Hoa Kỳ: CECC yêu cầu Amazon hỗ trợ người tố cáo đã phơi bày lạm dụng tại nhà máy Trung Quốc
Hôm 16/02, nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng thuộc Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) đã gửi một lá thư tới Giám đốc Điều hành Amazon Andy Jassy, yêu cầu đại công ty thương mại điện tử Mỹ này hỗ trợ một người tố cáo người Trung Quốc đã bị bỏ tù và tra tấn sau khi anh phơi bày điều kiện làm việc tồi tệ ở một trong những nhà cung cấp của công ty này ở Trung Quốc.
Anh Đường Minh Phương (Tang Mingfang), 43 tuổi, trước đây là kỹ sư tại nhà máy của hãng sản xuất điện tử Foxconn ở Hành Dương, một thành phố ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc. Anh làm về sản xuất hàng loạt và kiểm soát chất lượng cho một số sản phẩm của Amazon, bao gồm cả loa thông minh Kindle và Echo.
Năm 2019, anh Đường đã tiết lộ các tài liệu và ảnh nội bộ cho tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động Trung Quốc China Labor Watch (CLW) có trụ sở tại New York, cho thấy Foxconn đang sử dụng bất hợp pháp các công nhân là học sinh, được phân loại là “thực tập sinh” để làm thêm giờ và làm ca đêm.
Một cuộc điều tra sau đó của CLW cho thấy những học sinh này đến từ các trường dạy nghề hoặc cao đẳng địa phương, và các em “thường xuyên bị giáo viên tấn công bằng cả lời nói và thể xác” nếu không chịu làm thêm giờ.
Cuộc điều tra cũng cho thấy Foxconn đã trợ cấp cho những giáo viên này và cung cấp 3 nhân dân tệ (khoảng 0.42 USD) cho các trường học “cho mỗi giờ một học viên thực tập làm việc”.
CLW cho biết, những gì mà nhóm quyền lao động này tìm thấy sau đó đã được Amazon xác nhận trong cuộc điều tra riêng của họ, và nhà bán lẻ này đã một lần nữa yêu cầu Foxconn cách chức giám sát viên và giám đốc nhân sự của nhà máy.
Chưa đầy 10 ngày sau khi CLW công bố cuộc điều tra và The Guardian tiết lộ câu chuyện, anh Đường đã bị bắt vào ngày 16/08/2019 và được thả hai ngày sau, sau khi anh bị thẩm vấn tại một đồn cảnh sát địa phương.
Theo CLW, anh Đường lại một lần nữa bị bắt vào ngày 11/09/2019, và sau đó bị giam giữ cho đến tháng 07/2020, khi anh bị tòa án địa phương tuyên án hai năm tù sau khi bị kết tội “xâm phạm bí mật kinh doanh” và bị phạt 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1,500 USD). Anh đã ra tù vào ngày 10/09 năm ngoái (2021).
Tháng trước (01/2022), trong một bức thư ngỏ gửi cho người sáng lập Amazon Jeff Bezos, anh Đường đã kể chi tiết cách cảnh sát buộc anh phải đưa ra những lời thú nhận sai sự thật khi bị giam giữ.
“Viên cảnh sát đã đánh tôi nhiều lần trong khi thẩm vấn, anh ta liên tục tát và đánh vào mặt và vào sau đầu tôi,” anh Đường viết. “Cuối cùng, họ nổi giận và còng cả hai tay vào đáy khung sắt. Tôi không thể đứng hoặc ngồi, và cả đêm tôi phải ở trong tư thế nửa cúi người.”
“Đến sáng hôm sau, tôi đã không thể chịu đựng được nữa. Toàn bộ cơ thể tôi rùng mình và run rẩy khi tôi miễn cưỡng ký vào các tài liệu do cảnh sát cung cấp, bên cạnh là một sĩ quan mà tôi sợ rằng sẽ đánh tôi một lần nữa nếu tôi không hợp tác.”
Anh hỏi ông Bezos: “Ông có thể yêu cầu Hành Dương Foxconn đối mặt với những vấn đề của riêng mình và bồi thường cũng như xin lỗi tôi không?
“Tôi hy vọng ông sẽ yêu cầu Foxconn ở Hành Dương liên lạc với tòa án địa phương và hỗ trợ tôi khiếu nại về vụ việc để cuối cùng tòa án có thể hủy bỏ bản án của tôi!”
Lá thư hôm 16/02 gửi cho ông Jassy của CECC đã được ký bởi chủ tịch, đồng chủ tịch và hai thành viên cấp cao lần lượt là — Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon), Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusetts), Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), và Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey).
Các nhà lập pháp cho biết họ cũng đã viết thư cho ông Jassy hồi tháng Bảy năm ngoái, yêu cầu Amazon thúc đẩy việc thả anh Đường, nhưng không nhận được hồi đáp.
“Những cá nhân như anh Đường rất cần thiết để phát hiện ra các hoạt động lao động bất hợp pháp và lạm dụng lao động trong các nhà máy nhằm bảo vệ công nhân, các công ty Hoa Kỳ, và người tiêu dùng Hoa Kỳ,” bức thư viết. “CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] không thực thi đầy đủ luật lao động của chính mình và người lao động bị ngăn cản thành lập các tổ chức nghiệp đoàn độc lập.”
Liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC) có trụ sở tại Bỉ, trong báo cáo về Chỉ số Quyền Toàn Cầu năm 2020 (pdf), đã xếp Trung Quốc vào hạng áp chót về vi phạm quyền của người lao động. Các quốc gia khác trong cùng danh mục bao gồm Zimbabwe, Campuchia, Lào, Iran, và Iraq.
Báo cáo chỉ ra rằng hàng chục nhà hoạt động về lao động ở Trung Quốc đã bị bắt giữ trên “cơ sở bằng chứng ngụy tạo” trong năm 2019 và ít nhất năm người trong số họ vẫn đang bị giam giữ trong khi chờ xét xử cho đến tháng 02/2020.
Somalia, Syria, Yemen, Sudan, và Libya nằm trong số chín quốc gia bị xếp hạng tồi tệ nhất.
“Chúng tôi yêu cầu ông một lần nữa công khai vận động cho anh Đường hoàn toàn được miễn tội và bảo đảm những người khác phơi bày lao động cưỡng bức ở CHND Trung Hoa được bảo vệ,” các nhà lập pháp viết.
“Làm như vậy sẽ cung cấp một ví dụ cụ thể về cam kết của Amazon trong việc chấm dứt lạm dụng lao động và lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình, và sẽ bảo vệ cả người lao động và người tố cáo tại các nhà máy và cơ sở cung cấp sản phẩm của Amazon trên toàn thế giới.”
Amazon đã từ chối bình luận khi được hỏi liệu họ có giúp anh Đường xóa tội, như các nhà lập pháp đã gợi ý, hay không. Tuy nhiên, nhà bán lẻ này cho biết họ cam kết duy trì các tiêu chuẩn chuỗi cung ứng của mình.
“Chúng tôi không dung thứ cho việc vi phạm các Tiêu Chuẩn Chuỗi Cung Ứng của mình. Chúng tôi thường xuyên đánh giá các nhà cung cấp, sử dụng các kiểm toán viên độc lập nếu thích hợp, để giám sát việc tuân thủ và cải tiến liên tục — nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ thực hiện các bước thích hợp, bao gồm cả việc yêu cầu hành động khắc phục ngay lập tức,” phát ngôn viên của Amazon nói với The Epoch Times qua email.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: