Hoa Kỳ: Cảnh sát cảnh báo các bậc cha mẹ về tính năng ‘NameDrop’ mới của iPhone
Tính năng này, vốn được bật theo mặc định hoặc tắt đi, có thể bị kẻ xấu lợi dụng.
Nhiều sở cảnh sát Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo về một tính năng mới của iPhone trong đó cho phép chia sẻ thông tin liên lạc và hình ảnh giữa hai thiết bị được đặt gần nhau mà không cần dùng dây. Họ nói rằng tính năng này có thể gây rủi ro cho trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác.
“Nếu quý vị có một chiếc iPhone đã cập nhật bản iOS 17 mới đây, thì một tính năng có tên NameDrop đã được cài đặt vào. Tính năng này cho phép quý vị dễ dàng chia sẻ thông tin liên lạc và hình ảnh với một chiếc iPhone khác chỉ bằng cách đặt hai chiếc điện thoại lại gần nhau,” Phòng Cảnh sát Middletown, Ohio, cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 26/11. “CÁC BẬC CHA MẸ: Đừng quên thay đổi các cài đặt này trên điện thoại của con em mình để giúp các em được an toàn!”
“Khi tính năng này được bật lên, hễ ai có thể đặt điện thoại của họ bên cạnh điện thoại của quý vị (hoặc điện thoại của con em quý vị) và chỉ với một cú chạm vào màn hình đã mở khóa của quý vị, thì họ sẽ tự động nhận được thông tin liên lạc của quý vị bao gồm hình ảnh, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, v.v.,” Sở cảnh sát Watertown CT, Connecticut, cho biết trong một bài đăng khác.
Tùy chọn NameDrop được bật theo mặc định. Để tắt tính năng này trong iOS 17, hãy thực hiện các bước như sau:
- Mở “Cài đặt” (“Settings)
- Chạm vào “Chung” (“General”)
- Chạm vào “AirDrop.” Mục này kiểm soát các tính năng chia sẻ tệp (file) của điện thoại
- Sau khi chọn AirDrop, hãy tắt tùy chọn “Đưa các thiết bị lại gần nhau” (“Bringing Devices Together”) để tắt tính năng NameDrop.
Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Oakland, Michigan, và Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Greenville, South Carolina đã đưa ra những cảnh báo về NameDrop.
Trong cảnh báo của mình, văn phòng Cảnh sát Greenville nêu ra rằng “cách duy nhất mà thông tin liên lạc của quý vị sẽ được chia sẻ là trong trường hợp quý vị và đối phương đặt hai chiếc điện thoại rất gần nhau, mở khóa cả hai chiếc, và sau đó chấp nhận trao đổi.”
“Không có cách nào nhận được thông tin của quý vị nếu trước tiên là thông tin đó không xuất hiện trên màn hình của quý vị, và quý vị hoặc người kia không chạm vào gợi ý ‘chấp nhận.’”
Rủi ro do tính năng này gây ra là điều mà “người cao niên, trẻ em, hoặc những người dễ bị tổn thương khác có thể nhầm lẫn hoặc không để ý.”
Rủi ro về an toàn của trẻ em
Trò chuyện với CBS 12, ông Amir Sachs, một chuyên gia an ninh mạng của Blue Light IT, nêu ra rằng việc cảnh sát đưa ra cảnh báo phần lớn là do lo ngại về sự an toàn của trẻ em.
“Tôi đoán rằng nếu một kẻ xấu muốn đột nhập và tìm cách đặt điện thoại gần điện thoại của một đứa trẻ thì điều đáng sợ là thông tin chi tiết của đứa trẻ đó sẽ được chuyển sang điện thoại của kẻ xấu kia,” ông nói. “Nhưng tôi không nghĩ nỗi lo sợ đó có cơ sở thực tế.”
Ông Sachs nêu ra rằng hai chiếc điện thoại cần phải cách nhau chưa đến 1 inch (2.54 cm) thì tính năng NameDrop mới có thể hoạt động.
Khi hai chiếc iPhone được đặt cạnh nhau, NameDrop cho người dùng hai tùy chọn: “Chỉ nhận” (“Receive Only”) hoặc “Chia sẻ” (“Share”).
“Chỉ nhận” có nghĩa là người dùng sẽ chỉ nhận thông tin do người kia quyển qua. [Khi đó,] không có thông tin nào về người dùng sẽ được gửi cho người kia. Việc chọn “Chia sẻ” cho phép người dùng gửi thông tin của mình cho người khác.”
Có những lo ngại về bảo mật về việc vô tình cho phép NameDrop gửi thông tin cho người lạ.
“Vâng, chúng tôi biết rằng tính năng này cho phép quý vị chia sẻ và có thể từ chối nhưng nhiều người không kiểm tra trạng thái cài đặt của họ và không nhận biết được điện thoại của họ hoạt động như thế nào,” Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Oakland cho biết trong cảnh báo.
NameDrop được sử dụng để chia sẻ nhanh thông tin liên lạc với nhiều người. Chẳng hạn như, một người trong cuộc họp có thể thêm nhiều thông tin liên lạc vào điện thoại của mình chỉ trong vài giây thay vì phải trực tiếp nhập và lưu từng thông tin riêng lẻ.
Rủi ro thao túng hình ảnh
Cảnh báo từ các sở cảnh sát được đưa ra khi ngày càng có nhiều người lo ngại về an toàn kỹ thuật số đối với trẻ em. Khi các em chia sẻ thông tin cá nhân, đặc biệt là hình ảnh, với người lạ thì các em có thể đang đặt mình vào nguy cơ bị lợi dụng.
Trong một tuyên bố gần đây, FBI cảnh báo rằng việc gửi hình ảnh cho người lạ có thể dẫn đến việc “những kẻ xấu” sử dụng các công nghệ và tiện ích thao túng nội dung để tạo ra “những hình ảnh có chủ đề tình dục giống nạn nhân như thật, sau đó lan truyền những hình ảnh này trên truyền thông xã hội, diễn đàn công cộng, hoặc trang web khiêu dâm.”
Ông Yaron Litwin, một chuyên gia về an toàn kỹ thuật số, nói với The Epoch Times rằng, “một trong những khuyến nghị của chúng tôi là hãy thận trọng hơn một chút với những hình ảnh được đăng trực tuyến và hãy tìm cách giữ những hình ảnh đó trong các mạng lưới khép kín, nơi chỉ có những người mà quý vị quen biết.”
Trước những rủi ro do việc thao túng hình ảnh bằng AI gây ra, một liên minh các tổng chưởng lý từ 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ đã kêu gọi Quốc hội nghiên cứu cách thức mà công nghệ này có thể được sử dụng để tạo ra tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em (CSAM) và thực thi luật để truy tố những tội ác đó.
Trong một lá thư đề ngày 05/09 gửi các nhà lãnh đạo Quốc hội, các tổng chưởng lý cảnh báo rằng AI có thể tạo ra những hình ảnh deepfake (*) của trẻ em, khiến cho các em có thể bị lợi dụng.
“Cho dù trẻ em trong các bức ảnh nguồn được dùng để tạo ra deepfake có bị lạm dụng thể chất hay không thì việc tạo ra và lưu hành những hình ảnh khiêu dâm mô tả một đứa trẻ có thật cũng sẽ đe dọa đến sức khỏe thể chất, tâm lý, và cảm xúc của những em là nạn nhân của hành động đó, cũng như của cha mẹ các em.”
Theo một báo cáo của một tổ chức bất vụ lợi, Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích và Bị lợi dụng, hồi năm ngoái (2022), đường dây mật báo của họ đã nhận được hơn 49 triệu báo cáo về hình ảnh CSAM, tăng từ 33 triệu vào năm 2020.
(*) Ghi chú của người dịch
Bản tin có sự đóng góp của Masooma Haq
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times