Hoa Kỳ lên án hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với cựu quan chức của ủy ban tự do tôn giáo
Ngoại trưởng Antony Blinken đã lên án lệnh trừng phạt trả đũa của chính quyền Trung Cộng đối với một cựu quan chức của ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ, nói rằng các chiêu trò đe dọa của Bắc Kinh sẽ không ngăn cản được sự giám sát của quốc tế.
“Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đe dọa và bịt miệng những người lên tiếng vì nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm cả tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, chỉ làm khơi dậy thêm sự chú ý và giám sát của quốc tế đối với sự lạm quyền quá mức của họ,” ông Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm 27/05, một ngày sau khi chế độ này đưa một cựu ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vào danh sách đen.
Khi giải thích chi tiết về những lạm dụng [quyền lực] đó, Ngoại trưởng Blinken đã chỉ ra “những tội ác chống lại loài người và nạn diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương, cũng như sự đàn áp của chế độ này đối với những người theo tôn giáo và tâm linh, bao gồm cả Phật tử Tây Tạng, Cơ đốc giáo và các học viên Pháp Luân Công.”
Lệnh trừng phạt ngày 26/05 đối với ông Johnnie Moore, một mục sư truyền giáo đã hai lần phục vụ cho USCIRF, được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao của chính phủ TT Biden trừng phạt quan chức đầu tiên của Trung Quốc vì vai trò của ông này trong việc đàn áp môn thiền định Pháp Luân Công.
Điều này cũng khiến ông Moore trở thành ủy viên thứ ba của USCIRF bị trừng phạt theo lệnh trừng phạt trả đũa của chế độ này đối với việc [lên án] đàn áp tự do tôn giáo của Trung Quốc.
Trung Cộng, vốn theo chủ nghĩa vô thần, chỉ cho phép năm tôn giáo – Phật giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Công giáo và Cơ đốc giáo—tồn tại dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, bộ môn đã thu hút khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên theo học vào cuối những năm 1990, đã phải sống trong những mối đe dọa liên tục về giam giữ, lao động nô lệ, và thậm chí mổ cướp nội tạng kể từ khi chế độ Trung Cộng bắt đầu đàn áp môn tu luyện này vào năm 1999. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng chế độ này đã cải tiến các chiến thuật bức hại của mình thông qua chiến dịch không ngừng chống lại Pháp Luân Công và khai triển các chiến thuật đó đối với các nhóm tôn giáo thiểu số khác, chẳng hạn như người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương.
Ngoại trưởng Blinken nói rằng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả những quyền được ghi trong Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền, và thúc đẩy trách nhiệm pháp lý đối với những hành vi lạm quyền của Trung Cộng.
Ông Moore nói với The Epoch Times rằng ông coi lệnh trừng phạt này “như một biểu tượng của danh dự.”
“Tôi đã nói rằng Trung Quốc là nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới, và đó là – tôi thậm chí không nghĩ được rằng Đảng Cộng sản ở Trung Quốc lại phủ nhận sự thật đó,” ông Moore nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm (27/05). “Theo cách nào đó, họ chỉ nghĩ rằng điều này là hợp lý và các quy tắc của thế giới không áp dụng cho họ.”
Ông Moore ám chỉ rằng ông có thể đã khiến chế độ này nổi giận vì những nỗ lực ủng hộ của mình đối với các nhóm tôn giáo bị đàn áp ở Trung Quốc. Hồi tháng Một năm nay, ông đã khuyên nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden rằng nên ưu tiên vấn đề nhân quyền trong chính sách với Trung Quốc. Ông cũng “đề cử” nhà hoạt động Hồng Kông Jimmy Lai, một tín đồ Cơ đốc giáo đồng thời là chủ tờ báo địa phương Apple Daily, người đã bị bỏ tù vì tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, vào Danh sách Tù nhân Lương tâm Tôn giáo.
Ông nói rằng, “Nếu cái giá phải trả cho việc bắt một quan chức Trung Cộng phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm nhân quyền khủng khiếp là điều gì đó như thế này, vậy thì tôi rất hoan nghênh.”
USCIRF cũng tỏ ra không nao núng trước sức ép của Trung Quốc.
Chủ tịch USCIRF, bà Anurima Bhargava, cho biết lệnh trừng phạt nhắm vào ủy ban này “cùng lắm chỉ mang lại tác dụng ngược.”
“Điều này sẽ chỉ thu hút sự chú ý nhiều hơn của quốc tế đến những hành động tàn bạo và kinh hoàng mà chính quyền Trung Cộng gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, Cơ đốc nhân, học viên Pháp Luân Công và vô số công dân Trung Quốc khác.”
Phó Chủ tịch USCIRF Tony Perkins, người đã bị Bắc Kinh áp lệnh trừng phạt cùng với cựu Chủ tịch Gayle Manchin cũng như các quan chức của Canada, Anh Quốc và EU vì đã lên án gay gắt vấn đề Tân Cương, đã chúc mừng ông Moore gia nhập “một danh sách ngày càng dài các quan chức chính phủ và các nhà hoạt động nhân quyền … những người mà Chế độ Cộng sản Trung Quốc tàn bạo đã trừng phạt vì họ chỉ trích các chính sách áp bức và những vi phạm tự do tôn giáo của Trung Cộng.”
Ông Perkins nói rằng, “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế của mình để buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm tự do tôn giáo tàn bạo của họ.”
Do Eva Fu thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: