Hoa Kỳ trừng phạt quan chức Trung Cộng vì bức hại Pháp Luân Công
Bộ Ngoại giao đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với một quan chức Trung Cộng vì bức hại Pháp Luân Công, khi sắp đến ngày kỷ niệm 22 năm sáng lập của môn tu luyện tinh thần đang bị nhà cầm quyền Bắc Kinh đàn áp tàn bạo này.
Các biện pháp trừng phạt sẽ cấm ông Dư Huy (Yu Hui), cựu giám đốc của cơ quan được giao nhiệm vụ đặc biệt bức hại Pháp Luân Công ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Sự trừng phạt này cũng áp dụng cho những người thân trong gia đình của ông này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét tất cả các công cụ thích hợp để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người chịu trách nhiệm về các vi phạm và lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc và các nơi khác,” Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết tại một cuộc họp báo khi ông công bố báo cáo thường niên của bộ về tự do tôn giáo quốc tế, viện dẫn các vụ bắt bớ tùy tiện, đột kích vào nhà, phân biệt đối xử ngoài xã hội và cưỡng bức mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công.
Ông Blinken cho biết việc chỉ định này được áp dụng cho ông Dư vì ông này liên quan đến “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cụ thể là việc giam cầm tùy tiện các học viên Pháp Luân Công vì đức tin tinh thần của họ.”
Tổ chức mà ông Dư chủ trì được gọi là Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập ngay trước khi bắt đầu cuộc đàn áp với mục tiêu rõ ràng là tiến hành chiến dịch tàn bạo này. Tổ chức này nắm giữ quyền lực vô cùng to lớn trong Đảng và được hưởng quyền lực không thể kiểm soát để đàn áp các tôn giáo thiểu số. Ông Dư đứng đầu chi nhánh Thành Đô [của tổ chức này] bắt đầu từ năm 2016 và đến tháng 02/2018.
Môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công bao gồm ba nguyên lý cốt lõi – Chân, Thiện, và Nhẫn – cùng một bộ gồm các bài tập thiền định. Sau khi nhà sáng lập, ngài Lý Hồng Chí, lần đầu tiên giới thiệu môn tập này tại thành phố Trường Xuân, đông bắc Trung Quốc vào năm 1992, Pháp Luân Công đã thu hút được 70 triệu đến 100 triệu người học chỉ thông qua việc khẩu truyền. Nhà cầm quyền Trung Cộng, [nhận thấy] bị đe dọa bởi sự phổ biến của môn tập này, đã phát động một chiến dịch diệt trừ vào tháng 07/1999 nhằm xóa sạch đức tin này ở Trung Quốc.
Các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao được đưa ra một ngày trước Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, đánh dấu kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp được giới thiệu ra công chúng cách đây 29 năm, cũng như kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ngài Lý.
Các biện pháp trừng phạt này cũng khiến ông Dư trở thành quan chức Trung Cộng thứ hai bị Hoa Thịnh Đốn trừng phạt vì bức hại các học viên Pháp Luân Công. Vào tháng 12/2020, chính phủ cựu TT Trump đã trừng phạt ông Hoàng Nguyên Hùng (Huang Yuanxiong), một cảnh sát trưởng tại tỉnh Phúc Kiến, vì “xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công.” Việc định danh này đã được đưa ra vào ngày Nhân quyền Quốc tế.
Quyết định này của Hoa Kỳ “chắc chắn sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến khắp Trung Quốc rằng thế giới đang theo dõi và sẽ có những hậu quả ngay trên thực tế đối với việc bức hại các học viên Pháp Luân Công,” theo ông Erping Zhang, phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp tại New York.
“Khi tin tức này lan truyền trong bộ máy an ninh của [Trung Cộng], rất có thể sẽ khiến một số người suy nghĩ kỹ về việc tiếp tục kéo dài lạm dụng [nhân quyền] hay không,” ông nói trong một tuyên bố.
Ông Sam Brownback, cựu đại sứ lưu động Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, cũng đã hoan nghênh hành động này.
“Tôi nghĩ rằng điều này gửi một tín hiệu rất mạnh mẽ đến Trung Quốc,” ông nói với đài NTD, chi nhánh của Epoch Times. “Điều đó gửi tín hiệu rằng chúng tôi sẽ không để họ thoát khỏi cuộc chiến về đức tin này.”
Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên hoạt động vì quyền của các nhóm tín ngưỡng, đã chỉ đích danh ông Dư là một [trong những] thủ phạm của chiến dịch này và liệt kê hai trường hợp bức hại đã diễn ra dưới sự giám sát của ông này.
Bà Liu Guiying, kỹ sư cao cấp của một công ty viễn thông lớn thuộc sở hữu nhà nước có tên là Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, đã bị kết án ba năm tù vào tháng 12/2017 vì đức tin của mình, sau khi trải qua hai năm bị giam giữ mà không cần xét xử.
Thẩm phán đã nói riêng với luật sư của bà rằng, “Việc này đã được cấp trên sắp đặt trước và tôi không còn cách nào cả.”
Sau đó, khi ở trong tù, bà Liu đã không được phép tắm, gội đầu, đánh răng hay sử dụng giấy vệ sinh, tổ chức này cho biết.
Theo trang Minh Huệ, một trang web do các học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ thành lập nhằm thu thập các tài liệu trực tiếp về cuộc bức hại, bà Pan Xiaojiang, trợ lý tư pháp của Tòa án Nhân dân Trung cấp Nam Đồng tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt vào tháng 02/2017 vì treo biểu ngữ nơi công cộng. Sau khi không nhận tội, bà đã bị kết án bốn năm tù vào tháng 06/2018.
Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho biết ông Dư là một trong 9,000 quan chức của Phòng 610 đã bị Bộ Ngoại giao ghi nhận lại vào đầu năm nay bởi những người ủng hộ Pháp Luân Công.
Trang Minh Huệ đã xác minh và ghi nhận lại hàng ngàn học viên đã thiệt mạng dưới tay nhà cầm quyền này. Trang web lưu ý rằng số người thiệt mạng thực tế có thể cao hơn nhiều nhưng không thể xác minh được do sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Cộng về bất kỳ chi tiết liên quan nào [đến cuộc đàn áp]. Các nhà nghiên cứu đã mô tả việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công là một “cuộc diệt chủng lạnh.”
Trong năm 2020, hơn 15,000 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu, với hơn 600 người bị kết án tù, theo trang Minh Huệ. Người cao tuổi nhất trong số những người bị kết án là 88 tuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông Brownback đã mô tả những gì mà Trung Cộng đã làm với các học viên Pháp Luân Công là “thù hận và hiếu chiến.”
“Họ dường như chỉ một mực muốn tiêu diệt Pháp Luân Công,” ông nói với The Epoch Times. Ông đã trích dẫn nhiều bằng chứng về hoạt động mổ cướp nội tạng có hệ thống, chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, và còn cả những người theo đạo Cơ đốc và người Duy Ngô Nhĩ. “Thế giới không còn có thể làm ngơ trước việc này được.”
Do Eva Fu thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: