Hoa Kỳ đang hướng đến việc hợp tác với ASEAN để đẩy lùi Trung Quốc
Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thăm Indonesia vào tuần tới để hội đàm với các đồng minh Đông Nam Á trong khi Hoa Kỳ đang tìm cách đẩy lùi các hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp.
Hôm thứ Sáu (07/07), một quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết, ông Blinken sẽ đến Indonesia để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội ngoại trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau khi kết thúc chuyến thăm đến Vương quốc Anh và Litva, nơi ông sẽ cùng Tổng thống Joe Biden tham dự các cuộc họp của NATO.
Ông Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Đông Á, nói rằng ông Blinken sẽ tổ chức các cuộc họp đa phương với các đồng minh và đối tác của ASEAN để thảo luận về việc hợp tác kinh tế, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Miến Điện, và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ông Kritenbrink cho biết Hoa Thịnh Đốn mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với khối 10 thành viên này để đẩy lùi “các hành động vô ích, cưỡng ép, và vô trách nhiệm có xu hướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.”
Ông cho biết, những quốc gia ASEAN đều có chung quan điểm rằng, tất cả các bên đưa ra yêu sách ở Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế khi khẳng định các yêu sách hàng hải của mình và hướng tới các giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên, ông Kritenbrink nói rõ rằng Hoa Kỳ không mong đợi những quốc gia này lựa chọn đứng về bên nào mà muốn bảo đảm rằng tất cả các quốc gia đều có khả năng đưa ra quyết định về chủ quyền của mình.
“Đây không phải là vấn đề lôi kéo các quốc gia phải có cùng quan điểm với Hoa Kỳ,” ông bày tỏ với các phóng viên. “Mà là bắt tay với các đối tác ASEAN của chúng tôi để thúc đẩy quan điểm và tầm nhìn chung của chúng ta đối với khu vực, đồng thời đẩy lùi các hành vi đi ngược lại tầm nhìn và các nguyên tắc đó, trong đó có nhiều hành vi vô trách nhiệm của Trung Quốc mà chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua và trong vài tuần qua.”
Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình căn cứ vào cái gọi là đường chín đoạn bất chấp các yêu sách cạnh tranh từ các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, và Brunei.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người giữ chức Chủ tịch ASEAN năm nay, đã nói rằng ASEAN phản đối bất kỳ xung đột nào ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và kêu gọi tất cả các bên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 .
“Mọi tuyên bố không có cơ sở là không nên đưa ra,” ông Widodo nói với một đài truyền hình Malaysia hôm 08/05. “[Điều quan trọng là] phải tuân thủ luật pháp quốc tế. ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy sự ổn định trong khu vực.”
Indonesia không coi mình là một bên trong vụ tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với một số khu vực trên biển chồng chéo với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
‘Điểm nóng của Hoạt động Vùng Xám’
Ông Raymond Powell, cựu quan chức Không lực Hoa Kỳ, đã mô tả Biển Đông là “điểm nóng của hoạt động vùng xám,” nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “có thể hành động mà không bị trông thấy, hay bị chú ý trực tiếp, hoặc phải chịu trách nhiệm công khai.”
“Nói chung, khi đó là một hoạt động vùng xám, thì thông điệp được gửi đến chính phủ của quốc gia có liên quan và thông điệp là: ‘Quý vị không mong muốn vấn đề này leo thang. Quý vị mong muốn mối quan hệ của mình với Trung Quốc càng đơn giản càng tốt. Vì vậy, bây giờ quý vị biết rằng chúng tôi là cơ quan tài phán ở đây, hãy ghi nhớ điều này giữa chúng ta,” ông Powell, một thành viên tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot, nói với Đài Á Châu Tự do hôm 04/07.
Ông nói, công khai những vụ việc đó sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá bằng uy tín vì đã thực hiện hành vi như vậy, mặc dù một số quốc gia có thể chọn cách giữ im lặng và cuối cùng là bình thường hóa một hoạt động vùng xám.
Ông Powell nói: “Quý vị càng bình thường hóa hoạt động vùng xám đó, thì những hành vi này càng có khả năng diễn ra nhiều hơn và đến cuối cùng quý vị sẽ tự bình thường hóa bản thân khỏi tất cả các quyền hợp pháp của chính mình và quyền hợp pháp quốc tế đối với vùng đặc quyền kinh tế của riêng quý vị.”
“Vì vậy, mỗi khi họ đi qua vùng biển của quý vị và thực hiện một cuộc khảo sát hoặc tuần tra, hoặc họ quấy rối các hoạt động dầu khí của quý vị, hoặc ngăn cản ngư dân của quý vị đánh bắt cá, và quý vị đồng ý, thì thực tế rằng quý vị không còn chịu trách nhiệm về vùng biển của mình nữa đã trở thành một điều bình thường,” ông nói thêm.
Trong những tháng gần đây, ĐCSTQ đã hành xử hung hăng hơn ở Biển Đông, bằng chứng là sự hiện diện của hơn 100 tàu dân quân biển Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines hồi tháng Tư.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times