Hoa Kỳ lo ngại khi Quần đảo Solomon chính thức ký thỏa thuận an ninh ‘mơ hồ’ với Trung Quốc
Hoa Kỳ đang bày tỏ mối lo ngại về “thỏa thuận mơ hồ” được ký kết giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc, viện dẫn “tính chất không xác định” của thỏa thuận này.
Hôm 20/04, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare thông báo rằng chính phủ của ông đã chính thức ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc dựa trên “một quyết định có chủ quyền” nhằm mở rộng hợp tác an ninh với nhiều quốc gia hơn.
Trong tuyên bố của mình, ông Sogavare nhắc lại rằng thỏa thuận với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng xấu hoặc phá hoại hòa bình và sự hài hòa của khu vực này.
Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn nói rằng “tính chất không xác định” của hiệp ước an ninh này là đáng báo động vì nó tuân theo mô hình của chính quyền Bắc Kinh là đưa ra các thỏa thuận “không rõ ràng” cho các nước khác.
Tòa Bạch Ốc cho biết: “Chúng tôi lo ngại về sự thiếu minh bạch và tính chất không xác định của thỏa thuận này, dựa theo mô hình Trung Quốc đưa ra các thỏa thuận không rõ ràng, mơ hồ với ít sự tham vấn trong khu vực về hoạt động đánh bắt cá, quản lý tài nguyên, hỗ trợ phát triển, và hiện nay là các hoạt động an ninh.”
Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ Kurt Campbell sẽ đến Quần đảo Solomon trong những ngày tới để nói chuyện với ông Sogavare về vấn đề này.
Hôm 18/04, Hoa Kỳ đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức của Nhật Bản, Úc, và New Zealand tại Honolulu. Theo Tòa Bạch Ốc, các quan chức này đã chia sẻ những lo ngại về khuôn khổ an ninh Solomon–Trung Quốc và “những rủi ro nghiêm trọng” của hiệp ước này đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết trong một tuyên bố rằng Úc “vô cùng thất vọng” trước việc ký kết hiệp ước Solomons–Trung Quốc và chính phủ của bà sẽ tìm kiếm “sự rõ ràng hơn nữa” về các điều khoản của thỏa thuận này.
Bà nói, “Chúng tôi tôn trọng quyền của Quần đảo Solomon trong việc đưa ra các quyết định có chủ quyền về an ninh quốc gia của họ. Quan điểm nhất quán của chúng tôi, bao gồm cả từ góc độ lợi ích quốc gia của Úc, vẫn cho rằng gia đình Thái Bình Dương luôn được đặt ở vị trí tốt nhất để đáp ứng các nhu cầu an ninh của khu vực này.”
Bộ trưởng Thái Bình Dương của Úc Zed Seselja đã đến thăm Honiara vào tuần trước và đề nghị các nhà lãnh đạo Quần đảo Solomon không nên ký hiệp ước này.
Sau diễn biến gần đây, đảng đối lập của Úc, Đảng Lao Động đã đổ lỗi cho chính phủ ông Morrison vì đã bỏ qua việc can dự vào khu vực này.
Bà Penny Wong, phát ngôn viên đối ngoại của Đảng Lao Động, nói rằng dưới thời Thủ tướng Scott Morrison, khu vực này đã trở nên “kém an toàn hơn” và có nhiều rủi ro hơn đối với Úc.
Hôm 20/04, bà nói với hãng thông tấn Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (Australian Broadcasting Corporation–ABC), “Lẽ ra chính phủ phải hành động sớm hơn. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những hoàn cảnh chiến lược mà chúng ta phải đối mặt trở nên rủi ro và bấp bênh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.”
Về bản chất, thỏa thuận này sẽ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc — với sự đồng ý của người Solomon — điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí, và thậm chí cả tàu hải quân để “bảo vệ sự an toàn cho các nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn” trong chuỗi quần đảo này.
Vị trí của Quần đảo Solomon rất quan trọng và là nơi diễn ra các cuộc giao tranh trên diện rộng trong Đệ nhị Thế chiến bởi vì ảnh hưởng của nó đối với các tuyến đường biển. Vị trí này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Bắc Kinh ra ngoài Biển Đông trong phạm vi 1,700 km (1,060 dặm) từ thành phố Cairns ở phía bắc nước Úc.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Daniel Y. Teng và Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: