Hoa Kỳ cảnh báo du khách về việc thực thi ‘tùy tiện’ pháp luật và các biện pháp COVID-19 ở Trung Quốc
Hôm thứ Bảy (09/04), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo người Mỹ nên suy nghĩ kỹ trước khi đến Trung Quốc do các biện pháp COVID-19 “tùy tiện” của chính quyền Trung Quốc. Bộ cũng cho phép các nhân viên chính phủ không thiết yếu và gia đình họ rời khỏi lãnh sự quán Thượng Hải trong bối cảnh toàn thành phố bị phong tỏa.
“Công dân Hoa Kỳ được yêu cầu cân nhắc lại việc đi đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) do việc thực thi tùy tiện pháp luật địa phương và các hạn chế liên quan đến COVID-19,” Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
“Ngoài ra, công dân Mỹ không nên đến Đặc khu hành chính Hồng Kông, tỉnh Cát Lâm, và thành phố Thượng Hải của CHND Trung Hoa do các hạn chế liên quan đến COVID-19, bao gồm nguy cơ cha mẹ và con bị tách rời nhau.”
Hôm Chủ Nhật (10/04), các quan chức y tế Thượng Hải đã báo cáo 24,943 ca nhiễm virus Trung Cộng mới trong 24 giờ trước đó, nâng tổng số ca nhiễm của thành phố này kể từ tháng Ba lên hơn 170,000. Tuy nhiên, nhiều người hơn nữa có thể đã bị nhiễm bệnh, vì các chuyên gia và cư dân Trung Quốc cho biết các quan chức Trung Quốc đang báo cáo thấp các số liệu về ca nhiễm và tử vong.
Các quan chức Thượng Hải đã áp đặt các biện pháp hà khắc theo sách lược “zero-COVID” của chế độ cộng sản. Thành phố đã bị phong tỏa kể từ ngày 28/03, và ngày 09/04 đã đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp cư dân thành phố trải qua cuộc xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố.
Chính sách cưỡng chế tách trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính khỏi cha mẹ không nhiễm virus của Thượng Hải đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người dân thành phố và các nhà ngoại giao phương Tây. Gần đây, các nhà ngoại giao từ 24 quốc gia Âu Châu đã viết thư cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh không thực hiện một biện pháp như vậy.
Các khiếu nại khác từ người dân Thượng Hải bao gồm tình trạng thiếu lương thực và không được tiếp cận với điều trị y tế và thuốc men cho những người không nhiễm COVID-19. Gần đây, các quan chức thực thi pháp luật Thượng Hải bị cáo buộc đã đánh đập người dân vì vi phạm các biện pháp kiểm dịch.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns nói với Bắc Kinh rằng ông lo ngại về các biện pháp liên quan đến virus Trung Cộng của Trung Quốc.
“Đại sứ Burns và các quan chức khác của Bộ và Phái bộ đã trực tiếp nêu lên lo ngại của chúng tôi về sự bùng phát và các biện pháp kiểm soát của CHND Trung Hoa với các quan chức Trung Quốc, và chúng tôi đã thông báo cho họ về quyết định tự nguyện rời đi,” theo một tuyên bố.
Các quan chức Trung Quốc đã phản ứng tiêu cực trước những lời chỉ trích của Hoa Kỳ về các chính sách COVID-19. Hôm 09/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết lo ngại của Hoa Kỳ là một “cáo buộc vô căn cứ,” theo một tuyên bố.
Khuyến cáo đi lại của Bộ Ngoại giao về Trung Quốc cảnh báo công dân Mỹ rằng họ có thể không được tự do đi lại sau khi hoàn thành khoảng thời gian cách ly bắt buộc tại nơi đến.
“Ngay cả sau khi hoàn thành việc kiểm dịch tại nơi đến, khách du lịch đến CHND Trung Hoa và Hồng Kông có thể phải đối mặt với các đợt kiểm dịch bổ sung và xét nghiệm bắt buộc cũng như các hạn chế về đi lại và tiếp cận, bao gồm tiếp cận các dịch vụ y tế và phương tiện giao thông công cộng,” khuyến cáo này nêu rõ.
Nhưng điều đáng báo động hơn đối với những người ở hải ngoại muốn đến thăm Trung Quốc là Bắc Kinh đang tùy tiện áp dụng luật pháp địa phương cho những mục đích rất cụ thể.
“Chính quyền CHND Trung Hoa tùy tiện thi hành luật pháp địa phương, bao gồm việc tiến hành giam giữ tùy tiện và sai trái và sử dụng lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Hoa Kỳ và công dân của các quốc gia khác mà không có quy trình pháp lý phù hợp,” theo khuyến cáo đi lại.
Khuyến cáo nói rằng chế độ Trung Quốc sử dụng biện pháp giam giữ tùy tiện để “buộc các cá nhân tham gia” vào các cuộc điều tra địa phương và “đạt được đòn bẩy thương lượng đối với các chính phủ hải ngoại.”
Trung Quốc nổi tiếng với hoạt động “ngoại giao con tin.” Hai nạn nhân nổi tiếng là ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor, hai công dân Canada đã được trả tự do vào tháng 09/2021 sau khi bị giam giữ ở Trung Quốc hơn 1,000 ngày.
Tháng Sáu năm ngoái (2021), tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Madrid đã báo cáo cách Trung Quốc thực hiện “các vụ bắt cóc hàng loạt do nhà nước hậu thuẫn,” trong đó cảnh sát Trung Quốc làm người dân “biến mất” mà không có lệnh của tòa án theo một hệ thống gọi là Giám sát Dân cư tại một Địa điểm được Chỉ định (RSDL). Báo cáo đã cho biết đã có hàng chục ngàn nạn nhân, bao gồm cả người ngoại quốc, kể từ năm 2013.
Trong bài phân tích của mình cho The Epoch Times hôm 01/04, ông Peter Dahlin, nhà sáng lập đồng thời là giám đốc của tổ chức này cho biết có thể có tới 100,000 nạn nhân của RSDL.
Ông cảnh báo, “Với một Trung Quốc cộng sản hiếu chiến hơn — sẵn sàng giam giữ công dân hải ngoại để đạt được điều họ muốn — mọi chỉ số đều cho thấy người ngoại quốc đang trở thành mục tiêu phổ biến hơn của RSDL.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: