Hoa Kỳ kết thúc cuộc đàm phán ‘gay go’ với Trung Quốc ở Alaska
Các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kết thúc điều mà Hoa Thịnh Đốn gọi là các cuộc đàm phán “gay go và trực tiếp” vào hôm thứ Sáu (19/03) tại Alaska, từ đó bộc lộ rõ chiều sâu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thuở ban đầu của chính phủ TT Biden.
Ngay sau những chuyến thăm của các quan chức Hoa Kỳ tới đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, khoảng thời gian trước thềm cuộc đàm phán ở Anchorage được đánh dấu bằng một loạt hành động của Hoa Thịnh Đốn cho thấy họ đang giữ một lập trường vững chắc, cũng như lời tuyên bố thẳng thừng từ phía Bắc Kinh cảnh báo Hoa Kỳ từ bỏ ảo tưởng cho rằng quốc gia này sẽ thỏa hiệp.
“Chúng tôi đã dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán trực tiếp và gay go về một loạt các vấn đề, và đó chính xác là những gì đã diễn ra,” cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với các phóng viên ngay sau khi phái đoàn Trung Quốc rời khỏi phòng họp của khách sạn.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, đứng cạnh ông Sullivan, cho biết ông không ngạc nhiên khi Hoa Kỳ nhận phải “phản ứng phòng thủ” từ phía Trung Cộng sau khi họ nêu ra những lo ngại về những vi phạm nhân quyền của Trung Cộng ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, cũng như về các cuộc tấn công mạng [vào Hoa Kỳ] và việc gây áp lực lên Đài Loan.
Nhưng ông Blinken cho biết hai bên cũng có những mối quan tâm chung trong các vấn đề như Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu.
“Về kinh tế, thương mại, công nghệ, chúng tôi đã nói với những vị đồng cấp của chúng tôi rằng chúng tôi đang xem xét những vấn đề này với sự tham vấn chặt chẽ từ Quốc hội, từ các đồng minh và các đối tác của chúng tôi, và chúng tôi sẽ thúc đẩy họ theo phương châm hoàn toàn bảo vệ và nâng cao lợi ích cho người lao động và các doanh nghiệp của chúng tôi,” ông Blinken nói.
Các thành viên của phái đoàn Trung Quốc đã rời khách sạn mà không trò chuyện với các phóng viên.
Sau lời diễn văn khai mạc thẳng thắn vào hôm thứ Năm (18/03) của ông Blinken về sự thách thức của Trung Cộng đối với trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đả kích bằng một bài diễn văn chỉ trích nền dân chủ cùng các chính sách đối ngoại và thương mại của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Cộng “phô trương” đối với khán giả trong nước của họ, và cả hai bên đều cho rằng bên kia đã phá vỡ nghi thức ngoại giao.
Những lời khiển trách này diễn ra ngay trước ống kính, nhưng một quan chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng ngay sau khi các hãng thông tấn rời khỏi căn phòng đó, hai bên “ngay lập tức bắt tay vào việc” và đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp và thực chất.
Chuyển sang nhấn mạnh
Trong khi phần lớn chính sách về Trung Quốc của TT Joe Biden vẫn đang được xây dựng, bao gồm cả cách thực hiện thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc mà người tiền nhiệm Donald Trump của ông đã thực hiện, chính phủ của ông Biden cho đến nay đã nhấn mạnh hơn vào các giá trị dân chủ và những cáo buộc Trung Cộng vi phạm nhân quyền.
“Tôi rất tự hào về ngoại trưởng,” TT Biden nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc vào sáng hôm thứ Sáu khi được hỏi về cuộc họp của ngày trước đó.
TT Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc điện đàm đầu tiên với tư cách lãnh đạo nhà nước vào tháng trước và dường như họ bất đồng trong hầu hết các vấn đề, ngay cả khi ông Tập nói rằng việc đối đầu sẽ là một “thảm họa” đối với cả hai quốc gia. Sau cuộc điện đàm, TT Biden, người đã gọi ông Tập là “kẻ côn đồ” trong chiến dịch tranh cử của mình, đã nói rằng Hoa Kỳ cần nâng tầm bản thân khi đối mặt với thách thức từ Trung Quốc, nếu không Trung Quốc sẽ “đánh bại chúng ta.”
TT Biden đã phần nào đánh cược cách tiếp cận của mình với Trung Quốc để tái thiết lại khả năng cạnh tranh trong nội địa Hoa Kỳ.
Ông Zack Cooper, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, cho biết, “Theo tôi, chính phủ đang thử nghiệm nghi vấn liệu có thể đạt được kết quả thiết thực từ những cuộc đối thoại này hay không.”
Ông Dean Cheng tại tổ chức bảo thủ Quỹ Di sản (Heritage Foundation) cho biết ảnh hưởng toàn cầu của Trung Cộng đã phát triển đến mức họ cảm thấy mình có thể công khai nhạo báng hệ thống của Hoa Kỳ.
“Đó là cách nhìn từ quan điểm của người Trung Quốc về việc “ông cần tôi, [nhưng] tôi không cần ông,” ông Cheng nói.
Việc Trung Quốc đưa một công dân Canada ra xét xử với cáo buộc gián điệp vào hôm thứ Sáu, và khả năng tổ chức phiên tòa xét xử một người Canada khác vào thứ Hai (22/03) đã kéo theo một cuộc tranh cãi ngoại giao sâu rộng hơn giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jalina Porter đã nhắc lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc phóng thích hai người đàn ông này, Michael Spavor và Michael Kovrig, khỏi việc bị giam giữ “tùy tiện và không thể chấp nhận được.”
Quân đội Trung Quốc cũng cấm ô tô Tesla đi vào các khu phức hợp nhà ở của họ, với lý do lo ngại về an ninh đối với các camera được lắp trên xe, theo hai người đã xem bản thông báo về chỉ thị này.
Do Reuters thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: