Hoa Kỳ đưa 5 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì được cho là hỗ trợ quân đội Nga
Chính phủ Tổng thống Biden đã bổ sung thêm năm công ty Trung Quốc vào danh sách đen về kinh tế, ngăn chặn họ khỏi công nghệ của Hoa Kỳ vì các công ty này được cho là hỗ trợ quân đội và cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.
Trong một tuyên bố hôm 28/06, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết rằng các công ty nói trên đã cung cấp mối liên hệ với “các tổ chức đáng quan tâm” của Nga trước khi Moscow phát động cuộc tấn công vào Ukraine hôm 24/02 và “tiếp tục ký hợp đồng cung cấp cho các tổ chức của Nga bị liệt kê và bị các bên trừng phạt.”
Ông Alan Estevez, Thứ trưởng Bộ Thương mại về công nghiệp và an ninh, cho biết trong tuyên bố, “Hành động của ngày hôm nay gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các tổ chức và cá nhân trên toàn cầu rằng nếu họ tìm cách hỗ trợ Nga, thì Hoa Kỳ cũng sẽ cắt đứt mối quan hệ với họ.”
Bộ Thương mại đã đưa tổng cộng 36 tổ chức từ chín quốc gia vào “danh sách [đen các] tổ chức,” hạn chế một cách hiệu quả các công ty Hoa Kỳ xuất cảng hoặc chuyển giao sản phẩm hoặc công nghệ cho họ.
Năm doanh nghiệp Trung Quốc được thêm vào danh sách đen là Công ty TNHH Connec Electronic, Công ty TNHH King Pai Technology, Công ty TNHH Sinno Electronics, Công ty TNHH Winninc Electronic, và Công ty World Jetta (HK) Logistics. Ba công ty trong số này cũng có văn phòng tại các quốc gia khác — trong đó có Nga, Việt Nam, Lithuania, và Anh — mặc dù Bộ Thương mại gọi họ là các tổ chức có “hoạt động chính/đáng kể ở Trung Quốc.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) bày tỏ “sự phản đối kiên quyết” của Bắc Kinh đối với hành động này trong một cuộc họp báo hôm 29/06.
Mối bang giao Trung-Nga
Hành động này diễn ra trong bối cảnh các quan chức phương Tây ngày càng lo ngại về liên minh đang phát triển giữa Bắc Kinh và Moscow kể từ khi lần đầu tiên nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố một mối bang giao đối tác “không giới hạn” hôm 04/02.
Kể từ cuộc xâm lược Ukraine, Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối lên án cuộc tấn công của Moscow, bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng từ Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Các quan chức phương Tây cảnh báo rằng Bắc Kinh đã báo hiệu ý định cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Moscow cho nỗ lực chiến tranh của họ. Điều đó đã khiến Tổng thống Joe Biden cảnh báo ông Tập trong một cuộc gọi video hồi tháng Ba về “những hậu quả” khó lường nếu chế độ Trung Quốc hỗ trợ cho quân đội Nga.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên hôm 28/06 rằng ưu tiên của Hoa Thịnh Đốn đối với Bắc Kinh liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine là bảo đảm rằng chính quyền này không cung cấp thiết bị quân sự cho Nga.
Ông nói trên đường đến hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, “Ưu tiên số hai là họ không tham gia bán buôn hoặc phá hoại có hệ thống hoặc trốn tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.”
“Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy Trung Quốc hành động theo cách không phù hợp với hai nguyên tắc đó và chắc chắn là không ở quy mô liên quan đến mối liên kết kinh tế.”
Thông báo trên đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Tổng thống Biden đưa các doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen vì đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga kể từ cuộc xâm lược hồi tháng Hai.
Bộ Thương mại cũng lên án hai tổ chức Trung Quốc đã có tên trong danh sách [đen các] tổ chức kể từ năm 2018 vì “đã hỗ trợ, và tiếp tục hỗ trợ” quân đội Nga kể từ khi xâm lược Ukraine. Hai công ty này là Công ty Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu số 13 (China Electronics Technology Group Corp. 13th Research Institute – CETC 13) và tổ chức trực thuộc của nó, Công ty Công nghệ Vi điện tử (Micro Electronic Technology) ở Trung Quốc. Cả hai đều thuộc tập đoàn quốc phòng do nhà nước sở hữu CETC.
Các quan chức Bộ Thương mại không nói rõ các doanh nghiệp Trung Quốc đó đã làm những gì. Hành động này được thực hiện sau khi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cảnh báo hồi tháng Ba rằng các công ty Trung Quốc có thể bị “đóng cửa về cơ bản” nếu họ vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Nga bằng cách cung cấp vi mạch và các quân nhu khác cho Moscow.
Chính quyền Trung Quốc đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine. Nước này đã liên tục đưa ra quan điểm rằng các hành động tài chính toàn cầu chống lại Nga là không có căn cứ, do đó cung cấp cho Nga một chiếc phao cứu đắm kinh tế mang tính sống còn tại các thị trường Trung Quốc.
Bắc Kinh tiếp tục kiểm duyệt nghiêm ngặt những lời bàn tán về cuộc chiến trên các hãng thông tấn xã hội ở Trung Quốc đại lục và từ chối gọi đó là “cuộc chiến tranh” hay “cuộc xâm lược”, lặp lại y chang quan điểm của Moscow rằng đây là một “chiến dịch quân sự đặc biệt.”
Hoa Thịnh Đốn đã tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ và thực thi các quy định nói trên.
Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Quản lý Xuất cảng Thea Rozman Kendler cho biết: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động, bất kể một bên đặt trụ sở ở đâu, nếu họ vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.”
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Châu Âu.