Hoa Kỳ phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn tại Gaza
Algeria, quốc gia không có liên hệ ngoại giao chính thức với Israel, đã đưa ra nghị quyết này.
Hôm 20/02, Hoa Kỳ đã thực hiện quyền phủ quyết của thành viên thường trực đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi Israel và nhóm khủng bố Hamas ngừng bắn vĩnh viễn.
Algeria, quốc gia không có liên hệ ngoại giao chính thức với Israel, đã đưa ra nghị quyết này.
“Hôm nay, chúng tôi gửi đến quý vị thông điệp là cộng đồng quốc tế nên đáp lại lời kêu gọi chấm dứt việc sát hại người Palestine bằng cách kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức,” Đại sứ Algeria Amar Bendjama nói với Hội đồng Bảo an sau cuộc bỏ phiếu thất bại nói trên.
Vương quốc Anh, cũng có quyền phủ quyết của thành viên thường trực, đã bỏ phiếu trắng trong khi 13 thành viên bỏ phiếu ủng hộ. Trong khi Hội đồng Bảo an quy định phải có chín phiếu để thông qua một dự thảo nghị quyết, thì quyền phủ quyết của Hoa Kỳ sẽ tự động lấn át khối đa số. Ngoài Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, Trung Quốc và Nga cũng có quyền phủ quyết của thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đưa ra một nghị quyết thay thế của Hội đồng Bảo an kêu gọi ngừng bắn tạm thời. Việc có bỏ phiếu cho nghị quyết này hay không vẫn còn phải được xác định.
Dự thảo của Hoa Kỳ cũng kêu gọi Israel không tiến hành một chiến dịch quân sự vào thành phố Rafah của Gazan, giáp biên giới Ai Cập, vì làm như vậy “sẽ gây tổn hại thêm cho thường dân và khiến họ phải di dời thêm, có lẽ họ phải sang các nước láng giềng.”
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói với Hội đồng Bảo an: “Trong nhiều tuần, chúng tôi đã nói rõ rằng bản nghị quyết [được đưa ra] trước hội đồng này sẽ không đạt được mục tiêu hòa bình bền vững và trên thực tế có thể đi ngược lại mục tiêu đó.”
Bà tiếp tục: “Tiến hành một cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay là mơ tưởng và vô trách nhiệm.”
“Và vì vậy, mặc dù chúng tôi không thể ủng hộ một nghị quyết có thể khiến các cuộc đàm phán nhạy cảm gặp nguy hiểm, nhưng chúng tôi mong muốn được tham gia vào một văn bản mà chúng tôi tin rằng sẽ giải quyết rất nhiều mối lo ngại mà tất cả chúng ta đều có, một văn bản có thể và nên được hội đồng thông qua để chúng ta có thể có một lệnh ngừng bắn tạm thời sớm nhất có thể, dựa trên tiền đề là tất cả các con tin đều được thả ra.”
Tuy nhiên, bà Thomas-Greenfield cho biết, một lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ “rất quan trọng để đưa viện trợ đến tay thường dân Palestine, những người đang rất cần viện trợ.”
Chính phủ Tổng thống Biden đã chống lại lời kêu gọi của những người cấp tiến về một lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel, quốc gia đã phát động một chiến dịch quân sự ở Gaza, nơi Hamas kiểm soát, để đáp trả việc những kẻ khủng bố Hamas xâm nhập vào nhà nước Do Thái hôm 07/10. Những kẻ khủng bố Hamas đã sát hại, cưỡng gian, và làm bị thương người Israel và bắt những người khác qua Gaza làm con tin. Đây là vụ thảm sát người Do Thái lớn nhất trong một ngày kể từ Holocaust.
Sau cuộc bỏ phiếu nói trên, Đại sứ Israel Gilad Erdan ví lệnh ngừng bắn với “một viên đạn bạc” (hay nói cách khác là một giải pháp kỳ diệu cho mọi vấn đề phức tạp) đối với Hamas.
“Một lệnh ngừng bắn là một ví dụ điển hình của việc trì hoãn vấn đề” sẽ cho phép Hamas lấy được đạn dược và tấn công Israel một lần nữa, ông nói.
Ông Erdan than thở và lưu ý rằng Hội đồng Bảo an chưa lên án Hamas dù chỉ một lần kể từ ngày 07/10.
“Hãy lên án Hamas với tư cách là một Hội đồng; hãy làm điều đó vì lợi ích của các con tin,” ông nói.
Trong khi đó, đại sứ Qatar tại Liên Hiệp Quốc, bà Alya Ahmed Saif Al-Thani, nói rằng thay mặt Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh — bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain — Liên Hiệp Quốc nên lên án chiến dịch quân sự được trù hoạch của Israel ở Rafah.
Bà Al-Thani nói: “Chúng ta đang sống giữa thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất mà thế giới từng chứng kiến.”
Bà nói, “Chúng tôi cũng lên án việc cưỡng bức di dời thường dân và lấy làm tiếc về việc đình chỉ tài trợ cho UNRWA.”
Hoa Kỳ đã ngừng tài trợ cho UNRWA, cơ quan của Liên Hiệp Quốc chuyên giải quyết vấn đề người tị nạn Palestine, vì nhân viên UNRWA được cho là tham gia vào vụ tấn công hôm 07/10. Đáp lại, UNRWA đã sa thải các nhân viên được cho là có liên quan đến vụ thảm sát và đang tiến hành một cuộc điều tra về các cáo buộc của Israel về việc các nhân viên UNRWA đã tiếp tay cho Hamas trong vụ tấn công.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times