Hoa Kỳ, Indonesia xây dựng trung tâm huấn luyện hàng hải ở vùng biên duyên của Biển Đông
Indonesia và Hoa Kỳ đang khởi công xây dựng một trung tâm huấn luyện hàng hải mới tại giao điểm chiến lược giữa Eo biển Malacca và Biển Đông, trong một hành động nhằm chống lại sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Công trình trị giá 3.5 triệu USD này đã bắt đầu khởi công ở trung tâm đảo Batam của Indonesia, tại lối vào phía nam của Eo biển chiến lược Malacca, là điểm yết hầu đối với thương mại hàng hải toàn cầu, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trung Quốc không có các điểm tiếp cận tới Ấn Độ Dương.
Cơ sở này sẽ do Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia vận hành, sẽ là nơi có các lớp học, doanh trại và bãi đáp trực thăng, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.
Tại buổi lễ hôm 25/06, Đại sứ Hoa Kỳ tại Indonesia Sung Kim cho biết trung tâm này sẽ là một phần trong nỗ lực tiếp tục giữa hai nước nhằm tăng cường an ninh trong khu vực.
Ông cho biết, “Là một người bạn và đối tác của Indonesia, Hoa Kỳ vẫn cam kết hỗ trợ vai trò quan trọng của Indonesia trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực bằng cách chống lại tội phạm trong nước và xuyên quốc gia,” theo tuyên bố của cơ quan này.
Việc xây dựng cơ sở này diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trước sự leo thang xâm lược của Trung Cộng trong khu vực. Trung Quốc có yêu sách lãnh thổ chồng chéo đối với vùng biển tranh chấp với một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Hồi đầu tháng 06/2021, có thông tin tiết lộ rằng Indonesia đã có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình lên 12 chiếc từ 4 chiếc để đối phó với việc Trung Quốc liên tục xâm nhập vào vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Indonesia coi vùng biển gần quần đảo Natuna nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này, viện dẫn cái gọi là yêu sách lịch sử về đường chín đoạn ở Biển Đông.
Indonesia tin rằng nếu quy mô của hạm đội tàu ngầm có thể được tăng lên con số 12, họ có thể tiến hành giám sát chuyên sâu trong các lĩnh vực mà khó có thể đạt được bởi tàu tuần tra, làm giảm sự hiện diện của tàu ngoại quốc xung quanh quần đảo.
Hồi tháng 04/2021, quốc gia Đông Nam Á này đã thiệt hại một tàu ngầm trong một vụ tai nạn huấn luyện, khiến toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Từ cuối tháng Tư, hàng trăm tàu Trung Quốc đã nán lại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, trong bối cảnh chính phủ Philippines liên tục phản đối.
Philippines tuyên bố quần đảo Trường Sa giàu tài nguyên là lãnh thổ của họ, nói rằng chuỗi đảo này nằm trong EEZ của mình. Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Do Alex Wu thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: