Hoa Kỳ cấm nhập cảng hải sản từ đội tàu cá Trung Quốc vì liên quan đến ‘chế độ nô lệ hiện đại’
Hôm thứ Sáu (28/05), Cục Hải quan và Bảo vệ Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã cấm một công ty đánh bắt cá Trung Quốc bán các sản phẩm hải sản tại Hoa Kỳ vì lo ngại rằng công ty này đối xử với công nhân nhập cư như những nô lệ.
Cục này cho biết họ sẽ lập tức tiến hành thu giữ cá ngừ, cá kiếm và các sản phẩm hải sản khác của Công ty TNHH Đánh Bắt Cá Ngừ Xa Bờ Đại Liên, tại tất cả các cảng nhập cảnh của Hoa Kỳ, viện dẫn luật liên bang Hoa Kỳ, theo đó luật này cấm các chuyến hàng có sử dụng lao động nô lệ hoặc lao động trẻ em. Theo một quan chức CBP, lệnh cấm cũng mở rộng đối với các sản phẩm có chứa hải sản, chẳng hạn như cá ngừ đóng hộp và thức ăn cho vật nuôi.
CBP cho biết trong một cuộc họp báo rằng, mặc dù trước đây cơ quan này đã nhắm mục tiêu vào các tàu đánh bắt nhỏ lẻ, nhưng đây là lần đầu tiên CBP thực hiện hành động chống lại toàn bộ đội tàu đánh cá – tổng cộng là 32 tàu.
Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết trong một tuyên bố: “Những công ty bóc lột người lao động sẽ không có chỗ làm ăn ở Hoa Kỳ. Các sản phẩm làm từ lao động cưỡng bức không chỉ bóc lột người lao động mà còn gây tổn hại cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ và khiến người tiêu dùng phải mua hàng phi đạo đức.”
Ông Troy Miller, quyền ủy viên tại CBP, cho biết biện pháp này, hay “Lệnh Hủy bỏ” (withhold release order, WRO), được lập ra để “vừa bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương vừa san bằng sân chơi cho các nhà sản xuất hải sản và ngư dân Hoa Kỳ.” Ông ví những gì công ty đánh bắt cá Trung Quốc đang làm là một “chế độ nô lệ hiện đại.”
CBP cho biết trong một cuộc điều tra, các công nhân làm việc trên các đội tàu đánh bắt cá ngừ xa bờ Đại Liên, nhiều người là người Indonesia, bị “bạo hành thể xác, bị giữ tiền lương, điều kiện sống và làm việc bị ngược đãi.” CBP cũng lưu ý thêm rằng điều kiện làm việc [ở trên tàu] đáp ứng tất cả 11 chỉ số về lao động cưỡng bức theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bốn ngư dân Indonesia đã qua đời vào năm ngoái khi làm việc trên các tàu của Công ty đánh bắt cá ngừ xa bờ Đại Liên. Ba trong số các thi thể này đã được thủy táng, theo The Jakarta Post, một tờ báo thường nhật của Indonesia. Vụ án mạng này đã thúc đẩy một cuộc điều tra chung giữa Jakarta và Bắc Kinh. Những lời phàn nàn của các thành viên phi hành đoàn về thiếu thốn thức ăn, mất nước và đánh đập đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt ở nước này.
Công ty Đại Liên đã nhập cảng hải sản trị giá 233,000 USD trong năm tài chính vừa qua.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết hành động của CBP “giúp ngăn chặn những kẻ vi phạm nhân quyền thu lợi từ lao động cưỡng bức.” Bộ Ngoại giao đã thu hồi hơn một chục thị thực của “các cá nhân đồng lõa với hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát có dính líu tới nạn buôn người,” ông nói thêm.
Trong báo cáo nhân quyền năm 2020 của Bộ Ngoại giao cũng ghi nhận việc ba ngư dân Indonesia cầu xin sự giúp đỡ, họ nói rằng họ bị mắc kẹt trong một tàu đánh cá của Trung Quốc, bị ngược đãi và bị ép buộc làm việc 20 giờ mỗi ngày mà không được trả lương.
Hoa Kỳ đã áp đặt một số lệnh cấm nhập cảng vì lo ngại vấn đề lao động cưỡng bức của Trung Quốc. Hầu hết các biện pháp này tập trung vào khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại tập trung để chịu sự tra tấn và các hành vi ngược đãi khác.
Các nhóm tín ngưỡng bị bức hại khác, một trong những nhóm lớn nhất là các học viên Pháp Luân Công, cũng bị lạm dụng lao động nô lệ trong tù. Trong báo cáo của Bộ Ngoại giao có trích dẫn một phụ nữ bị bắt phải làm hoa giả, mỹ phẩm và quần áo, mà The Epoch Times đưa tin hồi tháng 8 năm ngoái.
Chính phủ ông Trump, trong tuần cuối cùng tại vị, đã ra lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương, một khu vực sản xuất bông lớn trên thế giới, trong bối cảnh nhận được báo cáo rằng hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị ép đi hái bông trong khu vực. Phạm vi của lệnh cấm này có thể có tác động lớn đến ngành công nghiệp may mặc toàn cầu.
Do Eva Fu thực hiện
Với sự đóng góp của Reuters
Hồng Ân biên dịch
Xem thêm: