Hoa Kỳ: Lưỡng đảng phản ứng trước tin đồn về bản cáo trạng truy tố ông Trump
Mặc dù có những lý do khác nhau, nhưng cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đều không lấy làm ngạc nhiên trước những bản tin hôm 07/06 cho biết có những tin đồn lan truyền rằng cựu Tổng thống Donald Trump có thể sớm bị truy tố về việc giải quyết các tài liệu mật.
Trước đó trong cùng ngày, hãng thông tấn Just the News tường thuật rằng các công tố viên liên bang đã thông báo cho ông Trump rằng ông là một “mục tiêu tội phạm” và có khả năng bị truy tố sớm nhất là trong tuần này. Bản tin này, mà The Epoch Times chưa xác nhận, đã trích dẫn các nguồn ẩn danh tuyên bố là biết rõ vụ việc này.
Khi tin tức về bản tin nói trên lan truyền đến Capitol Hill, các nhà lập pháp đã cân nhắc về khả năng vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với các cáo buộc liên bang.
“Không có gì có thể làm tôi ngạc nhiên từ Bộ Tư pháp này, không có gì cả,” Thượng nghị sĩ Kevin Cramer (Cộng Hòa-North Dakota) nói với The Epoch Times. “Ý tôi là, họ đã cho thấy họ rất đảng phái và chính trị … thật bi thảm.”
Đồng tình với quan điểm đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) cho biết ông nghĩ việc Bộ Tư pháp nhắm mục tiêu vào ông Trump không phải là một điều gì đáng ngạc nhiên.
“Vì cách họ vũ khí hóa hệ thống tư pháp hình sự đã dẫn đến sự mất lòng tin ngày càng tăng về căn bản đối với các thể chế ở đất nước chúng ta,” ông nói. “Và giờ đây, họ đang nỗ lực liên tục để theo đuổi ông ấy, vì vậy tôi nghĩ họ sẽ gặp rất nhiều sự phản kháng và nhiều sự hoài nghi.”
Vị cựu tổng thống hiện là đối tượng của bốn cuộc điều tra hình sự, trong đó có hai cuộc điều tra liên bang do Biện lý Đặc biệt Jack Smith dẫn đầu.
Ông Smith được Tổng chưởng lý Merrick Garland bổ nhiệm hồi tháng 11/2022 để dẫn đầu không chỉ cuộc điều tra về các tài liệu nói trên mà còn cả cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về việc liệu ông Trump hoặc những người khác có can thiệp vào quá trình chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa sau cuộc bầu cử năm 2020 hay không.
Ông Trump cũng là mục tiêu của một cuộc điều tra bầu cử tương tự ở tiểu bang Georgia và đang bị Biện lý Quận Manhattan Alvin Bragg truy tố với cáo buộc làm sai lệch các hồ sơ kinh doanh.
Mặc dù không ngạc nhiên trước những tin đồn rằng ông Trump có thể phải đối mặt với một bản cáo trạng khác, nhưng Thượng nghị sĩ Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois) lại có một lời giải thích khác với các đồng sự của mình về lý do tại sao.
“Ông ấy cần phải chịu trách nhiệm,” ông Durbin nói, với giả định là có tội. “Không ai đứng trên pháp luật.”
Vẫn còn những người khác, như các Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) và Mazie Hirono (Dân Chủ-Hawaii), từ chối suy đoán về vấn đề này, chọn chờ xem quyết định của Biện lý Đặc biệt Jack Smith sẽ ra sao.
“Dù các bước thích hợp tiếp theo là gì thì cũng nên được thực hiện,” bà Hirono cho hay. “Và nếu điều đó có nghĩa là một bản cáo trạng, thì đó là những gì nên xảy ra.”
Bản tin
Theo các nguồn tin ẩn danh của hãng thông tấn Just the News, mới đây nhóm pháp lý của cựu Tổng thống Trump đã được thông báo rằng các cáo buộc có thể xảy ra đối với ông bao gồm các tuyên bố sai sự thật, cản trở công lý, và một vi phạm Điều 18 Chương 37 Mục 793 của Bộ luật Hoa Kỳ, vốn nghiêm cấm việc “thu thập, truyền tải, hoặc làm thất lạc” thông tin quốc phòng.
Về phần mình, ông Trump khẳng định mình vô tội trước mọi cáo buộc hình sự chống lại ông.
Ngoài ra, hãng thông tấn nói trên đã tường thuật rằng Bộ Tư pháp từ chối một yêu cầu từ nhóm pháp lý của ông Trump về việc trì hoãn các cáo buộc do có cáo buộc rằng một công tố viên hàng đầu trong vụ việc này đã tham gia vào việc giả mạo nhân chứng.
Theo cáo buộc, vị công tố viên được đề cập đã cố gắng gây ảnh hưởng đến một nhân chứng bằng cách thảo luận về vai trò thẩm phán với luật sư của nhân chứng.
Được biết, cáo buộc đó đang chờ giải quyết trước Chánh án Tòa án Địa hạt Liên bang James E. Boasberg.
Ông Trump phủ nhận các tuyên bố
Trong một phản ứng rõ ràng trước bản tin của hãng thông tấn Just the News, hôm thứ Tư (07/06), ông Trump đã phủ nhận việc ông được thông báo về một bản cáo trạng sắp xảy ra.
“Chưa có ai nói với tôi rằng tôi bị truy tố, và tôi không nên bị như vậy vì tôi không làm gì sai cả,” ông viết trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social.
Đối với việc trở thành một “mục tiêu tội phạm,” vị cựu tổng thống lưu ý rằng ông đã gánh chịu như vậy trong nhiều năm, “bắt đầu với Trò lừa bịp Nga, Nga, Nga, Báo cáo Mueller ‘Không Thông đồng,’ Trò lừa bịp Đàn hặc #1, Trò lừa bịp Đàn hặc #2, cuộc điện thoại hoàn hảo với Ukraine, và nhiều vụ lừa đảo & săn phù thủy khác.”
Bằng cách lên án nhiều cuộc điều tra này là một ‘trò hề của công lý” và là một ví dụ về sự can thiệp bầu cử, ông kêu gọi các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội xem việc tu chính tình trạng này là ưu tiên hàng đầu của họ.
Và trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, dường như họ đang chú ý đến lời kêu gọi đó.
Trong những tháng gần đây, Chủ tịch Ủy ban Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) đã đưa ra các câu hỏi về việc liệu thành kiến chính trị có ảnh hưởng đến các cuộc điều tra do ông Smith và ông Bragg dẫn đầu hay không.
Trong một bức thư ngày 01/06 (pdf) gửi Tổng chưởng lý Garland, ông Jordan bày tỏ sự lo ngại rằng nhóm của ông Smith có thể bao gồm các đặc vụ FBI mang tính đảng phái, vốn đã tham gia vào các cuộc điều tra trước đây về ông Trump, chẳng hạn như cuộc điều tra về sự thông đồng với Nga.
“Rõ ràng là Quốc hội phải xem xét các cải tổ về lập pháp đối với FBI, và Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã tham gia vào quá trình giám sát chặt chẽ để cung cấp thông tin cho các đề xướng lập pháp đó,” ông viết. “Tuy nhiên, trong thời gian tạm thời, do thành kiến chính trị đã được ghi nhận của FBI, Bộ Tư pháp phải bảo đảm rằng mọi cuộc điều tra đang diễn ra không bị ảnh hưởng độc hại bởi chính sự chính trị hóa này.”
Trình bày với các phóng viên hôm thứ Tư (07/06), Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) gợi ý rằng bất kỳ bản cáo trạng sắp tới nào đối với ông Trump đều có thể là một kết quả của việc Đảng Dân Chủ vũ khí hóa hệ thống tư pháp chống lại ông ấy.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times