Hoa Kỳ tiếp tục thực thi Chính sách Trung Quốc, phản ánh sự phản đối rộng hơn trên quy mô toàn cầu đối với Trung Cộng
Sự phản đối trên quy mô toàn cầu nhằm chống lại Trung Cộng đã khiến chính phủ ông Biden phải điều chỉnh lại chính sách Trung Quốc của mình, một chuyên gia về Trung Quốc cho biết, sau nhận xét gần đây của ông Kurt Campbell–điều phối viên về chính sách Á Châu của ông Biden–về mối bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
“Thời kỳ được mô tả rộng rãi là sự kết giao nay đã chấm dứt,” ông Campbell cho biết tại một sự kiện do Đại học Stanford tổ chức vào ngày 26/05. Ông nói thêm rằng giờ đây Hoa Kỳ đang vận hành một “hệ các tham số chiến lược mới” có liên hệ đến Trung Quốc, và “mô hình chủ đạo sẽ là sự cạnh tranh.”
Bình luận của ông Campbell được đưa ra trong cùng ngày, khi Tổng thống Joe Biden chỉ thị các đặc vụ tình báo nỗ lực “gấp bội” trong việc tìm ra nguồn gốc của virus Trung Cộng—hành động này đã vấp phải sự phản đối từ phía Bắc Kinh.
Ông Trần Vệ Kiện (Chen Weijian), tổng biên tập tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring) có trụ sở tại New Zealand, nhấn mạnh rằng ông Campbell giống như nhiều quan chức khác trong nội các của ông Biden từng phục vụ dưới thời chính phủ của ông Obama. Ông cho biết chiến lược của ông Campbell là vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc, điều mà ông cho là không khác gì các chính sách dưới thời ông Obama.
Ông Trần nói với The Epoch Times rằng, “Thông thường, một chính trị gia sẽ không tình cờ thay đổi chính sách mà họ đã đề ra.”
Nhưng theo ông Trần, có vẻ như “xu thế lớn hơn có uy lực hơn ý định của con người.”
“Toàn bộ xã hội quốc tế đang thay đổi. Nó phản ánh các chính sách trước đây đối với Trung Cộng,” ông cho biết khi lưu ý đến việc Liên minh Âu Châu (EU) đình chỉ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, và một số biện pháp gần đây của Hoa Kỳ nhằm chống lại Bắc Kinh, do sự lạm dụng của nhà cầm quyền này đối với người dân Trung Quốc và các nhóm sắc tộc khác đang sinh sống tại Trung Quốc.
Trong gần nửa thế kỷ qua, Hoa Thịnh Đốn đã theo đuổi chính sách kết giao với Trung Cộng, kể từ khi cựu Tổng thống Richard Nixon đến thăm Trung Quốc vào năm 1972. Chính sách này được coi là một thất bại dưới thời chính phủ của ông Trump. Hồi tháng 07/2020, Cựu Ngoại trưởng Pompeo cho rằng chính sách này đã không “đem lại phần nào những thay đổi bên trong Trung Quốc mà Tổng thống Nixon từng hy vọng sẽ tạo ra.”
“Mô hình kết giao mù quáng với Trung Quốc ngày trước đơn giản là sẽ không được thực hiện. Chúng ta không được tiếp tục thực thi và cũng như không được áp dụng trở lại chính sách này,” ông Pompeo nói trong bài diễn văn tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California.
Theo ông Campbell, giờ đây Trung Cộng đang thúc đẩy “quyền lực cứng” của mình trong nhiều lĩnh vực, điển hình như “chiến dịch kinh tế” chống lại Úc, thực thi lập trường ngoại giao mang tính đối đầu với các nước đối tác, được gọi là “ngoại giao sói chiến,” các cuộc đụng độ quân sự ở biên giới Trung-Ấn, hành động gây hấn quân sự ở Biển Đông và chống lại Đài Loan.
Ông Campbell chỉ đích danh lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình, người mà ông mô tả là “có ý thức hệ sâu sắc nhưng thực ra không mấy thiện cảm,” là người thúc đẩy Trung Cộng “đóng một vai trò khẳng định hơn” trên toàn thế giới.
Ông Campbell nói rằng, “Ông ta đã gần như tháo dỡ hoàn toàn và tuyệt đối 40 năm cơ chế, đã được tạo ra một cách cẩn thận và phức tạp cho sự lãnh đạo tập thể.”
Ông Trần nói rằng việc Trung Cộng che đậy đại dịch có thể đã góp phần đáng kể vào sự thay đổi thiện cảm từ phía Hoa Kỳ.
Những lời kêu gọi về một cuộc điều tra mới và cặn kẽ hơn về nguồn gốc của virus [Trung Cộng] đang tăng lên trong đội ngũ các nhà khoa học và giới chính trị Hoa Kỳ, trong bối cảnh các bằng chứng mới cho thấy giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm là đáng tin cậy.
“Nếu chủng virus này thực sự rò rỉ từ phòng thí nghiệm virus Vũ Hán, nhưng Trung Cộng đã phủ nhận nó và che giấu nó… thì làm thế nào để có thể tiếp tục thực hiện chính sách hợp tác-cạnh tranh như trước đây?” ông Trần thắc mắc.
Ông Campbell cho biết, Hoa Kỳ đang tìm cách triệu tập một cuộc hội đàm trực tiếp với các nước trong Liên minh bộ tứ (Quad) bao gồm Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, nhằm giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng của chế độ đỏ Trung Cộng. Ông cho biết các nỗ lực của Liên minh bộ tứ là nhằm củng cố “hệ thống điều hành” mà đất nước Hoa Kỳ yêu tự do đã giúp gây dựng ở Á Châu, vốn đã “chịu sự căng thẳng đáng kể” do tầm ảnh hưởng của Trung Cộng đang gia tăng.
Sáng kiến Vành đai và Con đường, còn được gọi là OBOR hoặc BRI, là kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ USD của Trung Cộng được khởi động vào năm 2013, nhằm mở rộng thương mại và ảnh hưởng chính trị của mình trên khắp Á Châu, Phi Châu và Âu Châu.
Ông Trần cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để phản đối sáng kiến BRI này. Ông nói: “BRI là lá bài lớn nhất của Trung Cộng trong chính sách ngoại giao những năm gần đây.” Ông cho biết với nhiều dự án chưa hoàn thành và các quốc gia mắc kẹt trong bẫy nợ nần, sáng kiến BRI sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để [bảo đảm] sự bền vững.
Trong một cuộc họp báo hôm 27/05, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), đã gọi nhận xét của ông Campbell là một hành động của Hoa Kỳ nhằm “loại trừ và kiềm chế Trung Quốc dưới danh nghĩa cạnh tranh” và “tâm lý trò chơi có tổng bằng không.”
“Đây là chuyện xưa như trái đất,” ông Trần cho biết khi đáp lại [nhận xét của ông Campell].
Ông nói: “Trung Cộng đã nói với người dân Trung Quốc rằng Hoa Kỳ là kẻ thù số một của họ. Giờ đây, nhà cầm quyền này nhận ra tình hình đang diễn ra theo hướng bất lợi cho mình, họ lại đưa những [lập luận] đó trở lại … chuyện này xưa quá rồi.”
Do Frank Fang và Eva Fu thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: