Hoa Kỳ, Đài Loan khôi phục các cuộc đàm phán thương mại bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh
Hôm 29/06, Hoa Kỳ và Đài Loan đã nối lại các cuộc đàm phán thương mại sau 5 năm, một hành động khiến chế độ cộng sản ở Bắc Kinh tức giận, vốn luôn tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo dân chủ tự do này.
Các cuộc thảo luận được mở lại về Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA), vốn đã bị đình trệ vào năm 2016. Tại cuộc họp trực tuyến, các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cơ quan dẫn đầu các cuộc đàm phán, cho biết trong một tuyên bố rằng hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm tạo ra chuỗi cung ứng linh hoạt, chống lao động cưỡng bức và biến đổi khí hậu.
Sau cuộc họp trực tuyến, Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Đài Loan, ông John Deng, đã nhắc lại nguyện vọng của Đài Loan về một thỏa thuận thương mại song phương.
Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi bày tỏ với Hoa Kỳ rằng Đài Loan hy vọng sẽ ký được một hiệp định thương mại. Chúng tôi tin rằng nếu chúng tôi tiếp tục làm việc chăm chỉ, chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu của mình vào một ngày không xa.”
Trong khi cơ quan thương mại Hoa Kỳ cam kết tăng cường làm việc với Đài Loan và đồng ý tổ chức các cuộc họp nhóm làm việc trong tương lai, cơ quan này tránh đề cập đến các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện.
“Tại cuộc họp của Hội đồng TIFA, các quan chức Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại và đầu tư Hoa Kỳ–Đài Loan, đồng thời bày tỏ mong muốn có sự tham gia mạnh mẽ và nhất quán hơn trong tương lai”, tuyên bố của USTR viết.
Cả hai bên đều đồng thuận giải quyết các vấn đề thương mại nổi cộm, bao gồm các rào cản tiếp cận thị trường hiện tại mà các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn của Hoa Kỳ phải đối mặt, và các vấn đề khác như “luật bản quyền, vi phạm bản quyền kỹ thuật số, dịch vụ tài chính, đầu tư và minh bạch quy định.”
Sự thiếu hụt vi mạch bán dẫn máy điện toán trên toàn cầu đã thúc đẩy tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của Đài Loan gần đây, vì hòn đảo tự trị này là quê hương của một số nhà sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến và lớn nhất thế giới.
“Sau gần 5 năm không đàm phán, điều quan trọng là phải quay lại bàn đàm phán để giải quyết các rào cản tiếp cận thị trường và những thách thức mới,” ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – Đài Loan, nói với The Epoch Times.
“Điều đó cho thấy, nền tảng này khiêm tốn nên tôi không hào hứng nhặt lấy vụn bánh mì và gọi nó là một bữa tiệc. Ví dụ, các rào cản thị trường đáng kể trong đầu tư và thuế cần được giải quyết trong các hiệp định rộng lớn hơn.”
Theo ông Hammond-Chambers, đầu tư và thuế là những lĩnh vực chính ngăn cản dòng chảy tự do hàng hóa và dịch vụ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Trong tuần này, một nhóm lưỡng đảng gồm 42 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai, thúc giục bà kết nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại với Đài Bắc.
“Chúng tôi trân trọng đề nghị quý vị ưu tiên các cuộc đàm phán này và thực hiện các bước để bắt đầu tạo cơ sở cho việc đàm phán một hiệp định thương mại tự do (FTA), hoặc hiệp định sơ bộ khác, với Đài Loan,” các thượng nghị sĩ viết trong thư.
Vào tháng 08/2020, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế nhập cảng đối với thịt bò và thịt heo của Hoa Kỳ, vốn là trở ngại lớn đối với một thỏa thuận thương mại.
“Bây giờ là lúc Hoa Kỳ phải đáp lại và bắt đầu các cuộc đàm phán. Rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ đạt được nhiều lợi ích khi làm như vậy,” bức thư nêu rõ.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach cũng lặp lại quan điểm tương tự, cho biết, “Một hiệp định thương mại tự do đúng ra phải có từ lâu.”
Năm ngoái (2020), ông Krach đóng một vai trò quan trọng trong việc hâm nóng mối quan hệ với Đài Bắc dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump. Ông đã dẫn đầu một phái đoàn tới Đài Loan, trở thành quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao tới thăm hòn đảo này trong nhiều thập kỷ.
Trước cuộc gặp song phương trong tuần này, Bắc Kinh đã thúc giục Hoa Kỳ ngừng mọi hình thức trao đổi chính thức với Đài Loan.
Đáp lại, tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết “sự ủng hộ của chúng tôi đối với Đài Loan là vững chắc,” trong một cuộc họp báo hôm 28/06.
“Đài Loan là một nền dân chủ hàng đầu và là nền kinh tế lớn, đồng thời là một đối tác an ninh. Và chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ của mình trên tất cả các lĩnh vực,” bà cho biết khi lưu ý rằng Trung Quốc “đã có những hành động ngày càng ép buộc nhằm làm suy yếu nền dân chủ ở Đài Loan.”
Do Emel Akan thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: