Hoa Kỳ cấm tất cả hàng nhập cảng của Li-Ning Trung Quốc vì sử dụng lao động Bắc Hàn
Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã cấm tất cả hàng hóa do một thương hiệu thể thao hàng đầu của Trung Quốc sản xuất, với lý do hãng này sử dụng lao động Bắc Hàn, có nghĩa là vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Được thành lập bởi cựu vận động viên thể dục dụng cụ Olympic Lý Ninh (Li Ning), Li-Ning Sporting Goods là một công ty đồ thể thao và dụng cụ thể thao có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Sau khi xem xét chuỗi cung ứng của công ty này, hôm 15/03, cục hải quan Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ sẽ giữ lại các sản phẩm mang thương hiệu Li-Ning tại tất cả các cảng nhập cảnh của Hoa Kỳ vì vấn nạn sử dụng lao động Bắc Hàn của công ty này, vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Lệnh này có hiệu lực từ hôm 14/03.
Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ Thông qua Trừng phạt (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act, CAATSA) cấm nhập cảnh hàng hóa, đồ dùng, và vật phẩm được coi là những sản phẩm của lao động cưỡng bức, được làm toàn bộ hoặc một phần bởi công dân Bắc Hàn, bao gồm cả những người đang làm việc ở hải ngoại, theo một tuyên bố hôm 15/03.
Tuyên bố viết, “Những hàng hóa như vậy sẽ không được phép nhập cảng trừ khi người nhập cảng cung cấp bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng hàng hóa của họ không được sản xuất bằng lao động bị kết án, lao động cưỡng bức, hoặc lao động theo khế ước đang chịu án phạt hình sự trong vòng 30 ngày theo thông báo giam giữ.”
Nếu không thì, các sản phẩm bị giữ lại đó có thể bị thu giữ và tịch thu, CBP cho biết.
Phó Ủy viên Điều hành Thương mại của Văn phòng CBP AnnMarie Highsmith cho biết, biện pháp này được thực hiện nhằm “đề cao giá trị căn bản của phẩm giá con người” và để bảo đảm tất cả hàng hóa nhập cảng vào Hoa Kỳ không bị lao động cưỡng bức.
Li-Ning đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times trước thời điểm phát hành bài báo này.
Công ty Trung Quốc này trước đây đã thu hút sự chú ý vì ủng hộ việc sử dụng bông từ vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc, nơi chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện một chiến dịch đàn áp mở rộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người thiểu số Hồi giáo khác. Các nhà nghiên cứu nói rằng, hành vi [sử dụng] lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ này rất có khả năng đã để lại một vết nhơ cho bông Tân Cương. Có đôi lúc, Li-Ning đã ghi chú rằng họ sử dụng bông Tân Cương trên nhãn mác quần áo.
Thương hiệu đồ thể thao này cũng đã hợp tác với thương hiệu giày sneaker “Way of Wade” của cựu cầu thủ NBA Dwyane Wade kể từ năm 2012, một thương vụ mang lại cho ông Wade ít nhất 100 triệu USD.
Cuối năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật một lệnh cấm tất cả các hàng hóa nhập cảng từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc do lo ngại về lao động cưỡng bức.
Tháng 11/2020, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cũng đưa vào danh sách đen một công ty Nga và một công ty Bắc Hàn hoạt động tại Nga, công ty này bị cáo buộc có liên quan đến việc xuất cảng lao động cưỡng bức từ Bắc Hàn.
Một nghị quyết năm 2017 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quốc gia hồi hương tất cả các công nhân Bắc Hàn trước ngày 22/12/2021, để ngăn họ kiếm ngoại tệ cho các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn.
Hoa Kỳ ước tính rằng Bình Nhưỡng kiếm được hơn 500 triệu USD mỗi năm từ gần 100,000 lao động ở ngoại quốc, trong đó khoảng 50,000 người ở Trung Quốc và 30,000 người ở Nga.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: