nicaragua vào “danh sách theo dõi đặc biệt” vì những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
Năm 1998, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế và thành lập Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế dựa trên đạo luật này. Kể từ năm 1999, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế, bao gồm các quốc gia vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo trong danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.
Kể từ năm 1999, năm nào ĐCSTQ cũng xuất hiện trong danh sách này. ĐCSTQ đã phát động cuộc bức hại mang tính diệt chủng đối với nhóm người tập Pháp Luân Công năm 1999. Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hằng năm đều có ghi lại cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với học viên Pháp Luân Công.
Vào ngày 12/5/2021, “Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Thường niên năm 2020” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố đã ghi nhận trong năm qua có 83 học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết; hơn 6,000 người bị bắt và tra tấn; hơn 600 người bị kết án, v.v. Báo cáo cũng đề cập đến việc ĐCSTQ đàn áp các nhóm người Cơ đốc giáo, Thiên Chúa giáo, Tây Tạng và Hồng Kông.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nêu rõ trong tuyên bố ngày 17/11, “Hoa Kỳ sẽ không lay chuyển đối với cam kết ủng hộ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cho tất cả mọi người ở các quốc gia khác nhau. Ở quá nhiều nơi trên thế giới, chúng ta liên tục chứng kiến việc chính phủ quấy rối, bắt bớ, đe dọa, bỏ tù và sát hại những người chỉ vì sống và chiểu theo đức tin của họ.”
“Chính phủ hiện tại của Hoa Kỳ cam kết ủng hộ quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mọi người, bao gồm cả việc thách thức và chống lại những người vi phạm và chà đạp nhân quyền”, tuyên bố viết.
Lần này, thời điểm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo coi Trung Quốc (Trung Cộng) là quốc gia cần đặc biệt quan tâm về lĩnh vực tự do tôn giáo cũng khiến mọi người quan tâm.
Hai ngày trước là ngày 15/11, đã diễn ra hội nghị video giữa ông Biden và ông Tập. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Trung Quốc sau khi ông Biden lên nhậm chức.
Cuộc họp đầu tiên để ông Biden nêu lên những lo ngại về nhân quyền với ông Tập
Vào ngày 16/11/2021, Toà Bạch Ốc đã ban hành một bản ghi nhớ về “cuộc họp giữa Biden và Tập”. Bản ghi nhớ nêu rõ, “Tổng thống Biden nêu lên những quan ngại về các hoạt động của ĐCSTQ ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, cũng như các vấn đề nhân quyền rộng hơn.”
Liệu trong hội nghị video, ông Biden có nêu ra vấn đề nhạy cảm đối với ĐCSTQ là cuộc đàn áp nhân quyền hay không cũng là chủ đề nóng được mọi người bàn tán.
Vào ngày 27/10/2121, ông Edward McMillan-Scott, cựu Phó Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, đã đề xuất trong một cuộc hội thảo rằng cần tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh để thu hút sự chú ý của thế giới về hoạt động thu hoạch tạng của ĐCSTQ.
Ông McMillan-Scott bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ tiến hành một cuộc tẩy chay chính trị đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. “Điều này sẽ khơi dậy sự chú ý của công chúng trên thế giới về cuộc đàn áp (của Trung Cộng) đối với nhóm người thiểu số này, đặc biệt là tội ác diệt chủng nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người tập Pháp Luân Công.”
Vào tháng 3/2020, Tòa án Nhân dân Độc lập ở London, Vương quốc Anh đã đưa ra phán quyết cuối cùng bằng văn bản, tuyên bố rằng “hoạt động thu hoạch tạng (từ người còn sống) đã xảy ra trên quy mô lớn ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc trong nhiều năm, và các học viên Pháp Luân Công là một trong số đó. Hơn nữa, họ có thể là nguồn tạng chủ yếu.”
“Các cuộc đàn áp tập trung và kiểm tra y tế đối với người Duy Ngô Nhĩ là xảy ra tương đối gần đây.”
Tính đến nay, cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã kéo dài 22 năm. Vào ngày 16/11/2021, trang web Minh Huệ đã đưa tin về 3 trường hợp mới nhất bị bức hại đến chết là các học viên Pháp Luân Công. Vào ngày 13/11, Lí Chấn Đông, 68 tuổi, ở tỉnh Liêu Ninh, bị tra tấn đến chết khi đang thụ án tại nhà tù Đông Lăng, Thẩm Dương. Bà Hồ Hán Giảo, 53 tuổi, ở Hán Xuyên, Hồ Bắc, bị kết án phi pháp. Vào tối ngày 9/11, ngày thứ 12 sau khi bị giam giữ tại nhà tù nữ Vũ Hán, chồng bà nhận được một cuộc điện thoại từ nhà tù thông báo rằng bà đã qua đời vì bệnh tật. Bà Vương Quế Anh, ở thị trấn Khẩu Tiền, huyện Vĩnh Cát, tỉnh Cát Lâm, bị cảnh sát quấy rối khi đang trong tù. Sau khi ngồi tù chưa đầy 2 tuần, vào ngày 6/8, bà đã ra đi một cách oan uổng.
Trong bản ghi chép của cuộc họp video, Toà Bạch Ốc không nhắc đến chủ đề Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ đã xuất hiện rầm rộ những lời kêu gọi chính quyền Biden tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh sắp tới này.
Người phụ trách chuyên mục Josh Rogin của Washington Post đã viết trong một bài báo rằng, “Chỉ còn ba tháng nữa là diễn ra Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và chính quyền Biden sẽ phải sớm làm rõ liệu họ có kế hoạch cử phái đoàn đại diện đến Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, theo các nguồn tin cho biết, Toà Bạch Ốc sẽ thông báo rằng Tổng thống Biden và bất kỳ quan chức chính phủ Hoa Kỳ nào khác sẽ không tham gia Thế vận hội Bắc Kinh. Nguồn tin cho biết, kiểu tẩy chay ngoại giao này là để đáp lại những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ mà không ảnh hưởng đến các vận động viên Hoa Kỳ.”
Do Cao Tĩnh, Lí Thần thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: