Hoa Kỳ, Indonesia khởi động cuộc đối thoại an ninh về Biển Đông phản đối sự bành trướng của Trung Quốc ‘đỏ’
Hôm 03/08, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thông báo rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang khởi động “đối thoại chiến lược” với Indonesia. Hai quốc gia này đã cam kết hợp tác trong các vấn đề như bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng trong khu vực này.
Indonesia là quốc gia lớn nhất và là nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hoa Thịnh Đốn tin rằng ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế sự bành trướng của nhà cầm quyền Trung Cộng ở Á Châu.
Mặc dù hai quốc gia này đã thiết lập một “liên kết đối tác chiến lược” vào năm 2015, nhưng đây là cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên của họ.
Hôm 03/08, ông Blinken đã gặp Ngoại trưởng của Indonesia là ông Retno Marsudi tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn để nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết đối tác song phương.
Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố rằng, “Liên kết đối tác chiến lược Hoa Kỳ-Indonesia dựa trên niềm tin căn bản vào dân chủ, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi sự đổi mới và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông Blinken đã bày tỏ với ông Marsudi rằng, “Indonesia là một đối tác dân chủ hùng mạnh đối với Hoa Kỳ; chúng ta đang cùng nhau làm việc trên rất nhiều mặt trận khác nhau.”
Ông Marsudi nói với ông Blinken rằng “mối liên kết đối tác bền chặt giữa Indonesia và Hoa Kỳ sẽ là tài sản quan trọng cho sự tham gia ngày càng tăng của Hoa Kỳ trong khu vực. Và Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng của ASEAN trong việc thực hiện triển vọng của ASEAN từ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.”
Theo tuyên bố này, ông Marsudi và ông Blinken cũng đã “bày tỏ những quan điểm chung về an ninh hàng hải” và cam kết “bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và ngăn chặn tội phạm mạng.”
Cuộc hội kiến này là một phần trong những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường hỗ trợ các đồng minh của họ ở Đông Nam Á nhằm đẩy lùi những bước tiến hung hăng trong nhiều năm của Trung Cộng, được đánh dấu bằng sự hiện diện ngày càng tăng của quân đội Trung Cộng tại các vùng biển tranh chấp.
Cuộc gặp diễn ra khi ông Blinken dự kiến tham gia một cuộc họp trực tuyến với các thành viên của ASEAN. Một số quốc gia trong khối này có các yêu sách về vùng lãnh hải với Trung Cộng ở Biển Đông. Trung Cộng coi gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này là lãnh thổ của mình, dựa trên yêu sách lịch sử đường chín đoạn, trong khi điều này trái ngược với các yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á.
Trong khi đó, bà Elaine Luria, nữ dân biểu Quốc hội kiêm phó chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện gần đây đã cho thấy Trung Cộng đang củng cố các rạn san hô nhân tạo và gửi các tàu dân quân vào vùng biển tranh chấp này. Trung Cộng cũng đang tăng cường các chiến thuật gây hấn nhắm vào Đài Loan và đe dọa các hoạt động vận tải hàng hải thương mại trong khu vực. Bà cảnh báo rằng những hành vi của các tàu Trung Cộng ở Biển Đông đang cố gắng tạo ra các điểm nghẽn mới.
Một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc nói với Reuters hôm 03/08 rằng trong chuyến thăm dự kiến của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam và Singapore vào cuối tháng này, bà sẽ tập trung vào những vấn đề về bảo vệ các luật lệ quốc tế ở Biển Đông, củng cố vai trò lãnh đạo khu vực của Hoa Kỳ, cũng như mở rộng hợp tác an ninh với các đồng minh Đông Nam Á.
Hoa Thịnh Đốn đang tìm cách xây dựng một sự hợp tác quốc tế lớn hơn để chống lại ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Cộng.
Do Alex Wu thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: