Hoa Kỳ tiêu hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng
Hoa Kỳ đã tiêu hủy kho dự trữ vũ khí hóa học cuối cùng được thế giới biết đến tại một cơ sở quân sự ở Kentucky.
Tổng thống Joe Biden nêu rõ trong một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc rằng loại vũ khí [hóa học] cuối cùng trong kho dự trữ của đất nước đã “được tiêu hủy an toàn.” Tổng thống cho biết cột mốc giải trừ quân bị quan trọng này đưa đất nước “tiến một bước gần hơn tới một thế giới không còn nỗi kinh hoàng của vũ khí hóa học.”
Bộ Quốc phòng thông báo hỏa tiễn M55 cuối cùng chứa chất độc thần kinh Sarin đã được phá hủy vào thứ Sáu (07/07) tại Kho Quân đội Blue Grass — một cơ sở lưu trữ đạn dược của Bộ Chỉ huy Vũ khí Liên hợp thuộc Lục quân Hoa Kỳ ở Richmond, Kentucky. Chất độc thần kinh Sarin, còn được gọi là chất độc thần kinh GB, là một loại chất độc cướp đi sinh mạng. Khoảng 51,000 hỏa tiễn như vậy, đã được lưu giữ tại kho đạn dược này từ những năm 1940.
Ngũ Giác Đài thông báo kho vũ khí hóa học cuối cùng — với hơn 100,000 quả đạn pháo chứa khí mù tạt và chất độc thần kinh cũng như các loại hỏa tiễn chứa chất độc thần kinh — đã được phá hủy bằng “các công nghệ vô hiệu hóa và phá hủy chất nổ” tại kho cất trữ.
Theo Ngũ Giác Đài, những nỗ lực tiêu hủy các chất độc hóa học tại Kho Quân đội Blue Grass bắt đầu từ tháng 06/2019. Tổng cộng, có hơn 523 tấn chất hóa học của Hoa Kỳ đã được tiêu hủy an toàn ở đó.
Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa Thượng viện Mitch McConnell (Đảng Cộng Hòa-Kentucky) đã ca ngợi hành động mới nhất này.
Trong một tuyên bố, ông McConnell nêu rõ: “Vũ khí hóa học là nguyên nhân gây ra một số trường hợp thiệt hại về người kinh hoàng nhất. Mặc dù việc sử dụng những chất hóa học gây tử vong này sẽ luôn là một vết nhơ trong lịch sử, nhưng hôm nay Đất nước của chúng ta cuối cùng đã thực hiện lời hứa loại bỏ kho vũ khí đầy tội ác này.”
Đáp ứng thời hạn tự mình đặt ra
Cột mốc này đáp ứng những gì mà Hoa Kỳ đã tự cam kết về việc tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học trước ngày 30/09/2023.
Vũ khí hóa học lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh hiện đại, cụ thể là trong Đệ nhất Thế chiến, nơi loại vũ khí này, theo ước tính, đã sát hại ít nhất 100,000 người. Hoa Kỳ bắt đầu phát triển và sử dụng vũ khí hóa học trong Đệ nhất Thế chiến, và tiếp tục sản xuất loại vũ khí này cho đến cuối những năm 1960.
Vào cuối Chiến tranh Lạnh, kho dự trữ loại vũ khí này đã đạt hơn 30,000 tấn, được cất giữ tại tám cơ sở ở lục địa Hoa Kỳ và một địa điểm trên đảo san hô Johnston ở Thái Bình Dương.
Quốc hội đã ra lệnh tiêu hủy kho dự trữ vũ khí hóa học của Hoa Kỳ vào năm 1986, và những nỗ lực nhằm tiêu hủy các kho dự trữ, bắt đầu vào năm 1990 trên đảo san hô Johnston.
Ngũ Giác Đài cho biết: “Mặc dù các kho dự trữ đó đã bị tiêu hủy, nhưng một đạo luật bổ sung đề nghị Bộ Quốc phòng đánh giá và chứng minh rằng có công nghệ khác để giải trừ vũ khí hóa học ngoài cách thiêu hủy.”
“Việc khai triển thành công các công nghệ thay thế đã dẫn đến việc tiêu hủy an toàn số vũ khí hóa học còn lại được cất giữ tại Kho Hóa chất Pueblo của quân đội Hoa Kỳ ở Colorado và tại Kho Quân đội Blue Grass ở Kentucky.”
Hai kho vũ khí ở Colorado và Kentucky là hai kho dự trữ cuối cùng trong số những kho dự trữ vũ khí hóa học của đất nước đã bị tiêu hủy. Các địa điểm khác bao gồm các cơ sở ở Alabama, Arkansas, Oregon, và Utah.
Ông Michael Abaie, giám đốc điều hành Chương trình Lắp ráp Vũ khí Hóa học Thay thế của Ngũ Giác Đài, cho biết các cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học, sẽ bước vào giai đoạn đóng cửa trong ba đến bốn năm tới.
Trong một tuyên bố, ông Abaie nêu rõ: “Điều này bao gồm tiêu hủy các loại chất thải thứ cấp, loại bỏ chất độc đồng thời loại bỏ các cơ sở và thiết bị, thanh lý tài sản, phá dỡ một số cơ sở, cũng như kết thúc các hợp đồng và giấy phép môi trường. Trong thời gian kết thúc hoạt động, sự an toàn của lực lượng lao động, cộng đồng và môi trường, sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của chương trình.”
Công ước Vũ khí Hóa học
Trong một tuyên bố của mình, ông Biden nêu rõ việc loại bỏ kho vũ khí hóa học cuối cùng “không chỉ thực hiện tốt cam kết lâu dài của chúng ta theo Công ước Vũ khí Hóa học” mà còn “đánh dấu lần đầu tiên một cơ quan quốc tế xác nhận việc tiêu hủy toàn bộ danh mục vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được công bố.”
Công ước Vũ khí Hóa học là một hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế được Hoa Kỳ phê chuẩn vào năm 1997 và được 193 quốc gia tham gia. Hiệp ước cấm các thành viên phát triển, sản xuất, mua, tàng trữ, lưu giữ, hoặc chuyển giao vũ khí hóa học.
Ông Biden kêu gọi Nga và Syria “quay lại tuân thủ” công ước này và “thừa nhận các chương trình không được khai báo của họ, vốn đã được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công và hành động tàn bạo trắng trợn.” Ông cũng kêu gọi bất kỳ quốc gia chống đối nào tham gia hiệp ước.
Thông báo hôm thứ Sáu được đưa ra khi chính phủ ông Biden cũng đã quyết định chuyển cái gọi là “bom, đạn chùm” cho Ukraine. Các loại bom đạn này sau khi khai hỏa, sẽ bung ra ở trên không và văng ra một số loại thiết bị nổ nhỏ hơn (gọi là bom con) trên một diện tích rộng, có khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu. Loại bom này có thể được bắn ra từ phi cơ, pháo, và hỏa tiễn.
Hai phần ba các nước NATO đã cấm loại vũ khí này vì chúng có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người dân.
Bản tin có sự đóng góp của Michael Clements và The Associated Press
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times