Hoa Kỳ sẽ ‘đáp trả’ nếu hiệp ước Solomon-Trung Quốc cho phép thiết lập căn cứ quân sự
Hoa Kỳ đã cảnh báo giới lãnh đạo của Quần đảo Solomon rằng họ sẽ “đáp trả thích đáng” nếu đảo quốc Thái Bình Dương này cho phép Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự theo các điều khoản trong hiệp ước an ninh Trung Quốc-Solomon.
Hôm thứ Sáu (22/04), Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng một phái đoàn cao cấp của Hoa Kỳ đã có cuộc họp với giới lãnh đạo Quần đảo Solomon ở Honiara để bày tỏ những mối lo ngại về mục đích và tính minh bạch của thỏa thuận này.
Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, giới chức của Quần đảo Solomon đã làm rõ rằng thỏa thuận an ninh này chỉ được áp dụng trong nước, nhưng phái đoàn Hoa Kỳ tuyên bố rằng hiệp ước này tạo ra “những tác động tiềm ẩn đối với an ninh trong khu vực” cho Hoa Thịnh Đốn và các nước đồng minh.
Bản tuyên bố viết, “Phái đoàn lưu ý rằng, nếu [nước này] thực hiện những hành động nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực, khả năng viễn chinh (cho phép Trung Quốc khai triển quân sự trong khu vực), hay một cơ sở quân sự trên thực tế, thì khi ấy Hoa Kỳ sẽ đưa ra những mối quan tâm nghiêm túc và sự đáp trả mạnh mẽ.”
Tòa Bạch Ốc không đi vào chi tiết cách thức phản ứng của Hoa Kỳ.
Phái đoàn Hoa Kỳ do ông Kurt Campbell, Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đặc trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, dẫn đầu.
Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã tái khẳng định rằng sẽ không có căn cứ quân sự, sự hiện diện trong dài hạn, hay khả năng viễn chinh được cho phép theo thỏa thuận với Trung Quốc.
“Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng họ sẽ theo dõi sát sao các diễn biến với sự tham vấn của các đối tác trong khu vực,” Tòa Bạch Ốc cho biết thêm.
Trong cuộc gặp giữa hai nước, Quần đảo Solomon đã chấp nhận đề nghị của Hoa Thịnh Đốn về việc khởi động “một cuộc đối thoại chiến lược cao cấp” để giải quyết những mối quan tâm chung và thúc đẩy tiến bộ thực tế, Tòa Bạch Ốc tuyên bố.
Tòa Bạch Ốc lưu ý rằng Hoa Thịnh Đốn cũng sẽ tiến hành việc mở một đại sứ quán Hoa Kỳ tại Quần đảo Solomon, điều động tàu bệnh viện Mercy đến giải quyết vấn đề y tế cộng đồng, cung cấp các loại vaccine bổ sung, và thúc đẩy các sáng kiến về “mối quan hệ giữa người dân hai nước”.
“Cả hai bên đã đồng ý thảo luận một cách chi tiết hơn về các vấn đề an ninh mà hai bên cùng quan tâm, phát triển kinh tế và xã hội, y tế cộng đồng, và tài chính và nợ,” Tòa Bạch Ốc nói thêm.
Thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc, được ký hồi đầu tuần này, gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Hoa Kỳ và đồng minh rằng Bắc Kinh có thể sử dụng hiệp ước này để thiết lập sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực và gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo một bản dự thảo bị rò rỉ của hiệp ước này, Bắc Kinh sẽ có thể điều động cảnh sát, binh lính, vũ khí, và thậm chí các chiến hạm hải quân — với sự đồng ý của Solomon— để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon.”
Quần đảo Solomon nằm ở vị trí trọng yếu và là nơi diễn ra các cuộc giao chiến lớn trong Đệ nhị Thế chiến bởi tầm ảnh hưởng của quốc đảo này đối với các tuyến đường biển. Thỏa thuận an ninh này sẽ khuếch trương tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ra ngoài Biển Đông cách thành phố Cairns ở phía bắc nước Úc trong phạm vi 1,700 km (1,060 dặm).
Hôm 18/04, Hoa Kỳ đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức của Nhật Bản, Úc và New Zealand, trong đó họ bày tỏ lo ngại về thỏa thuận Solomon-Trung Quốc. Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Thịnh Đốn lo ngại về sự thiếu minh bạch và “bản chất mơ hồ” của thỏa thuận.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Daniel Y. Teng
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: