Hoa Kỳ: Đạo luật UFLPA có thể thay đổi ngành công nghiệp bông của Trung Quốc
Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (gọi tắt là UFLPA) của Hoa Kỳ (UFLPA) có hiệu lực kể từ ngày 21/06/2022. Đạo luật có khả năng tiếp cận sâu rộng này cấm các mặt hàng nhập cảng được sản xuất bởi lao động cưỡng bức ở Tân Cương, Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm bông.
Khoảng 90% bông của Trung Quốc được sản xuất ở Tân Cương, và khu tự trị này hầu như không có khả năng cung cấp bằng chứng cho thấy họ không sử dụng lao động cưỡng bức. Tình huống này có thể khiến các nhà máy dệt may của Trung Quốc tránh sử dụng nguyên liệu thô do Tân Cương sản xuất nếu họ muốn xuất cảng sản phẩm của họ, trừ khi chính quyền Trung Quốc chấm dứt chế độ nô lệ ở Tân Cương.
Hôm 09/06, Liên minh Âu Châu đã thông qua một nghị quyết lên án tội ác phản nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ và kêu gọi hạn chế nhập cảng các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Đạo luật UFLPA
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thi hành Đạo luật UFLPA kể từ ngày 21/06.
Thông cáo của Bộ ngoại giao viết, cơ quan này cam kết “tiếp tục chống lại tình trạng lao động cưỡng bức ở Tân Cương và tăng cường phối hợp quốc tế chống lại hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này.”
Đạo luật này đã được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào ngày 23/12/2021.
Trong một báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế được công bố vào ngày 02/06/2021 của Bộ Ngoại giao, cơ quan này cho biết, Hoa Kỳ ước tính rằng chính quyền Trung Quốc “đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, dân tộc Kazakh, người Hồi, và các thành viên của các nhóm Hồi giáo khác, cũng như như một số người theo đạo Công Giáo, trong các trại giam được xây dựng chuyên biệt hoặc các cơ sở giam giữ được chuyển đổi ở Tân Cương” kể từ tháng 04/2017.
Mặc dù Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi vi phạm nhân quyền, hôm thứ Ba (21/06), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi đang tập hợp các đồng minh và đối tác để làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu thoát khỏi cảnh sử dụng lao động cưỡng bức, lên tiếng chống lại những hành động tàn bạo ở Tân Cương và tham gia cùng chúng tôi kêu gọi chính quyền CHND Trung Hoa chấm dứt ngay các hành động tàn bạo và lạm dụng nhân quyền, bao gồm cả lao động cưỡng bức.”
Bông Tân Cương
Đạo luật UFLPA ảnh hưởng đến quy trình sản xuất bông ở Tân Cương, mà việc này sẽ tác động đến các doanh nghiệp dệt may sử dụng bông làm nguyên liệu thô ở Trung Quốc. Như chính quyền Trung Quốc tự hào tuyên bố, Trung Quốc là nước xuất cảng hàng dệt may lớn nhất thế giới.
Theo Statista, Trung Quốc xuất cảng hàng dệt may trị giá 154 tỷ USD trong năm 2020, chiếm 43.5% thị trường xuất cảng hàng dệt may của thế giới.
Tân Cương đất đai rộng lớn với khí hậu sa mạc thích hợp để trồng bông. Trong một bản công bố hôm 14/12/2021, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết Tân Cương sản xuất 89.5% bông của Trung Quốc trong năm, sử dụng 82.8% tổng diện tích trồng bông của quốc gia.
Theo báo cáo ngày 25/05 từ một cuộc khảo sát trên toàn quốc của Hiệp hội Bông Trung Quốc, trong năm 2022, khu vực trồng bông của Tân Cương đã sử dụng 86.4% tổng diện tích trồng bông của Trung Quốc, nghĩa là sản lượng của vùng này sẽ chia sẻ hơn 90% tổng sản lượng của cả nước.
Dãy núi Thiên Sơn chia Tân Cương thành hai miền Nam-Bắc. Ở phía bắc Tân Cương, hơn một nửa số cư dân là người Hán. Những người nông dân trồng loại bông sợi ngắn, họ cần sử dụng các loại máy móc để trồng và thu hoạch.
Ở phía nam Tân Cương, đa số người dân là người Duy Ngô Nhĩ. Bông được trồng ở đó là loại bông sợi dài, là loại bông có chất lượng tốt nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thu hoạch bông phụ thuộc vào việc hái bằng tay.
Chi phí lao động ở Tân Cương tương đối thấp. Ở khu vực phía nam và một phần phía bắc Tân Cương, việc hái bông bằng tay có thể liên quan đến sử dụng lao động cưỡng bức. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nông dân trồng bông ở phía bắc Tân Cương bắt đầu sử dụng máy móc để thu hoạch vụ mùa. Theo chính quyền Trung Quốc, 69.83% bông được thu hoạch bằng máy vào năm 2020.
Theo Đạo luật UFLPA, nhà xuất cảng nào muốn bán các sản phẩm dệt may sang Hoa Kỳ thì phải đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng sản phẩm đó không dính líu gì tới lao động cưỡng bức. Nhà xuất cảng cần cung cấp bằng chứng như vậy nếu nguồn bông đó đến từ Tân Cương bởi vì hầu hết hàng dệt may đều được làm từ bông.
Tuy nhiên, những người trong ngành dệt may cho biết Tân Cương không có dịch vụ kiểm toán độc lập nào, do đó, các nhà xuất cảng sử dụng bông Tân Cương không thể kiểm chứng rằng sản phẩm của họ hoàn toàn không liên quan đến sử dụng lao động cưỡng bức.
“Về căn bản, đạo luật này sẽ đóng vai trò là một lệnh cấm vận thương mại đối với hàng hóa có đầu vào từ Tân Cương,” ông Doug Barry, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông và xuất bản của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, nói với tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) hôm 20/06.
Ngành công nghiệp bông của Trung Quốc
Theo báo cáo của Hiệp hội Bông Trung Quốc (CCA) hôm 21/12/2018, là nhà sản xuất, tiêu dùng và xuất cảng hàng dệt may lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã sản xuất 54.3 triệu tấn sợi trong năm 2017, trong đó hơn 20 triệu tấn đã được xuất cảng sang các nước khác.
Theo một báo cáo của CCA, 36.8% sợi của Trung Quốc được xuất cảng và Hoa Kỳ là nhà nhập cảng lớn nhất của Trung Quốc.
Đồng thời, Trung Quốc nhập cảng bông từ Hoa Kỳ, Brazil, Ấn Độ, Úc, và các nước khác. Theo Trung tâm Thông tin Bông Quốc gia Trung Quốc, 25% bông của Trung Quốc được sử dụng trong năm 2021 đã được nhập cảng và tỷ lệ này sẽ giảm xuống 24% vào năm 2022 do giá bông tăng cao trên thị trường toàn cầu.
Để đáp ứng sản lượng xuất cảng hàng dệt may, Trung Quốc cần nhập cảng nhiều bông hơn vì bông Tân Cương không đủ tiêu chuẩn xuất cảng sang Hoa Kỳ.
Tác động của Đạo luật UFLPA
“Đạo luật UFLPA rất tốt cho người Trung Quốc và chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Vương Hách (Wang He), nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 22/06.
Ông Vương tin rằng không phải tất cả các công ty dệt may Trung Quốc đều có thể mua được bông đủ tiêu chuẩn ngay lập tức để sản xuất các sản phẩm xuất cảng, mà họ phải tự mình tìm cách nâng cao chất lượng vì ngày càng nhiều quốc gia và khu vực sẽ theo chân Hoa Kỳ và cấm các sản phẩm lao động cưỡng bức.
Hồi tháng Sáu, bà Laura Murphy, giáo sư nhân quyền tại Đại học Sheffield Hallam, Anh quốc, nói với Đài BBC: “Tôi nghĩ rằng người dân EU sẽ bàng hoàng khi biết rằng [EU] vẫn chưa có một lệnh cấm nào đối với các sản phẩm được biết là đã được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.” Bà nói, “EU cũng cần phải dẫn đầu trong việc thông qua quy định thẩm định về nhân quyền. Cả hai công cụ này đều cần thiết để bảo đảm rằng các công ty giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức và các hành vi lạm dụng khác trong chuỗi cung ứng của họ.”
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, ngành dệt may đóng góp 11.4% sản phẩm xuất cảng của Trung Quốc trong năm 2020, trị giá 296 tỷ USD.
Ông Vương nhận xét: “Việc không thể sử dụng bông Tân Cương cho ngành xuất cảng hàng dệt may là một thảm họa đối với chính quyền Bắc Kinh. Nền kinh tế của Trung Quốc bị tổn thất nặng nề bởi chính sách zero COVID-19 linh hoạt của chính quyền vì các thành phố lần lượt bị phong tỏa và người dân không được phép làm việc. Quốc gia này lệ thuộc vào ngành dệt may vì hàng dệt may xuất cảng của Trung Quốc kiếm được gần 300 tỷ USD mỗi năm và đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Trung Quốc.”
Ông Vương cho biết, các nhà nhập cảng có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các lựa chọn thay cho hàng dệt may do Trung Quốc sản xuất trên thị trường toàn cầu trong một thời gian. Nhưng về lâu dài, thế giới này sẽ được hưởng lợi ích.
“Trên thực tế, Đạo luật UFLPA buộc các thương hiệu quốc tế, chẳng hạn như H&M và Nike, phải tìm kiếm các nhà sản xuất đồ dùng gốc (OEM) ở các quốc gia khác. Điều này có thể làm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển khác trở nên hưng thịnh.”
Ngoài bông, Đạo luật UFLPA cũng sẽ ảnh hưởng đến polysilicon, a-silicon, và silicon vô định hình được sử dụng trong ngành quang điện. Theo Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc, Trung Quốc chiếm 97.3% lượng silicon toàn cầu được sử dụng cho ngành quang điện vào năm 2021. Theo bản tin ngày 28/12/2021, Nhật báo Tân Cương do nhà nước điều hành cho biết, Tân Cương chiếm 58.9% sản lượng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng hàng hóa do lao động cưỡng bức sản xuất từ năm 1930, là thời điểm mà điều khoản 307 của Đạo luật Thuế quan có hiệu lực. Hôm 13/06, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã thông báo trên trang web của họ về hiệu lực của Đạo luật UFLPA và ban hành bản hướng dẫn khai triển cho các nhà nhập cảng.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.