Hoa Kỳ cấm nhập cảnh đối với các quan chức hải quân và giám đốc doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến quân sự hóa Biển Đông
Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố hôm 14/01 cho biết Hoa Kỳ sẽ cấm các giám đốc điều hành, quan chức hải quân Trung Quốc và những người khác có liên quan đến hành động gây hấn quân sự của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Đây là hoạt động mới nhất trong một loạt các hoạt động được thực hiện trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, nhằm nhắm tới các vi phạm của Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) trên toàn thế giới.
Bộ Ngoại giao sẽ áp dụng các hạn chế về thị thực đối với các cá nhân là công dân Trung Quốc có liên quan đến hoạt động quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, hay việc Bắc Kinh “sử dụng biện pháp cưỡng chế đối với các bên tranh chấp Đông Nam Á để ngăn chặn các nước này tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi” trong khu vực, ông Pompeo cho biết trong một tuyên bố. Trong số những người sẽ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế này có các giám đốc điều hành của các công ty quốc doanh Trung Quốc, các quan chức Trung Cộng và các quan chức trong hải quân Trung Quốc. Các thành viên gia đình trực hệ của họ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Hồi tháng 8 năm ngoái, các biện pháp hạn chế thị thực tương tự cũng đã được công bố, mặc dù Bộ Ngoại giao lúc đó không chỉ ra rõ rằng các quan chức và giám đốc điều hành Trung Quốc sẽ là đối tượng bị nhắm vào.
“Bắc Kinh tiếp tục cử các đội tàu đánh cá và tàu khảo sát năng lượng, cùng với các tàu hộ tống quân sự đến hoạt động trong vùng biển mà các quốc gia Đông Nam Á đã tuyên bố chủ quyền và quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của các quốc gia này, ở những khu vực mà họ không đưa ra được yêu sách hàng hải chặt chẽ và hợp pháp,” Ngoại trưởng Pompeo nói.
Hồi tháng 07/2020, Hoa Kỳ đã chính thức bác bỏ các tuyên bố lãnh thổ “bất hợp pháp” của Bắc Kinh ở Biển Đông và lên án “chiến dịch bắt nạt” của họ trong khu vực.
Bắc Kinh có yêu sách lãnh thổ đối với hầu hết các tuyến đường thủy bao phủ khắp Biển Đông, vốn bị tòa án quốc tế phán quyết là phi pháp năm 2016. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan có các tuyên bố chủ quyền tranh chấp trên các tuyến đường thủy này. Là nơi có ngư trường phong phú và các nguồn tài nguyên thiên nhiên tiềm tàng có giá trị, Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường vận tải chính của thế giới.
Trong những năm gần đây, chế độ cộng sản Trung Quốc đã tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trên các tuyến đường thủy chiến lược ở Biển Đông bằng cách xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo và rạn nhân tạo. Ngoài ra, Trung Quốc còn khai triển các tàu tuần duyên và tàu đánh cá của nước này để uy hiếp các tàu nước ngoài, chặn đường vào các tuyến đường thủy và chiếm giữ các bãi cạn và bãi đá ngầm.
Bộ Thương mại hôm nay cũng đã đưa tập đoàn dầu khí quốc gia khổng lồ của Trung Quốc (CNOON) vào danh sách đen kinh tế, vì vai trò của nó trong “chiến dịch cưỡng chế chống lại các bên tranh chấp tài nguyên dầu khí ở Biển Đông,” ông Pompeo cho biết.
“Trung Cộng đã sử dụng CNOOC và các doanh nghiệp nhà nước khác làm vũ khí để cố gắng thực thi [yêu sách] ‘Đường chín đoạn’ bất hợp pháp của Bắc Kinh,” Ngoại trưởng Pompeo nói trong khi đề cập đến đường ranh giới trong yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng.
Ông nói thêm, “CNOOC đã sử dụng giàn khoan khảo sát khổng lồ HD-981 ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa vào năm 2014 nhằm đe dọa Việt Nam. Giám đốc điều hành của CNOOC khi đó đã quảng bá giàn khoan dầu này là ‘lãnh thổ quốc gia di động.’”
Cathy He
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: