Hoa Kỳ nhận thấy những xung đột quyền lực trong ĐCSTQ ảnh hưởng tới ông Tập Cận Bình
Vào thời điểm then chốt diễn ra cuộc xung đột quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cả Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đều phải đối mặt với những thách thức. Những nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm thanh trừng các quan chức cao cấp trong quân đội có vẻ đang gia tăng, với các báo cáo chưa được xác thực cho thấy bốn trong số bảy thành viên của Quân ủy Trung ương (Central Military Commission, CMC) đang gặp nguy hiểm.
Ông Rahm Emanuel, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, đã làm một việc hiếm hoi là đưa ra bình luận trên trang truyền thông xã hội X, ví von toàn bộ nội các của ông Tập Cận Bình với các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “And Then There Were None” (Và Rồi Chẳng Còn Ai) của nữ văn sĩ Agatha Christie.
Ngoài ra, trong bối cảnh nội bộ ĐCSTQ vẫn đang hỗn loạn, Đại sứ Emanuel một lần nữa hướng sự chú ý đến ông Tập Cận Bình, công khai gán mác ông Tập là “kẻ bất tài” về kinh tế và “kẻ thất bại” về ngoại giao. Đồng thời, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock công khai chỉ trích ông Tập bằng cách gọi ông là một “kẻ độc tài.”
Các thành viên Quân ủy Trung ương gặp rắc rối
Hiện vẫn còn những tin đồn cho rằng bốn trong số bảy thành viên của Quân ủy Trung ương có thể đang phải đối mặt với những rắc rối. Quân ủy Trung ương gồm bảy thành viên, trong đó ông Tập là chủ tịch, ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) và ông Hà Vệ Đông (He Weidong) là phó chủ tịch. Bốn thành viên còn lại, gồm có ông Lý Thường Phúc (Li Shangfu), ông Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin), ông Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), và ông Miêu Hoa (Miao Hua), đều là những thân tín của ông Tập.
Có những dấu hiệu đáng chú ý cho thấy ông Tập đang gia tăng thanh trừng đối với những quan chức cao cấp trong quân đội. Ví dụ hôm 15/09, quân đội ĐCSTQ đã tổ chức hội nghị giáo dục “Tư tưởng Tập Cận Bình.” Những người đến tham dự hội nghị gồm có Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hà Vệ Đông, hai thành viên Miêu Hoa và Trương Thăng Dân. Điều đáng chú ý là thành viên Quân ủy Trung ương Lưu Chấn Lập, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Lý Thường Phúc (được cho là đang bị điều tra), và Phó Chủ tịch Trương Hựu Hiệp đều vắng mặt.
Ông Lưu Chấn Lập, là vị tướng trẻ tuổi nhất trong quân đội ĐCSTQ, đóng một vai trò trong cuộc chiến tranh Trung-Việt dưới sự chỉ huy của tướng Trương Hựu Hiệp — phó chủ tịch đầu tiên của Quân ủy Trung ương và đã trực tiếp tham gia cuộc Chiến tranh Việt Nam. Sự vắng mặt đáng chú ý của ông tại cuộc họp Quân ủy Trung ương gần đây trong giai đoạn nhạy cảm này cho thấy rằng tương lai của ông tại ĐCSTQ là điều chưa thể biết chắc.
Ngoài ông Lưu Chấp Lập, một thành viên quan trọng khác trong Quân ủy Trung ương là ông Trương Thăng Dân, đảm nhận chức thư ký của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương, cũng đang bị giám sát. Mặc dù ông Trương vẫn có mặt trong cuộc họp hôm 15/09, nhưng một số nguồn tin chưa xác thực cho cho thấy ông đã gặp chuyện một ngày sau đó.
Hôm 18/09, nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), người trước đó đã đưa tin trên X rằng ông Lý Thường Phúc ngã ngựa, một lần nữa đăng bài trên X để cho biết ông Trương Thăng Dân đã phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng hôm 16/09. Nếu sự việc này được chứng minh là đúng, thì những người được ông Tập Cận Bình bổ nhiệm vào Quân ủy Trung ương năm nay chỉ còn lại ông Hà Vệ Đông và ông Miêu Hoa [là bình an vô sự.]
Đồng thời, cũng vào hôm 18/09, cựu quan chức trong Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Hàn Liên Triều (Han Lianchao) tiết lộ trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng ông Trương Thăng Dân đã bị bắt tại nhà riêng để điều tra vào nửa đêm hôm 16/09. Ông Trương Thăng Dân từng giữ chức vụ Chính ủy tại Bộ Bảo đảm Hậu cần Quân ủy Trung ương Trung Quốc và việc này có thể liên quan đến vụ án của ông Lý Thường Phúc.
Trong cuộc họp Quân ủy Trung ương hôm 15/09, ba trong số bảy thành viên đã vắng mặt, thêm vào đó, một thành viên được cho là sau đó đã gặp rắc rối càng cho thấy điều này trở nên đáng chú ý và hiếm khi xảy ra.
Xung đột quyền lực khốc liệt trong giới lãnh đạo cao cấp
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chiến dịch chống tham nhũng trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã thanh trừng phần lớn thế lực của phe ông Giang Trạch Dân trong các cấp bậc cao nhất của đảng. Khi ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ ba, thế lực của phe ông Tập đã hoàn toàn được củng cố đến trung tâm quyền lực.
Mặc dù nhiều người đoán rằng các nỗ lực chống tham nhũng có thể suy giảm trong nhiệm kỳ thứ ba của ông, nhưng một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn đã xuất hiện và nhắm vào những nhân vật chủ chốt được đích thân ông Tập Cận Bình đề bạt, trong đó có ông Tần Cương, ông Lý Thường Phúc, các quan chức cao cấp của Lực lượng Hỏa Tiễn, và các thành viên của Quân ủy Trung ương.
Những diễn biến gần đây đã đặt ra nghi vấn về ý định thực sự của ông Tập Cận Bình trong việc chống tham nhũng và tình thế hiện tại của ông, làm dấy lên nhiều suy đoán khác nhau.
Ông Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian), một ký giả kỳ cựu đến từ Hoa lục, là người đầu tiên loan tin về việc ông Lý Thường Phúc bị điều tra. Hôm 15/09, trích dẫn các nguồn tin trong nước, ông Triệu là người duy nhất tiết lộ rằng sau khi bị bắt, ông Lý Thường Phúc đã nhanh chóng nhận tội và thừa nhận có dính líu đến tám cán bộ khác của Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Sáu người trong số họ giữ chức vụ cấp phó bộ, và hai người còn lại giữ chức vụ cấp chi cục.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) hôm 16/09, ông Triệu đã chỉ ra rằng truyền thông phương Tây thường có quan niệm sai lầm về những thách thức mà các quan chức quân sự và ngoại giao phải đối mặt, đồng thời khẳng định rằng những sự việc này không còn là vấn đề “tham nhũng” đơn thuần.
Ông nhấn mạnh rằng tình huống này liên quan đến việc thể hiện lòng trung thành, các liên minh chiến lược, và các cuộc chiến ý thức hệ vốn sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Trung Quốc. Ông Triệu Lan Kiện lập luận rằng việc cho rằng những sự kiện này chỉ là chống tham nhũng là quá đơn giản hóa vấn đề, vì tham nhũng là tình trạng phổ biến trong bộ máy hành chính và quân sự của Trung Quốc. Ông cho rằng chính quyền ông Tập Cận Bình chỉ lợi dụng ‘tham nhũng’ như cái cớ để giải quyết những thách thức nhiều mặt.
Giáo sư Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả pháp lý tự do nổi tiếng gốc Hoa hiện đang cư trú tại Úc, đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times. Ông tiết lộ rằng những những người trong đảng đã chia sẻ thông tin cho ông, cho biết cựu Tư lệnh Lực lượng Hỏa Tiễn Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) đã bị chính thư ký của mình trình báo lên Quân ủy Trung ương là “hai mang.” Ông Lý Ngọc Siêu trên bề mặt thì ủng hộ chiến lược hành động quân sự tại Đài Loan của ông Tập Cận Bình, nhưng lại bí mật liên kết với các đồng sự trong Lực lượng Hỏa Tiễn, những người ủng hộ quan điểm của cựu Thượng tướng Không quân Lưu Á Châu (Liu Yazhou). Ông Lưu Á Châu tin rằng hiện thời việc phát động một cuộc tấn công vào Đài Loan có thể sẽ dẫn đến thất bại.
Ông Viên Hồng Băng và cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đều là cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh. Ông đã có chút giao tình với ông Tập Cận Bình. Ông Viên Hồng Băng chia sẻ rằng ông Tập Cận Bình xem lời tố cáo này là bằng chứng cho thấy Lực lượng Hỏa Tiễn không trung thành về mặt chính trị và phản đối những sắp xếp chiến lược của ông đối với xung đột ở Eo biển Đài Loan. Sau đó, ông Tập Cận Bình đã khởi xướng một cuộc thanh trừng toàn diện trong Lực lượng Hỏa Tiễn.
Đại sứ Hoa Kỳ công khai chỉ trích ông Tập Cận Bình
Trước biến động chính trị đang diễn ra trong ĐCSTQ, Đại sứ Emanuel đã làm một việc bất thường là công khai chỉ trích ông Tập Cận Bình, lên án chính quyền của ông Tập là loạn bát nháo.
Trong một tuyên bố gần đây, Đại sứ Emanuel đã chỉ trích ông Tập Cận Bình một cách thẳng thừng, gán mác cho ông Tập là “nhà quản lý kinh tế bất tài, thất bại trong chính sách ngoại giao và chẳng khác gì kẻ xảo quyệt vênh vang có một chính phủ loạn bát nháo.”
Cùng lúc đó, hôm 14/09 Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi ông Tập Cận Bình là một “kẻ độc tài”, đồng thời bày tỏ lo ngại về những mối quan hệ mật thiết với các nhà độc tài khác trên toàn thế giới nếu Nga thắng thế trong cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là bà Baerbock không phải là nhân vật duy nhất gọi ông Tập Cận Bình là kẻ độc tài. Hôm 20/06, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng gọi Tập Cận Bình là một “kẻ độc tài” trong một sự kiện ở California và từ chối rút lại tuyên bố, khẳng định rằng đó không phải là lỡ lời.
Việc các quan chức cao cấp trong các chính phủ phương Tây đưa ra những lời chỉ trích công khai như vậy đối với nhà lãnh đạo ĐCSTQ là hết sức bất thường. Tiến sĩ Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một chuyên gia lỗi lạc về chính trị Trung Quốc và Mỹ, cũng là một nhà sử học và học giả văn hóa nổi tiếng, tin rằng sự kiện này báo hiệu một điều “bất bình thường.” Ông cho rằng Hoa Kỳ có thể đã nhận thấy một cuộc tranh quyền khốc liệt đang diễn ra trong nội bộ hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSTQ, do đó cần phải bày tỏ lập trường rõ ràng.
Hoa Kỳ đã từng can thiệp vào những cuộc tranh đoạt quyền lực của ĐCSTQ
Hôm 18/09, ông Trương đã làm nổi bật việc Hoa Kỳ từng can thiệp vào các cuộc tranh đoạt quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ tại những thời điểm then chốt trong vài thập niên vừa qua trong lịch sử. Ông nhấn mạnh, “Mỗi khi một cuộc tranh giành quyền lực ở cấp cao nhất của ĐCSTQ xảy ra và tính hợp pháp của nhà lãnh đạo cao nhất bị nghi ngờ, thì nhà lãnh đạo đó lại mong muốn Hoa Kỳ ủng hộ cho tính hợp pháp của mình.”
Trong một số trường hợp xảy tra trong quá khứ, chẳng hạn như trong vụ án ông Lâm Bưu (Lin Biao) và vụ Quảng trường Thiên An Môn, những nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ để giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị của họ.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, khi sự việc ông Lâm Bưu tách khỏi ông Mao Trạch Đông đã gây ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng, ông Mao đã tìm kiếm tính hợp pháp bằng cách mời Tổng thống Hoa Kỳ đương thời — ông Richard Nixon đến thăm Trung Quốc vào năm 1972. Ông Trương cho rằng đây là biện pháp được ông Mao thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của mình.
Tương tự, sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông Đặng Tiểu Bình phải đối mặt với áp lực to lớn trong nước và quốc tế, dẫn đến uy tín chính trị của ông bị suy giảm. Tuy nhiên, việc cựu Tổng thống George H.W. Bush ngầm trợ giúp ông đã giúp giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây một cách nhanh chóng. Những sự kiện lịch sử này nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc Hoa Kỳ tham gia vào các cuộc tranh giành quyền lực quan trọng trong nội bộ ĐCSTQ.
Ông Trương cho rằng lời chỉ trích mạnh mẽ của Đại sứ Emanuel đối với ông Tập Cận Bình có thể phản ánh sự đồng thuận giữa các quan chức cao cấp trong chính phủ Đảng Dân Chủ. Bằng cách công khai chỉ trích ông Tập, họ có ý định thể hiện sự ủng hộ của mình đối với sự thay đổi ban lãnh đạo trong ĐCSTQ. Lập trường này đặt ông Tập Cận Bình vào thế bấp bênh, khiến ông quyết định cử ông Vương Nghị đến gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan, có thể với mục đích khôi phục mối bang giao với Hoa Kỳ và giành lại sự ủng hộ của nước này.