Hoa Kỳ đang trong ‘những giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới’ với Trung Quốc
Theo Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Hoa Kỳ đang “trong những giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc,” và Trung Cộng phải thay đổi hướng đi nếu muốn cải thiện mối bang giao với Hoa Thịnh Đốn.
Nhà lập pháp này đưa ra bình luận sau khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hồi đầu tuần này đã mô tả mối bang giao “hoàn toàn rối loạn chức năng” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi hai quốc gia này chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chích vaccine ngừa COVID-19.
“Nếu Trung Quốc muốn có mối bang giao tốt hơn với Hoa Kỳ, chúng tôi hoan nghênh điều đó, nhưng điều đó nằm trong tầm kiểm soát của họ,” ông Gallagher nói với NTD, hãng truyền thông liên kết với The Epoch Times.
“Họ không thể đe dọa xâm lược Đài Loan, họ không thể thực hiện một cuộc diệt chủng,” ông Gallagher nói, ám chỉ đến việc giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung của Tân Cương. “Và họ có thể ngừng việc đi khắp thế giới ép buộc tất cả những ai cả gan đặt câu hỏi về những vi phạm nhân quyền của họ.”
Ông Ilshat H. Kokbore, giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới – một nhóm vận động, cũng có quan điểm tương tự.
Không quốc gia nào muốn có chiến tranh lạnh, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến đó sẽ không xảy ra, ông Kokbore nói với The Epoch Times.
Xung đột nảy sinh từ những khác biệt căn bản về các giá trị giữa hai cường quốc này: Hoa Kỳ nhấn mạnh quyền con người, trong khi nhà cầm quyền đó lại tập trung vào quyền lực, ông Kokbore cho biết. Ông nói rằng về các vấn đề như các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, và sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh về nguồn gốc COVID-19, nhà cầm quyền này đang gây thù chuốc oán với các nước trên khắp thế giới.
“Vấn đề không phải là ai đó muốn hay không. Một cuộc chiến tranh lạnh đã đang diễn ra rồi,” ông cho biết. Với việc Bắc Kinh tiếp tục đi trên con đường tương tự, thì một cuộc chiến là không thể tránh khỏi, ông nói thêm.
Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ ý tưởng chiến tranh lạnh và mô tả các điều khoản song phương là một tình huống “không phải xung đột, mà là cạnh tranh.”
Trong bài diễn văn hôm 21/09 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, bài diễn văn đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden nói, “Chúng ta không nhắm tới một cuộc chiến tranh lạnh mới hay một thế giới bị chia cắt thành các khối cứng nhắc,” mặc dù ông đã không đề cập đến các quốc gia cụ thể.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối ngày hôm đó đã tận dụng cuộc họp đó để đưa ra những lời chỉ trích Hoa Kỳ, sử dụng những từ ngữ như “sự can thiệp quân sự từ bên ngoài” để ám chỉ rõ ràng về cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan.
Những nhận xét của ông Biden, và việc bỏ sót dễ thấy về “Trung Quốc” khiến một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa thất vọng, những người nói rằng ông Biden đang mềm mỏng và xoa dịu Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) nói với The Epoch Times, “Không ai muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh lạnh. Tôi ước chúng ta có thể coi Trung Quốc không phải là một quốc gia địch thủ, nhưng điều đó không thực tế.”
Trước bài diễn văn của TT Biden tại Liên Hiệp Quốc, Dân biểu Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) bày tỏ sự thất vọng rằng “Tổng thống Biden đã cho thấy sự không sẵn lòng đứng lên chống lại Trung Quốc.”
“Chúng tôi đã thúc đẩy hơn một năm nay để có một phiên điều trần căn bản về nguồn gốc của COVID-19,” ông nói với NTD, lưu ý rằng chính phủ TT Trump đã cứng rắn với Trung Quốc về thương mại và đánh cắp tài sản trí tuệ.
“Đó là những điều đã từng là vấn đề trước khi có COVID. Giờ đây điều đó thậm chí còn hơn cả một vấn đề,” ông cho biết.
Trong vài năm qua, các quan chức Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã cố gắng đổ lỗi cho quân đội Hoa Kỳ là khơi mào đại dịch COVID-19.
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã công khai đả kích những người đồng cấp Hoa Kỳ của họ, trong đó có cả Ngoại trưởng Antony Blinken, tại một cuộc họp cao cấp ở Alaska hồi đầu năm nay, nói rằng Hoa Kỳ nên “thay đổi hình ảnh của chính mình và ngừng thúc đẩy nền dân chủ của bản thân mình tại phần còn lại của thế giới.” Cũng vẫn là các nhà ngoại giao đó đã yêu cầu Hoa Kỳ tránh xa “các lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh nếu Hoa Thịnh Đốn muốn có sự hợp tác của nhà cầm quyền này.
Tại Hoa Kỳ, ông Gallagher đã quan sát thấy “một ý thức hệ thức tỉnh điên rồ đang dạy cho cả thế hệ những người Mỹ rằng Hoa Kỳ là một địa ngục phân biệt chủng tộc xấu xa mà phải liên tục xin lỗi vì những tội lỗi trong quá khứ và sợ hãi cái bóng của chính mình,” và ông nói rằng các quan chức Trung Quốc đang tận dụng những ý thức hệ này để thúc đẩy nghị trình của họ.
“Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đang vin vào câu chuyện đó của cánh tả để họ có thể thuyết giảng cho các quan chức của chúng ta khi ngồi đối diện với họ ở Alaska và nói: ‘Các ông không thể chỉ trích chúng tôi về Thiên An Môn hay Tân Cương, bởi vì nước Mỹ là xấu xa—các ông cũng tệ như chúng tôi thôi,” ông nói.
“Điều đó là không thể chấp nhận được.”
“Đây là đất nước vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Và chúng ta sẽ chơi trò đuổi bắt trong cuộc chiến tranh lạnh mới này trong một thời gian dài cho đến khi chúng ta nhận ra sự thật đó và lý giải được sự tình.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: