Hoa Kỳ tuyên bố quân đội Miến Điện đã phạm tội diệt chủng người Rohingya
Hôm thứ Hai (21/03), Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Hoa Kỳ chính thức xác định rằng quân đội Miến Điện đã phạm tội diệt chủng người Rohingya một cách “rộng rãi và có hệ thống”.
Trong bài diễn văn tại Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust [nạn diệt chủng người Do Thái] của Hoa Kỳ, ông Blinken nói rằng “ngoài Holocaust, Hoa Kỳ đã kết luận rằng tội ác diệt chủng đã được thực hiện bảy lần.”
Ông khẳng định, “Hôm nay đánh dấu lần thứ tám, vì tôi đã xác định rằng các thành viên của quân đội Miến Điện đã phạm tội diệt chủng và tội ác chống phản nhân loại đối với người Rohingya.”
Ông Blinken cho biết việc định tội quân đội Miến Điện được dựa trên “một đánh giá thực tế và phân tích pháp lý do Bộ Ngoại giao thực hiện, trong đó có dẫn chứng bằng tư liệu của nhiều nguồn độc lập, không thiên vị, gồm có cả các tổ chức nhân quyền” và điều tra thực tế.
“Cuộc tấn công người Rohingya diễn ra trên diện rộng và có hệ thống, vốn là yếu tố quyết định để đi đến việc xác định tội ác phản nhân loại,” ông nói.
“Bằng chứng này cũng cho thấy một chủ ý rõ ràng đằng sau hàng loạt các hành động hung ác này — ý định tiêu diệt người Rohingya, toàn bộ hoặc một phần.”
Người Rohingya đã bị từ chối quyền công dân ở quốc gia này kể từ khi luật quốc tịch của Miến Điện được ban hành vào năm 1982. Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 700,000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh do một cuộc đàn áp quân sự vào năm 2017.
Tháng 02/2021, chính quyền quân sự đã lật đổ chính phủ dân sự dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo trong một cuộc đảo chính, làm dấy lên các cuộc biểu tình chống đảo chính lan rộng ở Miến Điện, còn được gọi là Myanmar.
Trích dẫn một báo cáo của Bộ Ngoại giao năm 2018 khảo sát hơn 1,000 người tị nạn Rohingya sống ở Bangladesh, ông Blinken nói rằng những phát hiện đó chứng minh rằng những hành vi lạm dụng người Rohingya của quân đội Miến Điện “không phải là các trường hợp cá biệt”.
Ba phần tư trong số những người được khảo sát tuyên bố đã chứng kiến quân đội sát hại một ai đó và hơn một nửa đã chứng kiến các hành vi bạo lực tình dục. 1/5 đã chứng kiến một sự kiện gây thương vong hàng loạt, sát hại hoặc làm bị thương hơn 100 người chỉ trong một vụ việc.
“Đối với những người không nhận ra điều đó trước cuộc đảo chính, thì sự bạo lực tàn bạo xảy ra sau đó đã cho thấy rõ rằng không có ai mà quân đội Miến Điện sẽ không tìm đến. Không ai được an toàn trước những hành động tàn bạo dưới sự cai trị của họ,” nhà ngoại giao cao cấp nhất của Hoa Kỳ nói.
Ông Blinken tuyên bố chính quyền quân sự này đã thực hiện các vụ sát nhân, hãm hiếp, và các hành động tàn bạo khác đối với các thành viên của các nhóm người thiểu số và tôn giáo khác ở Miến Điện trong nhiều thập niên.
Ông nói thêm: “Các báo cáo về những vụ lạm dụng này là phổ biến; chúng được ghi lại đầy đủ. Chúng đã xảy ra ở các tiểu bang trên khắp Miến Điện. Lịch sử đó, và quyết tâm mà chúng tôi đang thực hiện ngày hôm nay, là nền tảng cơ bản để lý giải được cuộc khủng hoảng hiện tại của Miến Điện.”
Ông Blinken cũng tuyên bố khoản đóng góp “gần một triệu USD tài trợ bổ sung” cho Cơ chế Điều tra Độc lập vì Miến Điện, vốn đang thu thập bằng chứng về những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất ở Miến Điện kể từ năm 2011.
Ông lưu ý rằng Hoa Kỳ cũng đã chia sẻ thông tin này với Gambia liên quan đến một vụ kiện mà nước này đã đệ đơn kiện Miến Điện tại Tòa án Công lý Quốc tế về những hành vi tàn bạo đối với người Rohingya.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: